Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Muốn bán gas phải lập doanh nghiệp

Sau ngày 30/6, TP.HCM sẽ có chế tài xử lý đối với các hình thức kinh doanh gas nhưng không đáp ứng các điều kiện theo quy định

Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa Sở Công thương TP.HCM và chi hội Gas miền Nam, để làm rõ những vấn đề xung quanh văn bản số 290 khiến các cửa hàng kinh doanh gas “dậy sóng” và có đơn kiến nghị thu hồi văn bản này. Tại đây, đại diện các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas lớn như: Saigon Petro, Petrolimex, An Pha, PV gas... đều ủng hộ việc siết lại hoạt động kinh doanh gas theo tinh thần văn bản 290, nhưng cần có lộ trình để các bên liên quan kịp chuyển đổi, tránh gây xáo động thị trường.

Người tiêu dùng không bị ảnh hưởng

Ông Thân Văn Do, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Gas Hồng Mộc (H-gas), cho biết trước đây khi giá gas biến động, lãnh đạo thành phố khuyến khích các công ty gas cắt giảm trung gian để bớt chi phí, nên công ty đã bán hàng trực tiếp cho 600 cửa hàng gas là các hộ kinh doanh cá thể. “Bây giờ không cho phép bán trực tiếp mà phải qua tổng đại lý thì chắc chắn giá gas sẽ đội lên, người tiêu dùng bị thiệt", ông Do khẳng định.

TP.HCM có khoảng 1.300 cửa hàng bán lẻ gas đang hoạt động, trong đó chiếm 3/4 là hộ kinh doanh cá thể .

Trong khi đó, ông Trần Minh Loan, Phó chủ tịch chi hội Gas miền Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần tập đoàn Dầu khí An Pha, cho rằng việc sắp xếp lại kênh phân phối chỉ ảnh hưởng đến giá nội bộ trong hệ thống, còn giá bán lẻ đến người tiêu dùng không đổi và được đăng ký với cơ quan chức năng. Ông Loan nói thêm, trước kia biên độ lãi một bình gas khoảng 160.000 - 170.000 đồng (từ đầu nguồn đến tay người tiêu dùng) nhưng nay chỉ còn khoảng 130.000 đồng/bình. Trong đó, ở khâu cửa hàng bán lẻ có thể chiếm 80.000 đồng/bình, nếu họ lấy được giá rẻ thì hưởng lợi chứ không bán giá rẻ cho người tiêu dùng mà bán theo giá niêm yết của công ty.

Theo các DN kinh doanh gas, sự bát nháo của ngành gas là do lịch sử để lại. Hiện TP.HCM có khoảng 1.300 cửa hàng bán lẻ gas đang hoạt động, trong đó chiếm 3/4 là hộ kinh doanh cá thể và từ năm 2005 đến nay, TP.HCM không cấp phép cửa hàng nào mới. Trong khi đó, Nghị định 107 về quản lý kinh doanh gas năm 2009 chỉ nhắc đến mô hình đại lý (pháp nhân là DN) chứ không nhắc đến hộ kinh doanh cá thể trong các hình thức kinh doanh gas. Do đó, các cửa hàng kinh doanh gas của hộ cá thể muốn tiếp tục hoạt động phải bị hạn chế quyền (chỉ được ký hợp đồng với một tổng đại lý thay vì được ký với 3 nơi như trước kia). “Nếu muốn bảo đảm quyền lợi như đại lý bán lẻ, hộ kinh doanh cá thể có thể chuyển đổi giấy phép kinh doanh sang mô hình DN và Sở Công Thương cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tạo điều kiện cho các cửa hàng làm việc này”, đại diện Sở Công Thương khẳng định.

Không quản chặt, không truy được trách nhiệm

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, gas là mặt hàng thiết yếu và là ngành kinh doanh có điều kiện nên công tác chấn chỉnh lại ngành gas đáng lý phải được thực hiện từ năm 2010. “Vừa qua, khi thị trường phát hiện ra bình gas 12 kg mà có tới 6 kg nước nhưng khi thanh tra và lực lượng quản lý thị trường đến làm việc với cửa hàng thì không đơn vị nào thừa nhận mình đã cung cấp, không ai chịu trách nhiệm do mua bán lòng vòng", ông Đông nói.

“Từ nay đến ngày 31/3, những ai tham gia kinh doanh gas dưới hình thức nào thì nộp hồ sơ chứng minh năng lực ở hình thức đó nên hoạt động kinh doanh gas vẫn diễn ra bình thường. Tiếp theo, Sở Công Thương sẽ tiến hành hậu kiểm, sau ngày 30/6, nếu cơ sở, DN không đủ điều kiện kinh doanh gas nhưng không có động thái nào để hoàn thiện hoặc thực hiện mua bán, sáp nhập thì sở sẽ có chế tài xử lý và hy vọng đến cuối năm 2014, thị trường gas TP.HCM sẽ minh bạch, sáng sủa hơn”, ông Đông cho biết lộ trình và nói thêm sở dĩ không cho thời gian dài hơn nữa vì sợ tình trạng DN ỷ lại, không chấp hành mà chờ lùi thời hạn nữa.

Lo tổng đại lý không đáp ứng nổi

Ông Trần Văn Nghị, Chủ tịch chi hội Gas miền Nam cho biết, hiện TP.HCM chỉ mới có 16 tổng đại lý gas đủ điều kiện theo quy định. “Với khoảng 1.000 hộ kinh doanh gas cá thể hiện đang ký hợp đồng với 3 nơi giờ chuyển sang 16 tổng đại lý này liệu năng lực có đáp ứng cho nhu cầu của thị trường?”, ông Nghị băn khoăn và đề nghị Sở Công Thương sớm công bố danh sách các tổng đại lý đủ điều kiện cho các cửa hàng biết.

 

 

http://nld.com.vn/kinh-te/muon-ban-gas-phai-lap-doanh-nghiep-20140226220821992.htm

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm