Thoát khỏi vùng an toàn, tìm đến những khách hàng lớn, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn. Ảnh: C.F. |
Don Clark sở hữu thương hiệu Dive Right In ở khu vực Phoenix, đây là một cửa hàng địa phương chuyên cung cấp các loại bể bơi ngoài trời, dụng cụ bể bơi và bếp nướng dã ngoại. Mặc dù Don đã hoạt động kinh doanh được sáu năm và làm việc 60 giờ mỗi tuần, nhưng anh ấy vẫn luôn trong trạng thái lênh đênh.
Don phải trầy trật để đạt tăng trưởng 3% mỗi năm, chỉ ngay trên mức lạm phát. Với một công ty lớn, tăng trưởng 3% một năm không tệ, nhưng với Dive Right In thì khác. Bất chấp mọi nỗ lực của Don trong việc điều chỉnh danh mục sản phẩm, bổ sung nhân sự kinh doanh, kết quả vẫn không như mong đợi. Rốt cục, anh chấp nhận thực tại và chờ đợi vận may; bởi anh đang bế tắc.
Câu chuyện của Don không hề hiếm gặp. Trên thực tế, tôi cho rằng quá nửa số người đang hoạt động kinh doanh đều đang rơi vào tình trạng mà tôi gọi nôm na là “vệt ốc sên”. Họ miệt mài với kế sinh nhai của mình, nhưng họ vẫn chưa giành được những gì xứng đáng.
Tại sao lại như vậy?
Don, cũng như rất nhiều người khác, đang trở thành nạn nhân của sự tận hiến của chính mình. Anh ấy dốc toàn bộ công sức cho sự phát đạt của cửa hàng mình và tự huyễn hoặc bản thân mình rằng thành công đang ở rất gần. Có thể nói rằng anh ấy bị cuốn quá sâu vào vòng xoáy công việc, nhưng không đủ tỉnh táo để nhận ra phương pháp kinh doanh của mình có thật sự hiệu quả hay không.
Trên thực tế, kiểu đầu tư cảm tính này đã che mờ khả năng nhận định bằng lý trí rằng khoản tiền anh tích cóp cả đời đang bị đe dọa; anh đã mất khả năng đối mặt với những sự thật phũ phàng.
Rất nhiều nhà kinh doanh đi vào “vệt ốc sên” chỉ vì tình trạng căng thẳng tài chính. Họ phải nuôi ba đứa trẻ ăn học, có một khoản vay thế chấp, các khoản phí tổn cho hai chiếc ô tô và bốn tấm thẻ tín dụng đã xài gần hết hạn mức và không còn bất kỳ nguồn tiền dự trữ nào.
Họ biết rằng họ cần phải thay đổi một điều gì đó nhưng sợ việc làm đó khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh "lật thuyền" (ngay cả nó tồn tại bằng tiền vay). Điều gì sẽ xảy ra khi họ để mất đi nguồn thu nhập nhỏ giọt nhưng sống còn này?
Nỗi sợ thay đổi có tính cộng dồn và kế thừa qua thời gian. Vì thế, nó trở nên ngày càng lớn hơn. Một người cha đưa các con tham gia kinh doanh cùng mình, hy vọng rằng sức trẻ có thể mang lại một động lực mới để phát triển. Những người trẻ mang theo những đề xuất thay đổi, nhưng mọi thay đổi luôn đi kèm những rủi ro bất khả kháng, vì vậy người cha lại bác bỏ các đề xuất.
Và thế là doanh nghiệp tiếp tục sa lầy trong cái vòng luẩn quẩn của nó, đồng thời còn phải nuôi sống nhiều người hơn.
Trong đa phần các trường hợp, các doanh nghiệp với sức cạnh tranh yếu thường rơi vào vòng luẩn quẩn này, và người chủ của nó không tìm ra được lối thoát. Cụ thể, người chủ doanh nghiệp không biết cách thu hút khách hàng lớn, để từ đó nâng cao doanh số và lợi nhuận. Đây có thể là lý do khiến doanh nghiệp chậm phát triển.
Các doanh nghiệp luẩn quẩn trong “vệt ốc sên” đang ở trên lằn ranh sống còn. Sự bền bỉ đôi khi chỉ giúp họ tồn tại chứ không làm cho họ lớn mạnh nhanh chóng. Bất kỳ trục trặc nào cũng có thể dẫn đến sự sụp đổ.
Chẳng hạn như các rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của họ: dịch bệnh, suy thoái kinh tế, giá nguyên vật liệu tăng, nhân viên chủ chốt nghỉ việc, thu hồi vốn chậm... tất cả đều có thể dẫn tới nguy cơ phá sản.
Với chiến lược vận hành theo kiểu “vệt ốc sên”, doanh nghiệp của bạn có lẽ sẽ phải đóng cửa trước khi nó rơi vào tình trạng hết cửa cứu vãn.