Qua cao điểm 3 ngày mưa lớn chưa từng có, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ đón thêm đợt mưa mới từ ngày 11/10 đến 13/10.
Di dời 150 hộ dân ở Quảng Nam
Sáng 9/10, mực nước sông Vu Gia, Thu Bồn, sông Tam Kỳ ở Quảng Nam đang xuống chậm và đều dưới mức báo động 1.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam, trong 2 ngày tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa, mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa phổ biến 70-120 mm, có nơi trên 150 mm.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã di dời 150 hộ dân ở các huyện Đại Lộc, Nam Giang, Tây Giang, Nam Trà My khỏi những nơi thấp trũng và có nguy cơ sạt lở.
Sạt lở tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và cảnh người dân dọn dẹp sau lũ tại TP Hội An. Ảnh: C.T - Thanh Đức. |
Tại huyện Đại Lộc, hơn 300 nhà dân ngập dưới 1 m. Huyện Đông Giang có 41 nhà ngập nước và 22 ngôi nhà bị sạt lở. Ngoài ra, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt.
Tại huyện Nam Trà My, sạt lở cũng xảy ra tại tuyến quốc lộ 40B. Tại huyện Đông Giang, có 5 điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh với khoảng 1.000 m3 đất đá.
Theo ghi nhận của Zing tại TP Hội An, từ tối 8/10 đến sáng 9/10, mưa đã ngớt. Nước sông Hoài tại đây cũng rút, nhà người dân không còn ngập.
Đà Nẵng tiếp tục cho học sinh nghỉ học
Tại Đà Nẵng, mưa lớn xuất hiện từ lúc 4h sáng nay và chưa có dấu hiệu ngớt. Theo Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa bắc của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Nam Trung Bộ và trường gió đông trên cao nên tại TP Đà Nẵng tiếp tục có mưa lớn trong 2 ngày tới.
Lượng mưa phổ biến tại đây dao động 80-150 mm, có nơi mưa trên 170 mm.
Thống kê về thiệt hại, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho biết lũ trên sông Vu Gia kết hợp với mưa lớn khiến 8/11 xã của huyện Hòa Vang bị ngập. Các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông có nơi bị ngập hơn 1 m.
Người dân xã Hòa Liên phải dùng thuyền di chuyển. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Tại địa bàn xã Hòa Liên, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), nhiều điểm sạt lở xuất hiện, cây đổ gây trở ngại giao thông. Tuyến đường ĐT601 qua địa bàn thôn Quan Nam 3 bị sạt lở nhiều nhất, đất tràn vào nhà dân.
UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo các xã sơ tán 24 hộ dân và 73 nhân khẩu ra khỏi vùng ngập lụt. Công an các địa phương đã cử cán bộ, chiến sĩ lập rào chắn, hạn chế người dân đi vào khu vực nguy hiểm.
Sáng 9/10, học sinh, sinh viên các trường, trung tâm trực thuộc Sở GD&ĐT và đại học tư thục ở Đà Nẵng tiếp tục nghỉ học để tránh mưa lớn.
Nhiều nơi ngập sâu ở Thừa Thiên - Huế
Tại Thừa Thiên - Huế, mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường khu vực kinh thành Huế ngập sâu từ 0,3-0,5 m. Nhiều vùng thấp trũng ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền bị ngập nặng.
Tại quốc lộ 49B, đoạn qua địa phận xã Phong Hòa, Phong Bình, mưa lớn gây ngập nhiều đoạn, có nơi ngập sâu 1 m. Đường tỉnh lộ 17B từ xã Phong An đến xã Phong Xuân đoạn từ Vĩnh Hương - Bến Củi ngập 2 m, dài khoảng 100 m.
Mưa lớn kéo dài ở Huế sáng 9/10 khiến nước lũ chưa thể rút. Đường từ TP Huế về huyện Quảng Điền ngập sâu. Ảnh: Điền Quang. |
Tỉnh lộ 16 cũng bị ngập nhiều đoạn, chỗ sâu nhất 1m. Tỉnh lộ 4 từ Phong Bình đi Phong Chương cũng tương tự.
Một số tuyến đường liên thôn tại các xã: Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong Sơn, Thị trấn, Phong Xuân, Phong Hiền, Phong Thu bị ngập từ 0,3 - 1,5 m.
Mưa lũ trong 2 ngày qua tại Thừa Thiên - Huế cũng làm 1 người mất tích, 1 người bị thương, gần 1.000 ngôi nhà bị ngập trong nước với độ sâu 0,3-0,8 m, tập trung tại các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu, thị trấn Phong Điền...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi mưa đến hết ngày 10/10. Tổng lượng mưa phổ biến 100-250 mm.
Ngoài ra, phía nam Nghệ An và Bình Định bắt đầu xuất hiện mưa to. Lượng mưa được dự báo trong 2 ngày tới là 50-100 mm, có nơi trên 100 mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo kết thúc đợt mưa này, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ đón thêm đợt mưa mới từ 11/10 đến 13/10.