Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mua SIM từ nhà mạng, khách bỗng bị công ty tài chính gọi điện đòi nợ

Một số người dùng viễn thông đang chia sẻ câu chuyện sau khi mua SIM từ các nhà mạng về sử dụng thì liên tục nhận cuộc gọi đòi nợ tín dụng.

Những ngày mới mua SIM từ một nhà mạng lớn về sử dụng của anh N. Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) chìm trong các cuộc gọi "khủng bố" của một công ty tài chính.

"Họ liên tục yêu cầu mình trả một khoản nợ mà mình không hề biết tới, và khẳng định đây là khoản nợ của chính chủ thuê bao. Họ dọa sẽ kiện mình", anh Tuấn kể lại với Zing.vn.

mua sim ruoc ca no tin dung anh 1
Người dùng liên tiếp bị công ty tài chính "khủng bố" qua điện thoại dù không hề vay nợ. Ảnh: NVCC.

Cũng theo người dùng này, giai đoạn tháng 4/2018, mỗi ngày anh nhận 5-6 cuộc gọi từ công ty trên, với đủ nội dung từ thuyết phục, dọa nạt rồi giải thích.

Tới giữa tháng 5 "tình hình có vẻ thuyên giảm, mình có khẳng định mình không hề vay, nhưng có cuộc gọi thì họ hiểu và xin lỗi mình, có cuộc khác lại quay lại thông điệp cũ, dọa nạt yêu cầu trả nợ", anh Tuấn bức xúc.

Anh Tuấn khẳng định đã mua SIM từ một điểm bán hàng của nhà mạng chứ không giao dịch trao tay hay qua các đại lý SIM thẻ. Anh cũng không có người thân nào trong gia đình sử dụng dịch vụ của các công ty tài chính trên.

Những trường hợp như anh Tuấn không phải là hiếm.

Trên các diễn đàn về viễn thông, rất nhiều người dùng cũng chia sẻ bức xúc khi liên tục nhận cuộc gọi "đòi nợ", dù không hề vay tiền từ các công ty tài chính.

Bộ Công Thương thông tin trong những tháng đầu năm 2018, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của cơ quan này đã tiếp nhận tới 90 cuộc gọi, phản ánh bị gọi điện đe dọa, đòi nợ. Trong số này có những trường hợp bị gọi điện quấy rối liên tục suốt 6 tháng gần đây, tần suất cuộc gọi nhiều nhất là 10 cuộc/ngày.

Anh L. Tuyên (Thái Nguyên), một người dùng di động, cho biết anh cũng trong tình trạng mua SIM từ nhà mạng về và liên tục bị gọi đòi nợ. Dù đã tìm đủ mọi biện pháp, anh vẫn luôn bị những cuộc gọi "đòi nợ" làm phiền.

mua sim ruoc ca no tin dung anh 2
FE Credit dự kiến sẽ bị thanh tra sau cáo buộc quấy rối, đe dọa đòi nợ. Ảnh: FEC.

"Lúc đầu mình giải thích không liên quan đến khoản vay thì họ dọa đủ kiểu, mình chuyển sang chặn số thì họ dùng số khác để gọi. Rồi mình lại bị nháy máy liên tục, rất khó chịu", anh Tuyên nói và cho biết anh cùng người thân không sử dụng dịch vụ nào của các công ty tài chính.

Không chỉ bị gọi điện "khủng bố" đòi nợ, nhiều thành viên còn cho biết họ bị công ty tài chính sử dụng ảnh cá nhân trên mạng xã hội để cắt ghép nhằm mục đích bêu riếu, bôi nhọ.

Một nhóm thành viên trên diễn đàn còn chung tay soạn thảo mẫu đơn kiện các công ty để sử dụng chung, vì số lượng các thành viên bị ảnh hưởng là rất nhiều.

"Rõ ràng các công ty tín dụng khi làm hồ sơ cho vay đã không hề kiểm tra một cách kỹ càng, để khách hàng khai khống số điện thoại người khác, hoặc truy nợ theo SIM đã quay vòng số và đến tay chủ SIM mới, rồi khủng bố chủ SIM thì rất đáng bị kiện", một thành viên khác nhận định.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dùng cần lưu ý xác định tên của đơn vị liên quan khi bị đòi nợ. Nếu bị đòi nợ qua điện thoại, cần yêu cầu cung cấp, nói rõ đơn vị chủ quản của khoản nợ, chủ động đề nghị nhân viên xác nhận lại thông tin về việc thu hồi nợ nhầm đối tượng. 

Trường hợp đã thông báo mà vẫn tiếp tục bị gọi điện quấy rối, người dùng có thể khiếu nại về hành vi nêu trên tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

Sáng 14/5, Thanh tra Giám sát (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định năm nay cơ quan này đã có kế hoạch thanh tra Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit), sau nhiều cáo buộc về hành vi liên hệ thu hồi nợ có dấu hiệu quấy rối, đe dọa người tiêu dùng.

Quấy rối người tiêu dùng, FE Credit sẽ bị thanh tra

Theo kế hoạch của Thanh tra Giám sát (Ngân hàng Nhà nước), năm nay cơ quan này đã có kế hoạch thanh tra công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit).



Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm