Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều chiêu trò lừa giáo viên khi học online mùa dịch

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, xu hướng học tập tại nhà được lựa chọn để tránh tiếp xúc gần nhưng vẫn đảm bảo tiến độ bài học.

Tuy nhiên, dù cố gắng đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ trong giai đoạn khó khăn, không ít người vẫn tìm đủ trò để trốn tránh các buổi học online.

Hãy lấy Zoom làm ví dụ. Đây là dịch vụ nổi lên khi mọi người tìm kiếm một hệ thống học tập, làm việc online ổn định, dễ sử dụng.

Nhằm tránh tình trạng lơ là trong buổi học, dịch vụ này trang bị tính năng báo cáo với giáo viên nếu bạn rời khỏi cửa sổ ứng dụng quá 30 giây. Ví dụ, nếu đang học mà quay ra lướt Facebook, xem YouTube thì Zoom sẽ báo cáo với giáo viên để nhắc nhở bạn.

thuc trang tron hoc online tren zoom mua dich covid-19 anh 1

Không ít học sinh tìm đủ cách để trốn học online mùa dịch. Ảnh: The Next Web.

Dùng video tự quay bản thân đang tập trung để đánh lừa giáo viên

"Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò", câu nói trên rất đúng trong trường hợp này bởi nhiều học sinh tìm đủ cách qua mặt tính năng cảnh báo mất tập trung của Zoom. Theo đó, chỉ cần cho chạy lặp lại một video chân dung hoặc đặt ảnh tĩnh của họ làm ảnh nền tùy chỉnh là có thể đánh lừa tính năng này.

Khi đã đánh lừa được Zoom, họ có thể chơi game, đi ăn uống hoặc ngủ một giấc ngon lành trong khi thầy cô vẫn đang dạy.

Theo The Next Web, không chỉ học sinh mà người lớn cũng học theo trò đùa này. Một người dùng Twitter tên Matt Buckley đã khiến cộng đồng mạng chú ý bởi anh có thể đặt ảnh chân dung làm hình nền trên Zoom rồi đi làm chuyện riêng, trong khi những người còn lại vẫn tưởng Buckley đang hiện diện trong phòng họp.

thuc trang tron hoc online tren zoom mua dich covid-19 anh 2

Sử dụng tính năng phông nền ảo của Zoom, người này có thể "chuồn" đi chỗ khác trong khi hình của anh vẫn xuất hiện trong phòng. Ảnh: Kate Buckley/Twitter.

"Tôi đặc biệt thích tính năng phông nền ảo của Zoom. Nhiều đồng nghiệp của tôi sử dụng tính năng này để che đi căn phòng bừa bộn của họ", Buckley chia sẻ "sáng kiến" sử dụng tính năng phông nền ảo để đánh lừa Zoom được vợ anh nghĩ ra.

Tuy nhiên để sử dụng tính năng này, bạn phải mua bản trả phí của Zoom với giá 500 USD mỗi năm.

Ngoài tính năng đặt ảnh nền của Zoom, một số người còn "tinh quái" hơn khi quay trước đoạn clip đang ngồi học rồi đặt trước webcam để đánh lừa giáo viên, trong khi bản thân nằm phía sau lướt web hoặc chơi game.

Chửi tục, vote một sao ứng dụng học online

Bên cạnh các thủ thuật trên, có không ít chiêu trò bẩn được nghĩ ra nhằm mục đích không phải học online.

Theo chính sách các kho ứng dụng, một ứng dụng có thể bị gỡ nếu nhận quá nhiều đánh giá một sao. Lợi dụng chính sách này, một bộ phận học sinh đã tràn vào các ứng dụng như Zoom để chấm một sao, đưa ra những lời lẽ tục tĩu mong ứng dụng bị gỡ.

Tính đến nay, đã có hàng nghìn đánh giá một sao trên Zoom với các lời nhận xét phản cảm, phần lớn cho rằng vì ứng dụng này mà học sinh không được nghỉ ngơi, "ghét" nên cho một sao.

Tất nhiên vẫn có một số đánh giá 5 sao để phản biện, cho rằng ứng dụng rất hữu ích để củng cố kiến thức trong mùa dịch. Hiện điểm đánh giá trung bình của Zoom trên App Store là 3,8/5 sao.

Trước đó, trong các video giảng dạy của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội được phát trực tiếp trên Facebook và YouTube xuất hiện không ít bình luận thô tục, thậm chí chế giễu, miệt thị ngoại hình giáo viên đang giảng dạy.

thuc trang tron hoc online tren zoom mua dich covid-19 anh 5

Những bình luận thô tục trong video giảng dạy online của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

"Hôm nay nhà em hút bể phốt nên em đi học muộn", "Mạng như ** ý cô", "Cô ơi em mắc ** cô ẵm em đi ** được không cô", "*** hiểu ** gì hết", "Áo ** cô màu trắng ạ" là số ít trong rất nhiều bình luận nhảm nhí, thô tục dưới các video giảng dạy trên Facebook.

Điều này không chỉ khiến cư dân mạng phẫn nộ, nó còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà phát triển, cũng như cách nhìn nhận của họ về ý thức của người dùng Việt Nam.

Theo khảo sát được công bố ngày 22/2 của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng, tăng 7 điểm ứng xử kém văn minh so với năm 2018.

Dễ dàng nhận thấy sự kém văn minh của cộng đồng mạng với hành động chửi bới trọng tài, cầu thủ sau mỗi trận bóng đá, bình luận thô tục khi nhận quan điểm, ý kiến trái ngược với bản thân hoặc "xin link" mỗi khi có nhân vật nổi tiếng lộ clip nóng.

Bên cạnh giảng dạy các môn học cơ bản, đã đến lúc nhà trường cần giáo dục cho học sinh về văn hóa ứng xử, bình luận trên Internet. Các công ty công nghệ và mạng xã hội cần có những chính sách khuyến khích hành động văn minh trên mạng, đồng thời đưa ra hình phạt thích đáng cho những hành vi vô văn hóa, xúc phạm người khác.

Dạy học online trong khu cách ly Từ Australia trở về, Lê Vũ Anh Thư ở khu cách ly tập trung tại Hưng Yên. Cô tình nguyện dạy tiếng Anh online cho học sinh từ lớp 1 đến 12.

Trường lập tổ dã chiến, đường dây nóng hỗ trợ học online

Một số trường học ở Hà Nội đã thành lập tổ công tác giúp giáo viên, phụ huynh làm quen và sử dụng các phần mềm trực tuyến.

Làm sao để dạy học online không trở thành nỗi sợ cho giáo viên?

Dạy và học online có hiệu quả như cách truyền thống, nhất là khi cách làm này đòi hỏi sự thích nghi, điều chỉnh rất nhiều, trên diện rộng? Câu trả lời: có và không.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm