Đêm 21/11, nhà báo Hazel Ndebele (báo Zimbabwe Independent) lộ rõ niềm vui sướng khi hay tin Tổng thống Robert Mugabe chính thức chấp thuận từ chức. "Đây chính là hy vọng của người dân Zimbabwe, nó đặt dấu kết thúc cho một chế độ đàn áp, mở ra cuộc sống mới thoát khỏi đói nghèo", cô nói với Zing.vn.
Các nghị sĩ Zimbabwe hân hoan sau khi Tổng thống Mugabe chấp nhận từ chức đêm 21/11. Ảnh: AFP. |
Theo cô Ndebele, việc Mugabe từ chức có nghĩa tiếng nói của nhân dân cuối cùng đã được lắng nghe. Sau khi bị hụt hẫng và thất vọng với bài phát biểu ngày 18/11 của Mugabe mà không đề cập gì đến việc từ chức, cuối cùng người dân Zimbabwe đã vỡ òa trong niềm vui sướng vào đêm 21/11.
Ăn mừng thâu đêm
"Anh biết không, tất cả chúng tôi rất phấn khích khi biết Mugabe sẽ rời đi. Họ kéo ra trung tâm thành phố, ca hát và nhảy múa để ăn mừng kết thúc triều đại Mugabe. Ôtô bóp còi khắp các tuyến đường để thể hiện sự phấn khởi. Phần lớn chúng tôi không ngủ trong đêm 21/11. Mọi người tụ tập tổ chức tiệc cho đến tận sáng hôm sau, không chỉ ở thủ đô Harare mà ở tất cả những tỉnh, thành trên cả nước", nhà báo Ndebele nói.
Nhà báo Hazel Ndebele (báo Zimbabwe Independent) . Ảnh: NVCC. |
Nhìn nhận khách quan, cô Ndebele cho biết thành tựu lớn nhất trong chính quyền Mugabe chính là nỗ lực phát triển giáo dục, có lẽ do ông vốn là nhà giáo trước khi trở thành người lính. Sau khi Mugabe trở thành tổng thống vào năm 1980, ông cam kết bảo đảm phổ cập giáo dục và quyền tiếp cận y tế rộng rãi cho tất cả người dân.
"Ông ấy đã xây rất nhiều bệnh viện và trường học. Quả thực nhờ chính sách giáo dục này mà tỷ lệ người dân biết chữ ở Zimbabwe rất cao, đến 90%. Tuy nhiên, theo thời gian, chất lượng các dịch vụ, mà đặc biệt là y tế, suy giảm dần. Các bệnh viện lớn thậm chí thiếu cả những loại thuốc cơ bản như paracetamol hay thuốc giảm đau", cô Ndebele cho biết.
So với những thành tựu ít ỏi, Mugabe để lại di sản về một chính quyền suy thoái bị bao trùm bởi tham nhũng, lòng tham, lối cai trị độc đoán chuyên quyền, những chính sách yếu kém và không nhất quán làm nản lòng những nhà đầu tư.
Đất nước Zimbabwe "không ngủ" vào đêm 22/11. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, sau gần 40 năm, việc Mugabe chấp nhận rời ghế quyền lực mở ra hy vọng cho Zimbabwe. Cơ sở hạ tầng cần được nâng cấp. Ngành y tế cần một cuộc cải cách toàn diện. Người dân cần nhiều công ăn việc làm để bảo đảm cuộc sống. Tỷ lệ thất nghiệp ở Zimbabwe hiện đến 90%, "nhưng chúng tôi là những người lao động chăm chỉ", cô nói.
Theo Ndebele, "việc phục hồi kinh tế là điều phải thực hiện trước tiên ở hầu hết lĩnh vực. Chúng tôi rất, rất cần các nhà đầu tư đến đây, cũng như vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, chẳng hạn Zimbabwe vẫn còn nhiều tiềm năng khoáng sản".
Ngày mai 24/11, cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ chính thức nhậm chức tổng thống Zimbabwe. Mnangagwa từng là một trong những đồng minh thân cận nhất với Mugabe.
Nhiều người dân Zimbabwe lạc quan với tương lai đất nước dưới sự điều hành của ông Mnangagwa. Ảnh: AFP. |
"Nhiều người cho rằng Mnangagwa đã làm nhiều việc tốt, nhưng cũng không ít việc tiêu cực cho đất nước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt niềm tin rằng ông có thể biến chuyển tình hình kinh tế hiện nay. Một số người hoài nghi về sự khác biệt giữa Mnangagwa và Mugabe do họ đã đồng hành rất lâu. Nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được! Tôi hy vọng ông ấy sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và vực dậy Zimbabwe", cô Ndebele bày tỏ cảm nghĩ về nhà lãnh đạo mới.
