Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Mua iPhone 6, nhưng iPhone 6 nào?’

Đó là lời của Nguyễn Thanh Hưng – người từng có 2 năm làm nhân viên bán di động xách tay tại Hà Nội nói trong một cuộc điện thoại do người nhà ở quê gọi lên.

“Có nhiều hàng lắm, loại rẻ nhất gần 7 triệu nhưng dùng SIM ghép sóng không ổn định, loại đắt nhất 14 triệu, một đổi một trong 12 tháng”, anh này tiếp tục “tư vấn” cho người bà con. “Lấy màu vàng nhé, cho nó sang chảnh. Màu vàng đắt hơn màu xám triệu bạc đấy...”.

Cuối cùng, sau cuộc trò chuyện kéo dài gần chục phút, anh này chốt lại bằng việc mua giúp một chiếc iPhone 6 64 GB màu vàng với giá 9,5 triệu đồng.

chon iPhone 6 loai nao anh 1
Những chiếc iPhone 6 hàng lướt hiện giảm về mức giá tầm trung và trở thành món hàng hot trên thị trường.

Câu hỏi tưởng chừng như vô nghĩa của anh Hưng phản ảnh một thực tế trên thị trường di động: cửa hàng đang tạo ra mê cung các sản phẩm iPhone khiến nhiều người không thể hình dung ra nổi mặc dù về lý thuyết, một năm Apple chỉ tung 2 iPhone mới. Con số này ít hơn nhiều so với phần lớn các hãng sản xuất di động hiện nay.

“Khác với điện thoại Android có vòng đời sản phẩm 1-2 năm, iPhone tồn tại rất lâu trên thị trường. Chẳng hạn, iPhone 7 đã ra mắt nhưng iPhone 5S vẫn là mặt hàng bán chạy nhất tại nhiều cửa hàng. Cũng do tồn tại lâu, thị trường hình thành lên nhiều dòng sản phẩm khác nhau, phủ nhiều tầm giá để người dùng lựa chọn”, anh Hưng chia sẻ.

Chỉ tính riêng iPhone 6 người dùng đã có trong tay hàng tá lựa chọn, từ máy khóa mạng (lock), loại qua sử dụng (thường được gọi là hàng lướt), máy trả bảo hành (chưa kích hoạt nhưng khi kích hoạt sẽ không còn nguyên 12 tháng bảo hành), CPO (chưa kích hoạt, đủ phụ kiện, đủ thời hạn bảo hành) và hàng chính hãng. Đó là chưa kể nó có các bản 16 và 64 GB (trước đây còn có bản 128 GB).

Với máy xách tay, người bán còn phân theo màu để định giá sản phẩm. Thông thường, màu xám có giá rẻ nhất, sau đó đến màu trắng và “sang chảnh” nhất là vàng – mỗi mã chênh nhau khoảng 500.000 đồng.

chon iPhone 6 loai nao anh 2
Giá tham khảo của sản phẩm iPhone 6 tại Việt Nam thời điểm cuối tháng 9/2016. 

Từ đó mới có chuyện, cùng là một chiếc iPhone 6 16 GB nhưng với 7 triệu đồng, người dùng đã có thể sở hữu một chiếc trong khi muốn mua một chiếc máy chính hãng từ đại lý lớn, số tiền họ phải bỏ ra là 14 triệu đồng.

Quy luật định giá đó được áp dụng cho hầu hết các mẫu iPhone, từ model đời cũ như iPhone 5 (không còn bán chính hãng), 5S cho đến iPhone 6, 6 Plus, 6S, 6S Plus. Riêng mẫu iPhone 7 mới được bán ra nên chưa có nhiều chủng loại phong phú như vậy. Tất cả tạo nên một thị trường iPhone phong phú, sôi động nhưng xô bồ và nhiều rủi ro.

“Chưa khi nào iPhone nhiều lựa chọn đến thế”, anh Trung Trí – người có hơn 5 năm kinh doanh di động nhận xét. Theo anh này, sự phân hóa của iPhone ra nhiều model, nhiều tầm giá khác nhau là quy luật tất yếu để đáp ứng nhu cầu của người dùng.

“Người có thu nhập cao, thích iPhone sẽ chọn mua những mẫu máy đời mới như iPhone 7, 7 Plus hoặc 6S, 6S Plus. Trong khi đó, với một số khác iPhone 6 hay 5S là thứ họ mong muốn từ lâu nhưng phải đợi máy giảm giá mới mua được. Nguồn cung các sản phẩm iPhone hàng lướt lập tức xuất hiện và phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua do nhu cầu người dùng cực lớn”, anh này cho hay.

Cũng theo anh này, không chỉ người dùng Việt Nam mà tại nhiều nước Đông Nam Á hoặc Ấn Độ, sức tiêu thụ các mẫu iPhone hàng lướt, hàng không chính hãng cũng rất mạnh mẽ. "Các thương gia ở Việt Nam nhiều khi phải cạnh tranh gay gắt với người mua từ các nước kể trên để nhập máy về Việt Nam, nhất là trong giai đoạn khan hàng".

Tuy nhiên, sự hỗn loạn trên thị trường là điều có thể nhìn rõ, theo anh Tuấn Anh, đại diện một đơn vị kinh doanh sản phẩm Apple tại Cầu Giấy (Hà Nội).

chon iPhone 6 loai nao anh 3

Biểu hiện rõ nhất là việc giá bán của sản phẩm lên xuống thất thường, mỗi cửa hàng chào một giá. Khi bán máy, họ lại cung cấp chế độ bảo hành khác nhau, nơi 3 tháng, nơi 6 tháng, nơi lên đến một năm, nơi bảo hành cả nguồn, màn hình, nơi không. Không ít khách hàng chịu cảnh khóc dở, mếu dở vì những câu chữ ghi không rõ ràng trong phần điều kiện bảo hành của các đơn vị kinh doanh. 

Chẳng hạn, một số nơi công bố sẵn sàng đổi trả máy trong thời hạn 30 ngày nếu phát sinh lỗi nhưng phần điều kiện bảo hành ghi: "Máy cũ có tình trạng như lúc mới mua".

Những năm gần đây, năng lực chăm sóc khách hàng của các đơn vị này đã được cải thiện đáng kể bởi theo nhận định của nhiều cửa hàng: "Không chăm sóc tận răng, khách hàng bỏ đi ngay vì họ có quá nhiều lựa chọn". Tuy nhiên, tình trạng đem con bỏ chợ, lúc bán hàng ngọt ngào dụ dỗ đến khi máy gặp sự cố phủi bỏ trách nhiệm cũng không hiếm gặp. 

iPhone 7 giảm giá sát 17 triệu, thị trường hỗn loạn

Nguồn hàng quá dồi dào, sức mua sản phẩm không còn cao như trước dẫn đến tình trạng sập giá iPhone 7 trong 2 ngày cuối tuần qua.

Người Việt tranh cướp chỗ mua iPhone 7 trong đêm ở Singapore Hàng chục người chen lấn, xô đẩy và cãi vã vì mâu thuẫn trong việc xếp hàng.

Thành Duy

Bạn có thể quan tâm