Muốn giữ Bibica, cổ đông tâm huyết phải ôm ít nhất 25% cổ phần
Ông Trương Phú Chiến, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bibica khẳng định, nếu nhóm cổ đông tâm huyết với thương hiệu Bibica nắm giữ trên 25% số cổ phần có biểu quyết thì thương hiệu Bibica sẽ luôn được giữ vững.
>> Giữ được tên, Bibica vẫn khó tránh bị thôn tính
Ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Bibica khi trao đổi với báo giới về mối quan hệ hợp tác Bibica- Lotte chiều 27/3. |
Đề xuất của cổ đông lớn Lotte (nắm 38% vốn cổ phần) tại CTCP Bánh kẹo Biên Hòa- Bibica (BBC) đổi tên Công ty thành CTCP Lotte-Bibica gây nên bức xúc với các cổ đông trong nước.
Dù việc này đã không diễn ra trong kỳ ĐHCĐ vừa qua, nhưng vẫn khiến những người tâm huyết với thương hiệu bánh kẹo lớn thứ hai tại thị trường nội địa quan ngại. Xung quanh vấn đề này và mối quan hệ Lotte-Bibica, ông Trương Phú Chiến, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bibica đã có nhiều chia sẻ với phóng viên.
- Thưa ông nhiều cổ đông trung thành của Bibica đang lo ngại về đề xuất của Lotte đổi tên Công ty khiến thương hiệu Bibica có khả năng biến mất. Nguy cơ này có thể sớm xảy ra hay không?
- Muốn thay tên Bibica, Công ty bắt buộc phải sửa đổi lại điều lệ hoạt động. Theo quy định hiện hành, việc sửa đổi điều lệ công ty chỉ có giá trị pháp lý khi được ít nhất 75% số cổ phần tham dự ĐHCĐ đồng ý.
Vì yêu cầu ĐHCĐ lần 1 chỉ được tiến hành khi số cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 65% cổ phần có quyền biểu quyết nên muốn sửa đổi điều lệ của Bibica, phía Lotte tối thiểu phải được sự hậu thuẫn của trên 48,75% cổ phần. Hiện nay, phía đối tác Hàn Quốc mới đang nắm giữ tỷ lệ 38%.
Dựa trên các định pháp lý, tôi tin việc đổi tên Công ty theo đề xuất của cổ đông lớn Hàn Quốc khó có thể xảy ra ở thời điểm hiện nay. Việc thôn tính Bibica phụ thuộc vào tỷ lệ cổ phiếu họ nắm giữ, nếu tỷ lệ sở hữu vượt 51% thì có thể thực hiện được, còn không Bibica vẫn là Bibica.
- Phía Lotte có muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Bibia lên hay không? Có khả năng phía Lotte tìm được giải pháp để vượt qua được tỷ lệ 48,75% như việc gia tăng tỷ lệ sở hữu ngầm qua các cá nhân hay công ty con của Lotte tại Việt Nam?
- Trước đây họ muốn tăng tỷ lệ sở hữu nhưng bị hạn chế giới hạn “room” 49%. Với mức sở hữu hiện tại, muốn mua thêm cổ phiếu BBC bắt buộc phía Lotte phải thực hiện chào mua công khai. Thông tin vì vậy sẽ được công bố rộng rãi ra thị trường.
Tập đoàn Lotte là tập đoàn lớn có uy tín, họ hoạt động tại 15 quốc gia và đều tuân thủ luật pháp tại nước sở tại nên tôi tin sẽ không có chuyện Lotte làm những việc khuất tất chỉ để đạt được mục tiêu bằng mọi giá.
- Thưa ông ngoài Lotte, cổ đông lớn của Bibica hiện nay là những ai?
- Thông tin đã được công bố trong báo cáo thường niên 2012 của Bibica. Ngoài ra, hiện tại Bibica còn mới xuất hiện hai cổ đông lớn là các nhà sản xuất nội địa.
Họ hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm nên đánh giá cao hoạt động sản xuất kinh doanh của Bibica. Họ đã mua vào khi giá cổ phiếu BBC thấp hơn giá trị sổ sách vì coi đây là khoản đầu tư tốt. Vì lý do bảo mật cho khách hàng và đối tác nên tôi chưa thể công bố danh tính và tỷ lệ cổ phần họ đang sở hữu. Tuy nhiên, tôi có thể quả quyết rằng nếu nhóm cổ đông tâm huyết với thương hiệu Bibica nắm giữ trên 25% số cổ phần có biểu quyết thì có thể khẳng định thương hiệu Bibica sẽ luôn được giữ vững.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của Lotte với sự phát triển của Bibica thời gian qua? Phía đối tác tham gia hoạt động điều hành tại Bibica như thế nào?
Thực chất sự hợp tác mới tính trên từng dự án và hiện nay mới chỉ dừng lại ở dự án Lottepie qua việc chuyển giao công nghệ sản xuất. Tuy nhiên về phía Bibica, hiệu quả của sự hợp tác trong dự án này chưa như kỳ vọng.
Hiện nay việc điều hành Bibica vẫn phần lớn do Ban lãnh đạo nội địa. Tôi là người vạch ra chủ trương chiến lược và đề xuất với HĐQT. Vị Chủ tịch HĐQT của Bibica hiện nay là người Hàn Quốc và không có mặt thường xuyên tại Việt Nam.
- Xin ông cho biết khái quát về hợp đồng hợp tác giữa Bibica và Lotte ký kết năm 2007?
- Thực chất đây là văn bản hợp tác toàn diện giữa hai bên, bao gồm các thỏa thuận về sản xuất, phát triển nhãn hàng, quản lý và phát triển các dự án đầu tư. Về phía Bibica, Công ty được nhận chuyển giao công nghệ từ Lotte. Đổi lại, Lotte có thể tận dụng mạng lưới của phân phối sẵn có của Bibica để phân phối các sản phẩm nhập khẩu. Sự hợp tác này nhằm mục đích hai bên cùng lớn mạnh.
Tuy nhiên trong quan hệ hợp tác này, thời gian vừa qua lợi ích mới nghiêng chủ yếu về phía Lotte. Bibica phát triển doanh số trên thương hiệu Lotte nên thương hiệu Công ty không được nâng tầm tương ứng. Đã là hợp tác thì quyền lợi của hai bên phải được xem trọng tương đương. Vừa qua tôi đã lên tiếng với HĐQT Bibica về vấn đề này để làm rõ lại việc hợp tác trong dự án Lottepie.
Bibica tiếp tục vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác do đã có thỏa thuận lúc nhập khẩu dây chuyền và nhận chuyển giao công nghệ, nhưng với các nhãn hàng Lotte muốn phát triển riêng thì các chi phí marketing liên quan phải tính toán lại để phía đối tác chia sẻ chi phí.
- Ngay khi hợp tác này Bibica có nhận thức được việc phải sản xuất dưới thương hiệu Lotte hay không?
- Thỏa thuận hợp tác đã bao gồm cả điều khoản sử dụng nhãn hiệu Lotte đi kèm với chuyển giao công nghệ. Bibica đã chấp nhận điều này, nhưng bên cạnh đó vẫn mong muốn phát triển dòng sản phẩm và nhãn hàng của riêng của mình.
Trong hợp đồng ký kết có đề cập đến nội dung này, nhưng để ràng buộc phía Việt Nam, đối tác đã sử dụng một số từ ngữ “ở giữa” một chút, vì vậy, hiện tại Bibica rơi vào thế hơi “lép vế”.
- NĐT rất quan tâm đến thông tin Bibica xuất khẩu sản phẩm Lottepie ra nước ngoài qua Lotte với giá bán 6,9 USD/thùng, nhưng năm 2011 do gặp sự cố dây chuyền sản xuất nên phải nhập khẩu cũng qua Lotte với giá bán 7,4 USD/thùng. Tại sao có mức chênh lệch này?
- Cần nói lại việc Bibica chỉ nhập khẩu chủ yếu đề giữ thị phần trong nước khi gặp sự cố nhà máy. Về mức giá này, tôi cũng đã hỏi phía Lotte. Họ nói giá thành này được xây dựng dựa trên chi phí của công ty con tại Trung Quốc. Đây là công ty con 100% vốn của Lotte nên họ có thể tính toán giá thành giữa công ty mẹ và công ty con như thế nào chẳng được!
Còn với dự án Lottepie, thỏa thuận hợp tác sản phẩm sẽ xuất khẩu đi 9 nước và tiêu thụ tại thị trường nội địa là 50:50. Phía Lotte luôn giữ chủ trương thống nhất với các quốc gia đã có văn phòng việc xuất khẩu sản phẩm sang quốc gia khác sẽ tập trung về một đầu mối. Việc này nhằm điều tiết được thị trường. Mới đây tôi thảo luận với Lotte về việc xuất khẩu sản phẩm, phía đối tác đề xuất giá mua 6,9 USD/thùng. Mức giá này không tốt nên việc xuất khẩu đang tạm hoãn. Tôi cũng đề xuất với phía Lotte trong trường hợp họ không xuất hàng thì giao Bibica tự làm. Chẳng hạn với thị trường Myanmar chúng tôi có thể chào bán với giá bán lên tới 8,4 USD/thùng.
- Liệu có kịch bản đối tác ngoại cố tình làm Bibica bị thua lỗ để tiến tới thôn tính như một số trường hợp đã từng xảy ra?
- Tôi cho rằng họ sẽ không sử dụng chiêu bài làm sản phẩm nội địa rớt hạng sau đó sử dụng sản phẩm nhập khẩu để chiếm lĩnh thị trường. Định hướng của Lotte vẫn dựa vào Bibica để phát triển các sản phẩm và nhãn hàng của họ tại thị trường Việt Nam.
- Ông giải thích thế nào về việc dự án Bibica Hưng Yên bị chậm trễ mấy năm nay?
- Bên cạnh dự án Lottepie, Bibica và đối tác Hàn Quốc đang triển khai dự án tại Hưng Yên với định hướng sản xuất 5 nhóm sản phẩm phát triển làm 3 giai đoạn. Nhưng hiện nay rút bài học từ dự án Lottepie, phía Việt Nam đặt vấn đề rõ cần làm rõ định hướng ngay từ đầu.
Thứ nhất là các sản phẩm Lotte nhưng Bibica cũng cần xây dựng các thương hiệu sản phẩm của riêng mình.
Thứ hai, quyền lợi của phía Bibica và Lotte là gì? Chúng tôi quyết tâm triển khai dự án trong năm nay do không thể chậm trễ hơn nữa. Việc Bibica phát triển xây dựng các nhãn hàng mới không mấy khó khăn do đã chúng tôi đã có kinh nghiệm trong ngành bánh kẹo từ năm 1995 tới nay.
Theo ĐTCK