Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mua hàng trả góp: Nhiều người đang vay nóng

Có những món hàng trả góp lãi suất lên tới 40-50%/năm, song nhiều người vẫn không biết mình đang phải trả lãi rất cao.

Mua hàng trả góp: Nhiều người đang vay nóng

Có những món hàng trả góp lãi suất lên tới 40-50%/năm, song nhiều người vẫn không biết mình đang phải trả lãi rất cao.

 Mua hàng trả góp  được các công ty tài chính chào mời hấp dẫn, nhưng khách hàng thường ngậm đắng với mức lãi rất cao.

Có nhu cầu mua máy tính xách tay để làm việc nhưng khả năng tài chính hạn hẹp, ngày 9/7, chị Liên, nhân viên một công ty truyền thông đến công ty chuyên kinh doanh máy tính trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) để hỏi mua, vì nơi đây có liên kết với các công ty tài chính bán hàng trả góp. Sau khi chọn chiếc Macbook có giá hơn 30 triệu đồng, chị Liên hỏi thủ tục trả góp mới tá hỏa vì mức lãi quá cao.

Cụ thể, với giá máy 30,7 triệu đồng, nhân viên Home Credit (công ty tài chính PPF), đơn vị đang liên kết trả góp tại đây, thì chị phải trả trước số tiền 50%, tương ứng 15.350.000 đồng. Số tiền còn lại góp trong 6 tháng, mỗi tháng 3.322.000 đồng. Theo nhân viên PPF, số tiền này gồm gốc, lãi, phí đóng ngân hàng, phí bảo hiểm. Tính ra chị phải trả lãi 4.582.000 đồng cho khoản vay 15.350.000 đồng, tương đương với lãi suất 3,5%/tháng, tức 42%/năm. Tuy nhiên, nếu thời gian vay dài hơn thì lãi suất cao hơn nữa, và lãi cũng sẽ tăng cao với số tiền vay càng lớn.

Không dám mua, chị Liên đến một cửa hàng khác có liên kết bán hàng trả góp với công ty tài chính ACS. Tại đây, mức lãi suất với nhóm hàng công nghệ thông tin nhờ đang khuyến mãi nên được tính 2,65%/tháng, tương đương 31,8%/năm.

Chị Nguyễn Như Trình (Hóc Môn) mua xe máy Honda Air Blade F1 trả góp đến 7 tháng mà nợ vẫn… còn nguyên. Chị kể, giá xe mua trả góp 38 triệu đồng, khi lấy xe, chị trả trước 19 triệu, nợ 19 triệu còn lại chị trả góp mỗi tháng 1.492.000 đồng. Sau khi góp được 7 tháng (hơn 10 triệu đồng), chị muốn trả hết nợ để lấy giấy tờ xe thì được thông báo phải đóng thêm gần 19,3 triệu đồng để chấm dứt hợp đồng trước hạn. Số tiền này con cao hơn số chị vay ban đầu!

Theo lý giải của bên cho vay, khoản tiền cho vay trả góp của chị Trình thực tế là 20.939.000 đồng, vì có thêm phí bảo hiểm tiền vay, góp trong vòng 24 tháng. Như vậy, nếu góp đủ, chị phải trả đến gần 36 triệu đồng, tính ra xe máy chị mua đắt đến 17 triệu! Nguyên nhân là lãi suất lên đến 4,82% /tháng (tính theo dư nợ giảm dần - tương đương gần 58%/năm).

Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, với nhiều người, muốn “có dư” một khoản tiền mua những vật dụng có giá trị không phải dễ. Nắm được nhu cầu,hàng loạt công ty tài chính cho vay tiêu dùng cá nhân liên kết với đơn vị bán hàng liên tục ra đời với những lời chào mời hết sức hấp dẫn. Cách cho vay tại điểm bán hiện nay chủ yếu thực hiện bằng tín chấp, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Chỉ cần chứng minh thư, hộ khẩu, bằng lái xe, người tiêu dùng có thể được xét cho vay trả góp nhanh chóng để mua những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu như xe máy, điện thoại, laptop, hàng gia dụng...

