“Chúng ta phải nghĩ đến bức tranh lớn, nghĩ về cái tốt chung”, người nông dân nói trong một đoạn phóng sự thực hiện ở tỉnh An Huy. “Chẳng phải năm nào cũng vậy”.
Ông Qiao nói giống nhiều người dân nông thôn ở các vùng ven sông Trường Giang, vốn đã quen với nước dâng cao khi có mưa lớn. Nhưng mưa năm nay là tệ nhất trong nhiều thập kỷ, nước ở 433 sông dâng lên vượt mức kiểm soát lũ kể từ tháng 6, trong đó 33 sông lập kỷ lục.
Lũ đã ảnh hưởng tới hơn 54 triệu người, khiến 3,7 triệu người mất nhà cửa và 158 người chết hoặc mất tích. Nước lên cao đã phá hủy 41.000 nhà, làm hư hại thêm 368.000 nhà, theo Bộ Quản lý Tình trạng khẩn cấp. Số ca tử vong và số nhà bị hư hại ít hơn so với các năm trước, nhưng số người mất nhà cửa và thiệt hại kinh tế lại cao hơn nhiều, theo Los Angeles Times.
Thiên tai hay nhân tai?
Phòng tuyến chống lũ chính của Trung Quốc là hệ thống đập đang ngày càng chịu nhiều sức ép, và nhiều nghi vấn đã được đặt ra. Tuần trước, chính quyền cho nổ một đập ở tỉnh An Huy. Cùng ngày, hơn 16.000 người bị kẹt ở thị trấn Cổ Trấn, tỉnh An Huy khi nước dâng 3 m và làm vỡ đê.
Ngày càng có nhiều lo ngại về đập Tam Hiệp khổng lồ, nơi mà mực nước hồ chứa đã dâng 15 m so với mức cảnh báo - mức cao nhất kể từ khi đập Tam Hiệp được hoàn thành năm 2006.
Trung Quốc có hơn 98.000 đập - nhiều nhất thế giới. Nhiều đập được xây từ thập niên 1950, 1960 và được bảo trì kém, theo Los Angeles Times.
Mưa lũ trên lưu vực sông Trường Giang là do áp cao cận nhiệt đới ở Tây Thái Bình Dương, mỗi mùa hè đều đem khí nóng từ nam lên bắc. Năm nay, hiện tượng này mạnh bất thường, theo Liu Junyan, nhà hoạt động của Greenpeace Đông Á.
Tuy nhiên, lũ lụt lại liên quan trực tiếp đến các vấn đề do con người tạo nên. Các yếu tố như dựa quá nhiều vào đập, xây dựng quá nhiều ở các vùng thấp, lấn đất ở các hồ và đất ngập nước, hay xây dựng hệ thống thoát nước kém đều làm tăng thiệt hại do lũ lụt.
Những người phải rời nhà cũng nêu các vấn đề khác như hệ thống chống lũ được quản lý kém, chính quyền thiếu trách nhiệm giải trình, hay đối xử bất công với người nghèo ở nông thôn, vốn là những người chịu nhiều thiệt hại nhất từ lũ lụt.
Đập Tam Hiệp nhìn từ trên cao ngày 17/7. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Xả nước không cảnh báo gây nhiều thiệt hại
Huyện Hấp, thuộc tỉnh An Huy, hứng chịu lũ lụt tồi tệ nhất trong tháng này khi nước tràn qua một đập ở phía thượng nguồn. Người dân nói họ không được cảnh báo.
Ma Dacong, người thu gom rác, đang đào bới giữa đống hộp gỗ, máy móc đã hỏng và trà ở Weiwei Chaye, một trong nhiều nhà máy trà ở đây đã bị hỏng hết hàng hóa do lũ. “Chẳng có gì dùng lại được cả, vứt hết thôi”, người này nói với Los Angeles Times.
Ma Dacong, người thu gom rác. Ảnh: Los Angeles Times. |
Ông Ma tính rằng riêng ông bị thiệt hại máy móc và xe tải trị giá hơn 143.000 USD. Nhưng ông chỉ là người kinh doanh nhỏ. Các xí nghiệp đã thuê ông tới thu gom rác còn mất nhiều hơn - sàn xí nghiệp đầy nước màu nâu vàng, không khí đầy mùi ẩm mốc.
Nhà máy trà bị hỏng hết hàng hóa ở huyện Hấp, tỉnh An Huy. Ảnh: Los Angeles Times. |
“Nước lên quá nhanh. Chúng tôi không thể nào tưởng tượng nổi”, Shao, 49 tuổi, chủ một tiệm đồ gia dụng ở huyện Hấp, nói với Los Angeles Times. Các nhân viên của ông đang súc rửa các vật dụng phòng bếp, phòng tắm, hy vọng cứu vãn chút hàng có thể bán được.
Là hộ kinh doanh nhỏ, họ đã vật lộn nửa đầu năm nay do dịch Covid-19. Nhà kho của họ vẫn tồn đầy hàng. Khi nước tràn lên, bao phủ đường phố và vỉa hè vào 5h sáng, họ vẫn đang ngủ.
Đến 5h30, nước đã lên đến cổ chân người. 6h, nước lên đến hông. 7h30, nước đã hơn 2 m, và người phải lên tầng hai trèo ra mái nhà để thoát thân.
Đã nhiều ngày sau lũ, nhà ông Shao vẫn phải dọn dẹp. Ảnh: Los Angeles Times. |
“Nếu chính quyền cho chúng tôi cảnh báo trước nửa ngày, tôi đã có thể cứu được khoản thiệt hại 14.000-28.000 USD”, Shao nói với Los Angeles Times. Thay vào đó, ông mất 43.000 USD, và vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của chính phủ - một sự trì hoãn khá thường xuyên ở địa phương này.
Các nhân viên vẫn cố gắng cứu vãn những thứ có thể bán được. Ảnh: Los Angeles Times. |
Phần nhiều những thiệt hại của lũ lụt năm nay, theo ông Ma, là do đê bị vỡ hoặc do hồ chứa xả nước mà không cảnh báo đủ sớm hoặc có đủ biện pháp bảo vệ ở hạ nguồn. Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn coi các đập là niềm tự hào.
Chẳng hạn, đập Tam Hiệp là niềm tự hào quốc gia, bất chấp những tranh cãi khi làm người dân mất nhà cửa, phá hủy môi trường, gây ô nhiễm, lở đất và tăng nguy cơ động đất.
Các quyết định xả nước khi nào và ở đâu cũng nêu bật sự bất bình đẳng. Trung Quốc thường ưu tiên bảo vệ các thành phố. Những người sống ven sông “không có lựa chọn”, Ma nói.
Một nhân viên phun tẩy bùn ở một siêu thị bị ngập ở huyện Hấp, tỉnh An Huy. Ảnh: Los Angeles Times. |
Hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc gắn các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế mà một người được hưởng với nơi đăng ký hộ khẩu. Do vậy, dân làng chuyển tới thành phố làm việc cũng không thể định cư ở thành phố mà thường gửi tiền về quê. Việc chính quyền lựa chọn xả nước vào các vùng quê làm giảm thiệt hại nói chung, nhưng cũng khiến những người vốn đã khó khăn bị thiệt hại nặng hơn cả, theo Los Angeles Times.
Bên ngoài một siêu thị bị hư hại. Ảnh: Los Angeles Times. |
Cần chống lũ theo cách tự nhiên: “thành phố xốp”
Một số chuyên gia môi trường và kỹ sư nói Trung Quốc cần thay đổi hẳn cách tiếp cận chống lũ.
“Toàn bộ việc thiết kế và quy hoạch đô thị (ở Trung Quốc) chỉ có một khái niệm: làm nước chảy nhanh lên và xả ra chỗ khác. Chúng ta cần làm điều ngược lại”, Yu Kongjian, giáo sư Đại học Bắc Kinh và người sáng lập công ty kiến trúc phong cảnh Turenscape, nói với Los Angeles Times.
Một dân làng bơm nước từ giếng ở tỉnh An Huy. Đô thị hóa đã làm ảnh hưởng tới nước ngầm - 80% nước ngầm nay không còn an toàn để sử dụng. Nước mưa không còn được giữ lại, khiến lượng nước giảm đi mỗi năm. Ảnh: Los Angeles Times. |
Giáo sư Yu học thiết kế ở Harvard và trở về Trung Quốc một năm trước trận lụt kinh hoàng dọc sông Trường Giang, làm hơn 4.000 người chết, năm 1998. Ông dành 20 năm sau đó kêu gọi chính quyền Trung Quốc có cách tiếp cận đô thị hóa lấy môi trường làm trung tâm.
Các thành phố Trung Quốc nên giống như xốp, thay vì toilet, ông Yu nói. Nước nên được làm chậm lại và giữ lại, thay vì xả đi. Để làm vậy, cần khôi phục các bờ sông, đất ngập nước và hồ, cùng với “xốp sống” gồm đất và thực vật có thể hấp thụ nước và giữ nước.
Cách chống lũ của Trung Quốc là xả nước ra nhanh qua các “tường” nhân tạo, theo giáo sư Yu. Ảnh: Los Angeles Times. |
“Tôi không chống lại đập và các cấu trúc thủy lợi, nhưng tôi không ủng hộ việc dựa quá nhiều vào cách kiểm soát lũ nhân tạo - những cấu trúc ‘màu xám’ phá hủy mảng xanh và các hệ thống tự nhiên”, ông Yu nói.
Xây dựng đập và kè bờ sông bằng bêtông là cách mà Trung Quốc học được từ phương Tây. Nhưng nhiều nhà sinh thái học phương Tây đã lại bắt đầu vận động việc dùng ít đập hơn và trả lại không gian cho thiên nhiên.
“Con người không thể thắng được thiên nhiên”, ông Yu nói. “Mọi thứ nhân tạo đến ngày nào đó rồi sẽ hỏng. Thành Rome đã cho thấy điều đó”.
Giáo sư Yu đứng tại một nơi từng là ao. Ông muốn khôi phục lại nhiều ao như vậy để giữ nước tại chỗ. Ảnh: Los Angeles Times. |
Trung Quốc từng bị vỡ đập Bản Kiều, tỉnh Hà Nam - công trình được Liên Xô xây dựng và từng được coi là “đập thép” có thể chịu được lũ 2.000 năm có một. Một kỹ sư đặt dấu hỏi về thiết kế của đập bị đuổi việc. Năm 1975, đập bị vỡ trong một trận bão, làm chết 86.000-230.000 người, theo các ước tính khác nhau từ thấp (của chính quyền) đến cao (của các nhà quan sát độc lập), bao gồm người chết do lũ lụt, do nạn đói và dịch bệnh.
Đó là lần vỡ đập gây thương vong lớn nhất trong lịch sử. Trung Quốc cấm đưa tin và chỉ giải mật thông tin về vụ việc vào năm 2005.
Những ngày gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Trung Quốc xây dựng “nền văn minh sinh thái”, và ông Yu đã có đủ sự ủng hộ trong chính quyền để làm một số dự án “thành phố xốp” ở hàng chục thành phố Trung Quốc.
Nhưng đó là cuộc đua với thời gian, khi biến đổi khí hậu làm Trung Quốc chịu nhiều hạn hán, lũ lụt hơn, theo Los Angeles Times. Xác suất các trận mưa lớn đã tăng 3,8% mỗi thập kỷ kể từ năm 1931, theo chính quyền. Như vậy tổng cộng đã tăng 20%, “sự thay đổi rất nghiêm trọng”, theo Los Angeles Times.
Các con đập được xây để chống lại lũ 1.000 năm có một giờ đang phải chịu các mực nước báo động chỉ trong vòng 100, 50 hay 10 năm sau khi khánh thành. Không đập nào tồn tại được mãi, ông Yu nói thêm.
Câu hỏi không phải là khi nào đập sẽ hết tác dụng, mà là ai sẽ phải trả giá, ông nói.