Liên quan đến tình trạng quá tải khán giả vào xem trận chung kết giữa U19 Việt Nam – U19 Nhật Bản diễn ra ngày 13/9, nhiều cổ động viên đã tỏ ra bất bình khi mang vé vào sân đã chật kín người ngồi.
Anh Thượng, một cổ động viên nhiệt thành tỏ ra bức xúc với tình trạng quá tải. Anh Thượng cho hay, khi tới sân không khí rất náo nhiệt tuy nhiên số ghế ghi trên vé mà anh và nhóm bạn vất vả nhờ người mua hộ với giá cắt cổ đã có người khác thản nhiên ngồi hò reo cổ vũ. Thậm chí, khi giơ vé ra họ còn không trả chỗ ngồi.
“Khi giải thích vị trí này là số ghế ghi trên vé của nhóm chúng tôi cầm trên tay nhưng nhóm nam thanh niên này cứ khăng khăng chỗ này họ tới ngồi trước. Phải tới khi lực lượng an ninh can thiệp, tôi và các bạn đi cùng mới được ngồi đúng vị trí của mình”, anh Thượng bức xúc.
Không chỉ chỗ ngồi của anh Thượng bị khán giả chui ngồi lấn chiếm mà hầu hết những ghế tại khán đài B, C, D đều bị những khán giả không vé này ngồi hết từ trước đó. Xung quanh vị trí ngồi tầng 2, khán đài B của anh Thượng là hàng loạt nhóm cổ động viên ngang nhiên ngồi cổ vũ. Họ mang theo băng rôn, cờ tổ quốc và ngồi đồng loạt tập thể.
Khi trận đấu tranh giả 3 giữa Thái Lan - Myanmar còn chưa kết thúc, toàn bộ các ghế đã có người ngồi. Hầu hết các cửa soát vé đã chật kín người đứng xem nhưng vẫn còn rất nhiều cổ động viên muốn được vào đứng để theo dõi trận đấu. Nhiều người đi làm về muộn cầm vé tới cửa soát thì giật mình khi khán giả đứng kín từ ngoài vào. Họ cắn răng đứng ở hành lang giữa các cửa ra vào để xem trận đấu.
Sắp tới giờ bóng lăn, tại khán đài B, có hơn 10 cửa soát vé nhưng khán giả đã vây kín từ ngoài vào. Mỗi khi một người muốn di chuyển vào trong, cả dòng người méo mặt, nghiêng người để họ lách qua. Có người mang theo đồ ăn, ba lô thì phải nhấc trên đầu và xi nhan bằng miệng mới có thể len vào.
Tại các hành lang dẫn lối lên tầng 2,3, khán giả vây kín. Họ phải đứng để theo dõi khiến những khán giả ngồi phía sau không thể xem các pha bóng diễn ra trên sân. Nhiều người bất bình nhưng không thể nào thay đổi được nên họ buộc phải đứng xem dù ghế bỏ trống khiến những người phía sau cũng phải đứng toàn bộ .
Những vị trí ghế ở giữa hàng và giữa các cửa soát vé, nơi được cho vị trí đắc lợi nhất thì tình trạng quá tải, lộn xộn cũng không kém. Theo quan sát, mỗi một ghế nhỏ thường có 2-3 người ngồi. Họ ngồi so le, chồng lên nhau hay dùng mọi cách tiết kiệm diện tích nhất để có thể ngồi xem.
Nhiều khán giả không mua được vé phải chui qua hàng rào trước sân Mỹ Đình. Tuy nhiên, họ vẫn phải qua cửa soát vé có lực lượng CSCĐ trực để vào sân. Ảnh: Quang Đăng |
Tình trạng quá tải này kéo theo nhiều hệ lụy khiến nhiều cổ động viên tỏ ra bức xúc và khuyến cáo bạn bè không nên tới sân xem. Bởi sức chứa tối đa của sân vận động này chỉ có 4 vạn nhưng phải có trên 5 vạn khán giả hò reo cổ vũ trên khán đài. Thực tế này rất nguy hiểm khi xảy ra chen lấn, xô đẩy, nhất là đối với trẻ em và phụ nữ. Về cuối trận đấu nhiều khán giả thiếu ý thức còn ném chai nước hay bất cứ vật gì xuống dưới rơi vào đầu nhiều người. Nhiều khán giả không an tâm xem đá bóng phải quay người lại đề phòng.
"Bỏ một số tiền gấp hàng chục lần để mua một tấm vé với mong muốn được ngồi thỏa mái xem bóng đá mà phải chen lấn, xô đẩy, thậm chí còn phải hứng cả chai nước vào người như vậy thì lần sau tôi mua đồ về và mời anh em bạn bè tới nhà xem qua ti vi cho thỏa mái, tiết kiệm", anh Thanh bức xúc.
Theo anh Thanh, nguyên nhân tình trạng quá tải trên khắp các khán đài này là do lượng khán giả chui quá nhiều. Trước đó từ trận bán kết giữa U19 Việt Nam – U19 Myanmar thì nhiều khán giả đã chui qua hàng rào. Đến trận chung kết này, lượng vé được bán hết từ hai ngày trước đó nên khán giả càng muốn được vào sân. Bằng các mối quan hệ, họ đã vào sân chỉ bằng khe hàng rào được bẻ cong với sự thờ ơ rất trùng hợp của lực lượng bảo vệ.
Tuy nhiên việc chui qua hàng rào chưa thể vào được sân. Những khán giả chui này phải qua các cửa soát vé do lực lượng cảnh sát cơ động kết hợp với bảo vệ sân vận động trực chốt.
Anh Thanh cho hay, chính lực lượng soát vé này đã hỗ trợ giúp lượng khán giả chui vào được trong khán đài. Khi bảo vệ thờ ơ ngoảnh mặt cho cổ động viên lách qua khe hàng rào bị bẻ cong để vào. Họ âm thầm tiến vào cửa soát vé với sự hướng dẫn của một bảo vệ. Thậm chí để thuận lợi, họ đã chủ động thông báo cổ động viên chui đến sớm vào sân để tìm một vị trí ngồi an toàn. Khi tới giờ bóng lăn khán đài đã chật kín khiến nhiều người có vé đến muộn không thể chen vào để ngồi tìm vị trí cũng khó. Lúc này thì họ thản nhiên ngồi tới hết trận.
Trước thông tin khán giả phản ảnh lực lượng cảnh sát cơ động dẫn khán giả chui vào sân dẫn đến sự quá tải trên khán đài, chiều 14/9, Zing.vn đã liên hệ với Trung đoàn CSCĐ (CA TP Hà Nội) để làm rõ. Tuy nhiên, chỉ huy đơn vị từ chối trả lời về vấn đề này.
Trưa 14/9, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cũng thừa nhận: "Đúng là công tác tổ chức, nhất là an ninh, vẫn còn khiếm khuyết nhưng chúng tôi cũng mong người hâm mộ thông cảm khi không thể bao quát được hết mọi việc. Tổ an ninh chỉ có khoảng 6-7 người để phối hợp với các bên liên quan, trong khi sự kiện diễn ra trên khu vực rộng lớn nên không đủ người giám sát ở từng cửa".
Trận đấu U19 Việt Nam - Nhật Bản có sự tham dự của khá nhiều quan chức nên nhiệm vụ của tổ an ninh càng lớn hơn và việc kiểm soát các bộ phận soát vé không được chặt chẽ như trước. Ông Lê Hoài Anh cho biết chưa có trận đấu nào mà sự quan tâm của khán giả dành cho các cầu thủ VN lại lớn như trận đấu vừa qua. "VFF sẽ sớm tổ chức rút kinh nghiệm về công tác tổ chức, an ninh sau trận đấu vừa qua. Sự kiện này là cơ hội tập dượt, chuẩn bị tốt cho việc đăng cai vòng bảng AFF Cup vào cuối năm. Chúng tôi sẽ rà soát từng khâu để chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện trên". ông Lê Hoài Anh khẳng định.