Chiều 6/4, Cảng vụ hàng không miền Trung và Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tổ chức cuộc họp với đại diện các đơn vị liên quan tại Đà Nẵng để bàn về phương án phòng chống dịch bệnh Zika.
Ông Phạm Trúc Lâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng, cho biết sau khi Bộ Y tế công bố 2 trường hợp dương tính với virus Zika, đơn vị đã phối hợp với ngành y tế địa phương, các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp phòng chống.
Hiện Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Zika tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã dược thành lập với 10 thành viên, gồm đại diện lãnh đạo Cảng vụ hàng không, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng, Công an xuất nhập cảnh sân bay, Chi cục hải quan...
Nguy cơ dịch lớn
Ông Lâm cho biết hàng ngày sân bay Đà Nẵng đón hàng nghìn lượt khách quốc tế nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh Zika là rất lớn.
Trước mắt, công tác kiểm tra việc xuất nhập cảnh được ban chỉ đạo triển khai chặt chẽ. Mọi khách quốc tế đến địa phương trước khi làm thủ tục đều được đi qua máy đo thân nhiệt.
Tuy nhiên, điều mà ông Lâm lo lắng là từ tháng 2 đến tháng 5, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Thời tiết thay đổi bất thường nên các loại côn trùng gây bệnh truyền nhiễm đang sinh sôi phát triển mạnh.
"Thời gian qua, chúng tôi cũng đã kiểm tra thì thấy ở khu vực sân bay có loài côn trùng nhìn bằng mắt thường rất giống muỗi vằn Aedes Aegypti", ông Lâm thông tin.
Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, muỗi vằn Aedes Aegypti có khả năng truyền nhiễm bệnh Zika rất cao nhưng việc phun thuốc, khử để tiêu diệt đang gặp khó khăn.
"Ở sân bay Đà Nẵng có hai ga quốc nội và quốc tế. Mỗi khi có chuyến bay hạ cánh, lượng khách đến đây rất đông nên nếu phun thuốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa 2 nhà ga chưa tốt nên nếu chúng ta phun thuốc bên này mà không khử trùng bên ga khác thì không có tác dụng", ông Lâm băn khoăn.
Các chuyên gia nghi ngờ muỗi truyền virus Zika đã xuất hiện tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Ông Lâm phân tích, nếu điều kiện khí hậu thất thường mà lại đông người thì muỗi hay tìm đến. "Khi máy bay hạ cánh, lượng người tập trung ở sân bay nhiều, nếu loại côn trùng này xuất hiện và đốt vào ai đó thì rất nguy hiểm. Trong khi đó, nếu phun thuốc vào lúc này thì không được".
Ông Đoàn Hưng - Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền trung, cho rằng, Đà Nẵng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm.
Theo ông, bài học quan trọng nhất là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Do đó, ông đề nghị công an xuất nhập cảnh kiểm tra hộ chiếu của khách quốc tế đến Đà Nẵng.
"Công an sân bay phải kiểm tra hộ chiếu của hành khách cẩn thận. Xem họ đi từ nước nào đến, ở đó có phải thuộc vùng có dịch hay không. Nếu họ đến từ những nước đã công bố dịch bệnh thì báo ngay cho các cơ quan chức năng để có phương án đối phó", ông Hưng nói.
Cam kết sẽ làm hết sức mình để kiểm soát tình hình, nhưng ông Cù Dương Thanh - phó trưởng Công an Xuất nhập cảnh sân bay lo lắng, mỗi chuyến bay quốc tế có 200-300 hành khách xuống cùng lúc.
Nếu lật từng trang của tất cả các hộ chiếu của khách để kiểm tra thì mất ít nhất vài giờ, gây ùn tắc và bức xúc cho du khách.
Một đại biểu tham dự cuộc họp lo lắng trước đây mỗi khi có dịch bệnh xuất hiện ở trong nước thì Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đều có phòng cách ly.
Tuy nhiên, do dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế mới tại sân bay đang triển khai nên không có địa điểm để làm phòng cách ly.
Đã chuẩn bị đối phó với dịch
Vị đại biểu này đặt giả thuyết: "Giả sử, nếu có tình huống một người nào đó nghi nhiễm virus Zika thì ứng phó như thế nào. Đưa họ vào đâu để cách ly? Xe cứu thương đậu ở đâu để không gây sự hoang mang cho hành khách khác?".
Đà Nẵng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Zika chiều 6/4. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Những vấn đề mà vị đại biểu này đặt ra thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Ông Lâm nói rằng hiện Ban chỉ huy ứng phó với dịch bệnh Zika mới được thành lập nên vẫn còn nhiều hạn chế.
Những thiếu sót mà các đại biều nêu ra sẽ được xem xét khắc phục ngay trong ngày mai. Còn về thuốc men, nhân vật lực, ông Lâm cho biết đã chuẩn bị tương đối tốt để ứng phó trong tình huống dịch bệnh có thể xuất hiện ở khu vực Sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Vị này cũng yêu cầu ngành y tế phối hợp với các cơ quan báo chí, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cáo ý thức phòng chống dịch bệnh và tránh gây hoang mang trong dư luận.