Trong một phiên họp về khí hậu tại London, Anh hồi tháng 7, Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Barbara Creecy trình bày bản kế hoạch đầy tham vọng. Theo đó, các nước giàu cần chi hơn 750 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, qua đó làm giảm tác động tới môi trường.
Khi nghe đến con số này, ông John Kerry, đặc phái viên của Mỹ về biến đổi khí hậu, im lặng. Một số quan chức phương Tây cho biết họ chưa sẵn sàng thảo luận về một con số lớn như vậy.
Trong hàng thập kỷ qua, phương Tây chịu trách nhiệm chính cho tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Các nước giàu đã cam kết chi tiền để các nước nghèo hơn chuyển đổi sang năng lượng xanh, thân thiện với môi trường. Tuy vậy, cho đến nay, lời hứa vẫn chưa được hiện thực hóa hoàn toàn.
Khác biệt về quan điểm
Cuối năm 2021, các nhà đàm phán từ khắp thế giới sẽ tụ họp tại Glasgow, Anh, để tham dự hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26. Như thường lệ, mục tiêu vẫn là đảm bảo các điều khoản của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ được thực hiện.
Tuy vậy, nếu không có sự tham gia của các nước đang phát triển, mục tiêu này khó có thể trở thành hiện thực. Nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, lượng phát thải khí nhà kính tại Mỹ và châu Âu đang có chiều hướng suy giảm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lượng phát thải ở các nước nghèo hơn được dự báo sẽ tăng mạnh trong tương lai gần, nếu vẫn giữ cơ cấu năng lượng như hiện nay.
Lượng khí nhà kính mà nhân loại thải ra vẫn ở mức cao. Ảnh: The Globe and Mail. |
Các nước nghèo cho biết họ cần nguồn tiền để áp dụng công nghệ thân thiện hơn với môi trường, cũng như đối phó với các thách thức của biến đổi khí hậu.
Bangladesh cần triển khai chương trình nhà chống bão. Kenya cần lắp đặt pin Mặt Trời trên quy mô lớn ở nông thôn để thay thế than hay khí tự nhiên. Ấn Độ tuyên bố chỉ riêng kế hoạch chống biến đổi khí hậu của nước này sẽ tiêu tốn tới 2.500 tỷ USD từ nay đến năm 2030.
“Chúng ta không thể nói tới các tham vọng về môi trường mà không cho thấy một kế hoạch tài chính tham vọng”, ông Zaheer Fakir, người điều phối chính sách tài chính về khí hậu của Nhóm 77, tổ chức gồm các nước đang phát triển, nhận xét.
Ở chiều ngược lại, các quốc gia phát triển tuyên bố việc bắt họ chịu trách nhiệm cho khoản tiền lớn như vậy là “phi thực tế”, nhất là nếu không bắt các quốc gia thu nhập trung bình như Trung Quốc cùng tham gia.
Tại hội nghị khí hậu tại Paris năm 2015, Mỹ, châu Âu và một số nước phát triển cam kết chi 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo trong giai đoạn từ 2020-2025. Con số này vẫn chưa được thực hiện.
Các nước đang phát triển khẳng định khoản tiền trên không phải “viện trợ”. Đây là nghĩa vụ của các nước giàu, được quy định trong các hiệp định khí hậu của Liên Hợp Quốc. Do các nước giàu chịu trách nhiệm chủ yếu cho sự nóng lên của Trái Đất từ thời tiền công nghiệp, giờ đây, họ phải có trách nhiệm.
Những nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở các nước nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: The Conservation. |
Bên cạnh đó, các nước nghèo còn đang phải đối mặt với bài toán nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân mà không sử dụng nhiên liệu hóa thạch bừa bãi.
“Nếu bạn muốn yêu cầu các nước nghèo từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, một vấn đề về đạo đức sẽ nổi lên: Họ cần được hỗ trợ để phát triển theo chiều hướng phát thải thấp hơn”, ông Joe Thwaites, chuyên gia về tài chính khí hậu tại Viện Tài nguyên Thế giới, chia sẻ.
Hiện thực hóa mục tiêu
Trên thực tế, ngay cả những nước giàu cũng đang gặp khó khăn trong việc chuyển sang cơ cấu năng lượng xanh hơn. Nhu cầu năng lượng để phục hồi kinh tế sau đại dịch buộc nhiều chính phủ dựa vào năng lượng hóa thạch.
Giới chức phương Tây cho biết các cuộc đàm phán tại Glasgow sẽ hướng đến việc có đủ tiền để đáp ứng những mục tiêu của Hội nghị Paris năm 2015. Họ sẽ dựa vào các nhà đầu tư tư nhân để cùng gánh vác chi phí.
“Số lượng quỹ đầu tư phát triển chính thức trong hệ thống là không đủ để thu hẹp khoảng cách tài chính trong lĩnh vực khí hậu”, ông Gustavo Alberto Fonseca, giám đốc chương trình về khí hậu tại một cơ quan Liên Hợp Quốc, nhận định. “Cần phải có giải pháp dựa trên cơ chế thị trường”.
Tuy vậy, các nước đang phát triển mong nguồn tài chính sẽ ở dạng trợ cấp cho chính phủ, thay vì các khoản vay tư nhân sẽ làm tăng nợ nần. Bên cạnh đó, họ muốn trực tiếp kiểm soát nguồn tiền do lo ngại sự định hướng từ các chính phủ và thể chế tài chính giàu có từ phương Tây.
Con đường thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015 còn nhiều chông gai. Ảnh: AP. |
Nguồn tiền hỗ trợ về khí hậu được đi qua hàng chục cơ quan khác nhau. Mỗi cơ quan đặt ra yêu cầu riêng đối với chính phủ tiếp nhận. Nhiều khi việc nhận tiền phức tạp đến mức các nước đang phát triển quyết định từ bỏ.
“Có lúc tôi lập luận việc theo đuổi một khoản tiền nhỏ là không đáng. Công sức, thời gian và nguồn lực để đưa ra đề nghị không tương xứng với khoản tiền”, ông Mizan Khan, nhà đàm phán khí hậu chính của Bangladesh, tiết lộ.
Khi hội nghị khí hậu COP26 tại Glasgow đang tới gần, các nước giàu đang soạn thảo một bản kế hoạch mới để đáp ứng con số 100 tỷ USD mỗi năm mà họ cam kết năm 2015.
“Chúng ta cần hướng đến việc giải ngân con số 100 tỷ USD này trước khi đề cập đến các con số lớn khác”, một cố vấn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố.
Các nước đang phát triển dường như không mấy tán đồng. Khi Bộ trưởng Môi trường Nam Phi đề cập đến khoản tiền 750 tỷ USD mỗi năm, bà muốn khởi động thảo luận mà các nước nghèo cảm thấy nhóm nước giàu đang muốn lảng tránh.
Tuy vậy, dường như các nước phát triển vẫn muốn hướng đến con số 100 tỷ USD. Chủ tịch COP26 Alok Sharma tuyên bố ông sẽ tập trung thúc giục việc hiện thực hóa mục tiêu này, với một số khoản tiền ở dạng “cho không” thay vì “cho vay”.
“Nền tài chính công của mọi quốc gia đã bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19”, ông Sharma nói. “Nếu bạn chất thêm nợ lên lưng các nước đang phát triển, điều đó sẽ không giúp ích nhiều”.