Mua vé qua mạng: Vé cầm trên tay vẫn không được bay
Ngoài những phiền phức thường gặp phải như chậm chuyến, nhiều hành khách mặc dù đã cầm vé trong tay nhưng không thể bay do vé... chưa được thanh toán vì nhiều lý do.
Một vé trả tiền hai lần
Sau gần một tháng kể từ khi thực hiện chuyến bay khứ hồi TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội ngày 18/2 của Hãng hàng không VietJet Air (chuyến bay mã số VJ8660 và VJ 8661), chị Trương Nữ Diễm Phúc (đường Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3) vẫn chưa được hoàn tiền dù phải đóng hai lần tiền.
Trước đó, khoảng 4h sáng 18/2, chị Phúc ra sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục bay ra Hà Nội trên chuyến bay VJ8660. Tuy nhiên, chị bất ngờ khi nhân viên làm thủ tục thông báo mã vé 8181409 của chị chưa... đóng tiền, trong khi vé này được chị đặt mua qua website của VietJet và đã thanh toán tiền qua đại lý của hãng tại số 1A Công Trường Mê Linh (Q.1).
“Việc đặt vé qua mạng quy định rất rõ nếu sau 24 giờ khách đặt vé không thanh toán thì mã vé đó sẽ bị hủy. Tôi đã đặt vé và thanh toán từ trước đó hơn một tháng. Nếu có gì trục trặc thì phải báo cho tôi biết chứ” - chị Phúc bức xúc. Để thực hiện chuyến bay đúng dự định, chị Phúc phải liên lạc với gia đình mang tiền đến sân bay để đóng cho chính mã vé mà chị đã đặt và thanh toán trước đó. Nhân viên của hãng tại sân bay khẳng định sẽ hoàn tiền cho chị khi trở lại TP. Hồ Chí Minh.
Chị Diễm Phúc mua vé qua mạng phải trả tiền hai lần mới được bay. |
Tuy nhiên, đến thời điểm này sau gần một tháng và nhiều lần liên lạc với đường dây nóng của Hãng VietJet, chị được tư vấn tìm đến đại lý nơi chị đã thanh toán để được hoàn tiền. Việc đòi lại tiền của chị tiếp tục “trần ai” khi đại lý chính hãng của VietJet tại số 1A công trường Mê Linh mặc dù vẫn treo biển nhưng chưa hoạt động. “Chúng tôi đã làm tất cả theo yêu cầu của hãng như cung cấp các biên lai thanh toán và giấy tờ liên quan nhưng không hề nhận được hồi âm về thời gian hoàn tiền vé. Chúng tôi không biết phải làm sao khi chỉ biết liên lạc với họ qua số đường dây nóng và nghe họ hứa hẹn chờ giải quyết!” - chị Phúc thất vọng.
Trường hợp có vé trong tay nhưng không sử dụng được như chị Phúc khá nhiều. Mới đây anh Tuyển, một khách hàng khác của Hãng hàng không Jetstar, cũng phải mua vé hai lần mới được bay trong chuyến bay từ TP. Vinh vào TP. Hồ Chí Minh chiều 10/3. Anh Tuyển cho biết sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký vé qua mạng, anh lập tức chuyển tiền thanh toán qua thẻ ngân hàng trong ngày 28/1. Tuy nhiên khi làm thủ tục bay, anh ngỡ ngàng khi nhận được thông báo vé của anh chưa thanh toán tiền.
Anh Tuyển liên lạc lại với phía ngân hàng thì phía ngân hàng khẳng định đã thanh toán cho phía hàng không. “Tôi mua và thanh toán tất cả bốn vé khứ hồi cho hai người. Công việc quá gấp nên tôi đành hội ý với người đi cùng quyết định “xé lẻ” để tôi mua vé máy bay khác vào giải quyết công việc trước. Công việc tại TP. Hồ Chí Minh cũng vì vậy mà không được suôn sẻ như tính toán” - anh Tuyển cho hay. Cũng theo anh Tuyển, đến sáng 11/3 phía ngân hàng đã liên lạc và xác nhận lỗi do khâu nhập liệu của đơn vị bị trục trặc.
Lỗi của đại lý
Chiều 12/3, trao đổi về trường hợp của chị Diễm Phúc, đại diện hãng hàng không VietJet Air xác nhận lỗi giao dịch xảy ra do đại lý chưa chuyển tiền cho hệ thống. Đơn vị đang hoàn tất thủ tục xác minh để hoàn trả tiền vé cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Phó tổng giám đốc một hãng hàng không cho biết, những phiền toái giao dịch mà khách hàng gặp phải thường rơi vào lỗi do đại lý chưa chuyển tiền cho hãng. Nhiều trường hợp khách hàng đã trả tiền cho đại lý nhưng vẫn có thể xảy ra tình trạng đại lý hoặc nơi nhận tiền thay cho hãng hàng không (bưu điện, ngân hàng...) chưa chuyển tiền vào tài khoản của hãng hàng không trong thời gian 24 giờ theo quy định. Trường hợp này các hãng hàng không sẽ hủy mã đặt chỗ đó. Khách muốn bay phải mua vé tại thời điểm bán. “Do lỗi thuộc về đại lý nên những đơn vị này sẽ phải hoàn tiền hoặc thanh toán chi phí vé mới cho khách hàng” - vị phó tổng giám đốc cho hay.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều cá nhân nghiễm nhiên trở thành “đại lý” chỉ với một thiết bị (máy tính, điện thoại) có thể truy cập Internet, nên không tránh khỏi trường hợp khách hàng gặp phải quả lừa. Khi muốn mua vé, khách hàng chỉ cần gọi điện cho “đại lý” này để yêu cầu mua. “Đại lý” sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền qua tài khoản khi gửi thông tin về mã đặt chỗ cho khách, thậm chí chỉ cần qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại... Nhiều khách hàng khi nhận được mã vé với đầy đủ thông tin về chuyến bay, số ghế... cứ đinh ninh đã hoàn tất giao dịch nhưng thực tế mã vé đó sẽ không có giá trị khi “đại lý” liên lạc với hãng hàng không để hủy vé. Khách hàng sẽ “trắng tay” khi giao dịch với những đại lý dạng này vì ngay sau đó họ đã “biến mất”.
Để tránh những rủi ro nêu trên, khi mua vé khách hàng cần liên lạc đến số điện thoại tổng đài của hãng hàng không để xác định giao dịch đã hoàn tất cũng như có thể điều chỉnh những thông tin có thể sai sót trong quá trình đăng ký, số ghế, lịch bay... Đại diện các hãng hàng không khuyến khích khách hàng mua vé tại các đại lý chính hãng để tránh rủi ro. Với mỗi đại lý chính hãng đều có giấy chứng nhận của hãng hàng không với các thông tin trùng hợp với địa chỉ trụ sở đang hoạt động. Bảng này đặt trong tầm mắt của khách hàng có ghi rõ ràng địa chỉ.
Đại lý phải thông tin cho khách hàng Mới đây ông T.K.N. (quốc tịch Việt Nam) mua vé máy bay của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines bay sang Ukraine, quá cảnh tại London (Anh). Tuy nhiên khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên làm thủ tục yêu cầu ông xuất trình thị thực quá cảnh (transit visa) làm ông ngỡ ngàng vì trước đó đại lý không hề tư vấn việc này. Ông N. buộc phải ngậm ngùi ở lại để làm thủ tục đi chuyến bay khác. |
Theo Tuổi Trẻ