Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có nhận định chi tiết về đợt mưa lũ lịch sử đang xảy ra ở Trung Quốc và ảnh hưởng của hình thái này tới Việt Nam.
Theo thông tin từ truyền thông trong và ngoài nước, trong 2 tuần qua, mưa lũ lớn, lũ lịch sử đã xuất hiện trên lãnh thổ Trung Quốc, đặc biệt là trên lưu vực sông Trường Giang.
Sử dụng nguồn dữ liệu vệ tinh GSMaP, cơ quan khí tượng ước tính tổng lượng mưa tháng 6 một số tỉnh ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng của lũ lụt như sau: Trùng Khánh có tổng lượng 200-300 mm, Quảng Tây là 500-600 mm (có nơi trên 700 mm), tỉnh Quý Châu 250-300 mm, Vân Nam và Hồ Bắc dưới 250 mm.
Dải mây gây mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc được nhận định ít có tác động tới miền bắc Việt Nam. Ảnh: China News. |
Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận định nguyên nhân của các đợt mưa lớn trong 2 tuần qua ở khu vực phía đông và phía đông nam của Trung Quốc là do tác động của một dải mây Front. Dải mây này có tên đầy đủ là Front Mei-yu, đã được rất nhiều các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản nghiên cứu.
Đây được cho là nguyên nhân gây mưa lớn cùng lũ lụt ở phía nam Trung Quốc và Đài Loan trong tháng 5, tháng 6 và Nhật Bản trong tháng 6, tháng 7. Tuy nhiên, dải mây Front Mei-yu được nhận định ít tác động đến khu vực phía bắc của Việt Nam.
Theo báo cáo, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tiếp nhận thông tin về mực nước, lưu lượng và lượng mưa từ 5 trạm thủy văn gồm: Nguyên Giang, Mạn Hảo trên sông Nguyên (thượng lưu sông Thao) và Thổ Khả Hà, Tứ Nam, Kim Thủy Hà trên sông Lý Tiên (thượng lưu sông Đà).
Trong 7 ngày qua, mực nước của các trạm trên có xu hướng biến đổi chậm, chịu ảnh hưởng của thủy điện phía thượng lưu. Các khu vực này không xuất hiện lũ, lượng mưa trung bình phổ biến 10-30 mm/ngày. Mực nước các sông thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình thuộc phần lãnh thổ Việt Nam đang biến đổi chậm và ở mức thấp.
Hình ảnh dải mây Front Meiyu gây ra mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc. Ảnh: Tổng cục Khí tượng Thủy văn. |
Trong quá khứ, lũ lớn xuất hiện trên lưu vực sông Lý Tiên và sông Nguyên trên lãnh thổ Trung Quốc chảy truyền về đã gây lũ bất thường trên sông Đà và sông Thao như năm 2008, 2015, 2018.
Tuy nhiên, lũ xuất hiện không đồng bộ. Khi truyền về lãnh thổ Việt Nam, dòng sông được mở rộng, dòng chảy lũ có tổn thất và bẹt sóng lũ, các đợt lũ này không gây lũ lớn trên toàn lưu vực sông Hồng.
Lũ lớn trên mức báo động 3 ở lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ được hình thành khi xuất hiện tổ hợp nhiều hình thế thời tiết gây mưa lớn (như bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, rãnh áp thấp…) kết hợp với nền chân lũ ở mức cao trong nhiều ngày.
Do đó, dòng chảy lũ từ Trung Quốc không đóng góp nhiều trong sự hình thành lũ lớn trên lưu vực sông Hồng nhưng sẽ làm gia tăng mức độ phức tạp diễn biến lũ trên nền lũ cao đã được hình thành.