Lễ mừng thọ được tổ chức tại quê nhà của bà Ngô Thị Huệ, ở xã Mỹ Qưới, thị xã Ngã Năm. Dự mừng thọ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng...
Bà Huệ là con thứ 7 trong một gia đình có 8 con, nên thường được gọi là Bảy Huệ. 11 tuổi bà đã thoát ly gia đình đi cách mạng với vai trò giao liên và vào Đảng khi mới 18 tuổi.
Năm 22 tuổi, bà Ngô Thị Huệ đã là Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Bà đã nhiều lần bị bắt và bị kết án tù chung thân khổ sai. Đến tháng 6/1945, sau một số lần tổ chức phá khám vượt ngục, bà được giải thoát về Bạc Liêu. Bà tham gia Tỉnh ủy lâm thời, tổ chức cách mạng tháng Tám và cướp chính quyền ở Bạc Liêu.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể mừng thọ cụ bà Ngô Thị Huệ. Ảnh: CTV. |
Đầu năm 1941, ông Nguyễn Văn Cúc (tức Mười Cúc - cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) bị bắt ở Vinh, đưa về Sài Gòn xử án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông và các bạn tù ở Côn Đảo được đưa về Nam Bộ hoạt động và đây là lần đầu tiên ông gặp bà Ngô Thị Huệ.
Một năm sau hai người gặp lại nhau trong lần bà đi họp Quốc hội khóa đầu tiên trở về. Tháng 5/1948, đám cưới của bà Huệ và ông Mười Cúc - Bí thư Thành ủy Sài Gòn lúc bấy giờ được tổ chức giản dị huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Sau khi nghỉ hưu, bà Huệ sống tại TP.HCM. Bà đã tích cực tham gia các phong trào phụ nữ và là một trong những người thuộc nhóm thành lập Tổ nghiên cứu lịch sử phụ nữ Nam Bộ, rồi sau đó phát triển thành Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Với quá trình hoạt động cách mạng và cống hiến của mình, bà Huệ được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, Huy chương các loại. Bà cùng 5 nữ cán bộ cách mạng lão thành trong Tổ nghiên cứu lịch sử phụ nữ Nam Bộ được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhất vào năm 1997.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và bà Ngô Thị Huệ. Ảnh: CTV. |
Cùng ngày, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tổ chức khánh thành công trình Cơ sở cách mạng xã Mỹ Quới, nhà lưu niệm đồng chí Ngô Thị Huệ. Công trình xây trên diện tích 120 m2, kinh phí 1,5 tỷ đồng.
Trong nhà lưu niệm trưng bày nhiều hình ảnh về các lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thời kỳ kháng chiến. Nhiều sách quý ở các lĩnh vực khác nhau cũng có trong nhà lưu niệm với mục đích phục vụ nhu cầu đọc sách, mở mang kiến thức cho người dân xã Mỹ Quới.