Hòa bình không đổ máu
Nhà báo Yonas Abiye, báo The Reporter. Ảnh: NVCC. |
Tin Mugabe từ chức không chỉ mang đến nguồn cảm hứng tích cực với riêng người dân Zimbabwe mà với cả châu Phi nói chung. Từ Ethiopia, nhà báo Yonas Abiye chia sẻ niềm vui rằng: "Mong hòa bình, thịnh vượng và bình đẳng sẽ quay trở lại với 'vườn địa đàng' và 'vựa lúa' của châu Phi. Lần đầu tiên sau gần 4 thập kỷ, người dân Zimbabwe đã không còn Mugabe".
Anh Abiye nói với Zing.vn rằng việc Mugabe từ chức xứng đáng được ăn mừng trên khắp châu lục. "Đó là một sự chuyển giao quyền lực trong yên bình. Quân đội là tác nhân dẫn đến sự kiện này nhưng hãy nhìn xem, không người nào bị thiệt mạng, không ai phải chết, không đốt phá hay cướp bóc mà người dân vẫn đạt được điều họ đang đấu tranh. Đó thực sự là bài học với cả châu Phi".
Trong 10 năm qua, nhiều lãnh đạo châu Phi đã bị buộc phải rời khỏi quyền lực. Đó là Thủ tướng Meles Zenawi của Ethiopia (21năm), nhà lãnh đọa Muammar Gaddafi của Libya (sau 42 năm), Tổng thống Omar Bongo của Gabon (42 năm), Tổng thống Lansana Conte của Guinea (24 năm), Tổng thống Joao Bernardo Vieira của Guinea-Bissau (31 năm)...
Do vậy, Abiye cho rằng việc Mugabe từ chức như tiếng chuông đánh động tới rất nhiều lãnh đạo hiện nay ở châu Phi.
Người dân Zimbabwe chụp ảnh cùng các binh sĩ ở thủ đô Harare sau khi ông Mugabe thông báo từ chức. Ảnh: AFP. |
Theo nhà báo Ndebele, tuy ông Mugabe đã trở thành một tượng đài trong phong trào đấu tranh giải phóng đất nước ở châu Phi, "nhiều người nhất trí rằng đã đến lúc ông ấy phải rời quyền lực".
Cô cho biết nhiều lãnh đạo châu Phi tuy luôn thể hiện sự tôn trọng Mugabe cũng nhiều lần kêu gọi việc này. "Điển hình như tổng thống sắp mãn nhiệm của Bostwana, Ian Khama, là người luôn thúc giục Mugabe sớm từ chức".
Nhà báo Abiye không quá lạc quan cho rằng các lãnh đạo châu Phi sẽ nhanh chóng có động thái sau sự kiện ở Zimbabwe. "Tuy nhiên, tôi chắc chắn họ sẽ có thêm bài học mới. Đó là họ sẽ không thể tồn tại lâu nếu không có sự ủng hộ của nhân dân. Còn người dân châu Phi cũng được truyền cảm hứng nhiều hơn sau sự việc này".
Đối với Mugabe, sau khi bị buộc rời khỏi ghế tổng thống, ông không còn nhiều sự lựa chọn.
Một mặt, với tư cách cựu tổng thống, ông được hưởng quyền miễn trừ không bị truy tố dù rất nhiều ý kiến mạnh mẽ kêu gọi việc này. Lãnh đạo phe đối lập Morgan Tsvangirai cũng tỏ ra không muốn tình hình phức tạp hơn khi kêu gọi "hãy để Mugabe ra đi và sống thanh thản những ngày cuối đời".
Tuy nhiên, ông có thể sẽ ra nước ngoài tiếp tục sống và chữa bệnh thay vì ở lại một đất nước đã hoàn toàn quay lưng với ông. Trong số này, Singapore là một lựa chọn hàng đầu do Mugabe từng điều trị ở đây hơn một thập kỷ.
Nam Phi cũng là một điểm đến khả thi do Tổng thống Jacob Zuma luôn tỏ ra tôn trọng ông Mugabe. Tuy nhiên, giờ đây ông Zuma sẽ phải tính toán đến tác động của việc tỏ ra thân thiện với cựu tổng thống Zimbabwe sau sự kiện chấn động châu lục này.