Cái lợi trước mắt là khách hàng ít tiền vẫn có món hàng như ý muốn để xài ngay, nên ít người để ý đến lãi suất công ty tài chính đưa ra. Theo nhân viên một công ty tài chính ở TPHCM, hiện mức lãi suất phẳng (trả theo dư nợ gốc) áp dụng với mua hàng trả góp là 3,02%/tháng (tương đương 36,24%/năm); lãi suất bậc thang (theo dư nợ giảm dần) lên đến 4,99%/tháng (gần 60%/năm). Nhưng đây là lãi suất áp dụng đối với khách quen. Với khách lần đầu đến vay, mức lãi suất có thể lên đến 5,36%/tháng (hơn 64%/năm).

Theo TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng TP.HCM, sự tham gia của các công ty tài chính vào thị trường mua bán trả góp gần đây về tổng thể là tốt, giúp người dân mua hàng có nguồn gốc, giá cả xác định.Tuy nhiên, lãi suất lên 50-60%/năm là quá cao. Mức lãi này, là người tiêu dùng trung bình cũng không trả nổi nói chi người nghèo.

Thứ nhất, khoản vay tín chấp của người dân nhỏ, mục đích tiêu dùng rõ ràng, nên rủi ro rất thấp, hiếm xảy ra chuyện không thu hồi được nợ. Thứ hai, khi bán được hàng, nơi bán sẽ có hoa hồng cho công ty tài chính. Do vậy, mức lãi 30%/năm đã quá hấp dẫn với bên cho vay.

Ở các ngân hàng, lãi suất vay tín chấp luôn cao hơn các mức vay khác nhưng vẫn còn ở mức tương đối. Song vì tiếp cận vốn quá khó do ngân hàng ngại rủi ro, nên tại các công ty tài chính, vay tín chấp với lãi cao ngất ngưởng thì người có nhu cầu vẫn xếp hàng vay.

 Trong thị phần cho vay bán hàng trả góp cũng có sự tham gia của một số ngân hàng với lãi suất ưu đãi, nhưng điều kiện ràng buộc phải sử dụng thẻ tín dụng khiến nhiều khách hàng mất cơ hội.

Cho vay tiêu dùng đang mảnh đất màu mỡ, tiềm năng đối với các công ty tài chính nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Theo TS Đinh Thế Hiển, dường như các ngân hàng trong nước đã bỏ quên phân khúc cho vay tiêu dùng này.

Trong khi đó, với khả năng nhạy bén thị trường, các công ty tài chính nước ngoài đã nhanh chân tìm đến khách hàng, ngay tại các điểm bán hàng tiêu dùng, và chiếm được thị phần ngày một lớn. Chỉ riêng tại Home Credit, số hợp đồng mới trong tháng 5/2013 đã tăng 34% so với tháng 4 và tăng 5% so với kế hoạch. Riêng sản phẩm cho vay mua xe máy đang chiếm 65% thị phần. Hiện doanh nghiệp này đã có mặt ở 58 tỉnh thành với 2.891 điểm bán, dự kiến trong năm 2013 sẽ mở rộng, có mặt ở 63 tỉnh thành trên cả nước.

Ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, cho rằng cho vay tại điểm bán là dịch vụ cung cấp giải pháp tài chính mới thay thế và thích hợp cho người dân có thu nhập thấp. Việt Nam là một đất nước có dân số trẻ, khoảng 20% người trẻ chưa có thu nhập và khả năng mua sắm cao, nên đây sẽ là những khách hàng tiềm năng.

Theo các chuyên gia kinh tế, các ngân hàng phải có cái nhìn tích cực về hình thức này, một phần vì cải thiện đầu ra cho nguồn vốn, một phần để người tiêu dùng thêm lựa chọn, lãi suất trả góp dễ chịu hơn.

H.Linh

Theo infonet

H.Linh

Theo infonet

Bạn có thể quan tâm