"Ai lại không muốn đủ tiền mua một hòn đảo?", Marshall Mayer, người đồng sáng lập dự án gây quỹ cộng đồng có tên Let’s Buy An Island - nói trong lúc con thuyền lướt trên mặt biển thuộc Belize, quốc gia ở vùng Caribbean.
Dự án của Mayer ra đời vào năm 2018 và đến tháng 12/2019 huy động được hơn 250.000 USD, theo CNN.
Coffee Caye nhìn từ xa. |
Một danh sách rút gọn các hòn đảo ở Philippines, Malaysia, Ireland, Panama và Belize đã được đưa ra sau khi nghiên cứu. Các nhà đầu tư đã bình chọn Coffee Caye - một hòn đảo không có người sinh sống ở ngoài khơi Belize, có diện tích khoảng 4.800 m2 - bởi tính dễ tiếp cận và có đủ khả năng mua đứt hoàn toàn.
Coffee Caye được mua với giá 180.000 USD cộng thuế. Việc bán được hoàn tất vào tháng 12/2019, ngay trước khi dịch bệnh tạm dừng mọi kế hoạch tiếp theo.
Mua đảo để lập quốc gia riêng
Tại đó, các nhà đầu tư xây dựng quốc gia riêng của mình với tên gọi “công quốc Islandia”, có quốc kỳ, quốc ca riêng và chính phủ được bầu ra từ các nhà đầu tư. Đây được gọi là “micronation” (tạm dịch: vi quốc gia) - một thực thể tuyên bố độc lập nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Đến đầu năm 2022, Mayer bắt đầu tổ chức các chuyến tham quan đầu tiên đến Coffee Caye cho các nhà đầu tư và khách du lịch. Chỉ mất hơn 10 phút để đi bộ từ đầu này đến đầu kia của hòn đảo.
Một bên của hòn đảo, nơi có bãi đất trống nhìn ra bãi biển, được sử dụng làm nơi cắm trại qua đêm. Nửa còn lại của Coffee Caye dày đặc trong cây bụi và được bao bọc bởi rừng ngập mặn.
Nhà đầu tư, khách du lịch đặt chân đến "vi quốc gia" Islandia dễ dàng có quyền công dân. |
Cho đến nay, chủ dự án đã bán gần 100 cổ phiếu và mỗi cổ phần tại hòn đảo này có giá 3.250 USD.
Việc huy động vốn cộng đồng để mua một hòn đảo nghe có phần lạ lẫm. