Theo chuyên gia khí tượng Bill Cooke của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), người xem có thể nhìn thấy 10-15 vệt sao băng mỗi giờ hoặc nhiều hơn một chút trong đỉnh điểm vào đêm 12, rạng sáng 13/8.
"Thật không may, Mặt Trăng gần tròn vào đêm đỉnh điểm sẽ làm mưa sao băng Perseid trở nên mờ nhạt", Cooke nói với Space.com. "Perseid chứa rất nhiều vệt sao băng nên bạn vẫn sẽ nhìn thấy chúng, chỉ có điều nó sẽ không rực rỡ như những đêm không trăng", ông cho biết.
Để nhìn rõ nhất Perseid, hãy đến vị trí tối nhất có thể và ngả người ra sau để quan sát bầu trời phía trên được nhiều nhất. Tỷ lệ sao băng Perseid có thể nhìn thấy được sẽ tăng từ khoảng 22h (trong múi giờ địa phương) cho tới bình minh. Vì vậy, càng về sau, bạn càng có thể quan sát tốt hơn.
Trận mưa sao băng Perseid chụp từ Snowy Range ở bang Utah, Mỹ vào ngày 12/8/2012. Ảnh: David Kingham. |
Những người ở vĩ độ phía nam có thể nhìn về phía đông bắc để thấy nhiều thiên thạch hơn. Người yêu thiên văn cũng có thể nhìn thấy Sao Hỏa (xuất hiện cho đến khoảng 4h, theo múi giờ địa phương) và Sao Thổ (xuất hiện cho đến khoảng 2h).
Trái Đất sẽ đi qua con đường của Sao Chổi Swift-Tuttle từ ngày 17/7 đến 24/8 với đỉnh điểm của mưa sao băng xảy ra vào ngày 12 đến 13/8. Bạn có thể thấy mưa sao băng Perseid tốt nhất ở Bắc Bán cầu và xuống các vĩ độ trung nam.
Tại Việt Nam, người yêu thiên văn có thể quan sát mưa sao băng Perseid vào rạng sáng các ngày 12, 13 và 14/8. Trong đó, rạng sáng ngày 13/8 sẽ là lúc gần cực điểm nhất.
Theo Hội Thiên văn học Trẻ Việt Nam, người xem có thể quan sát hiện tượng này cả đêm, nhất là sau lúc nửa đêm, lý tưởng nhất là từ sau 2h sáng, khi Mặt Trăng sắp lặn còn chòm sao Perseus đã lên đủ cao.
Sao Chổi Swift-Tuttle là vật thể lớn nhất được biết đến nhiều lần đi qua Trái Đất. Hạt nhân của nó rộng khoảng 26 km. Nó tiếp cận Trái Đất gần nhất khi thực hiện quỹ đạo quanh Mặt Trời vào năm 1992, lần tới sẽ xảy ra vào năm 2126.