“Hiệu quả sản xuất kinh doanh của Vinacomin đã và đang tiếp tục giảm trong các năm gần đây vì nhiều lý do. Trong đó, tập trung chủ yếu là giá than trên thế giới giảm mạnh theo giá dầu, sản lượng than không tăng trong khi các chi phí cố định vẫn cao. Điều này làm cho giá thành than sạch tăng nhưng chất lượng than ngày càng giảm”. Ngày 21/6, TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia khoáng sản, phân tích như trên.
Lợi nhuận giảm 70%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 vừa được công bố, doanh thu toàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) năm 2015 khoảng 76.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 470 tỷ đồng. Các con số này của năm 2014 tương ứng 78.000 tỷ đồng và 2.198 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế của Vinacomin giảm tới 70% so với năm 2014, trong khi ba năm trước đó đều trên 2.000 tỷ đồng.
Giá than trên thế giới giảm mạnh kéo theo lợi nhuận của Vinacomin giảm từ 2.198 tỉ đồng xuống còn 470 tỉ đồng. Ảnh: Quốc Oai |
Theo Vinacomin, trong năm 2015 đơn vị sản xuất 37,6 triệu tấn than nguyên khai và tiêu thụ 35,5 triệu tấn. Hiện bên cạnh hoạt động khai thác than, Vinacomin còn có nguồn thu đáng kể từ khai thác khoáng sản, sản xuất điện. Tuy vậy, năm 2015 Vinacomin chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi như giá than, giá khoáng sản giảm mạnh. Ngoài ra, lỗ tỷ giá tăng mạnh và ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt vào tháng 8-2015 (thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng) khiến tập đoàn thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, có một thực tế là với mức lãi trên có thể thấy lợi nhuận năm 2015 của Vinacomin thua kém nhiều doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ hơn, như tôn Hoa Sen, Hoàng Huy HHS - một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối xe tải từ Trung Quốc hoặc các tổng công ty nhà nước như Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tập đoàn Hóa chất…
TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng cơ quan kiểm toán cần xác định được các thiệt hại dẫn đến lợi nhuận của Vinacomin giảm mạnh, đặc biệt phải quy trách nhiệm cá nhân để dẫn tới thiệt hại đó. “Vai trò người đứng đầu tập đoàn trong sự cố thiên tai năm 2015 ở Quảng Ninh phải được đánh giá đúng.
Ở Quảng Ninh, Tổng công ty Đông Bắc cũng khai thác, kinh doanh than nhưng họ có giải pháp thoát lũ, ngăn sạt lở và vẫn bán than cho các nhà máy nhiệt điện ở miền Nam. Trong khi Vinacomin có năng lực gần 8-9 lần lại để thiệt hại lớn rồi tính toán thiệt hại để xin cơ chế giảm thuế, phí".
Được nhiều ưu đãi nhưng dần “đánh mất mình”
Theo ông Sơn, lâu nay Vinacomin nhận được nhiều ưu đãi trong khi họ chỉ khai thác tài nguyên quốc gia. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác.
“Vinacomin đang dần dần tự 'đánh mất mình' và trong vài năm tới, vai trò của tập đoàn này trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia sẽ giảm. Khi đó nguồn cung cấp than chủ yếu (trên 50%) của kinh tế Việt Nam là nhập khẩu từ Indonesia, Úc, Nga, Nam Phi” - ông Sơn dự báo.
Vì vậy ông Sơn đề nghị Chính phủ cương quyết thực hiện cổ phần hóa 100% đối với Vinacomin theo hướng xóa bỏ mô hình tập đoàn, tạo điều kiện để các mỏ và các công ty “con”, “cháu” của Vinacomin hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Sơn đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức đấu thầu khai thác các mỏ than đã được cấp phép cho Vinacomin như mô hình của Indonesia, để giúp các doanh nghiệp khác có cơ hội tham gia, từ đó nguồn thu ngân sách sẽ tăng 5-10 lần so với hiện nay.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng trong những năm gần đây giá khoáng sản thế giới có giảm mạnh đã ảnh hưởng đến kinh doanh của Vinacomin. Đây là nguyên nhân khách quan nhưng không phải vì thế mà Nhà nước đáp ứng mọi đề nghị ưu đãi cho tập đoàn này.
Các cơ quan quản lý, kiểm toán phải phân tích kỹ việc giảm lợi nhuận này có hợp lý không. Nhất là xem xét tập đoàn này có đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào khai thác hay không. Bên cạnh đó, năng suất lao động đã được Vinacomin quan tâm hay chưa.
“Một tập đoàn nhà nước múc tài nguyên đi bán mà lợi nhuận giảm mạnh, kinh doanh kém hơn các doanh nghiệp khác là điều nên xem xét lại” - TS Doanh nhận xét.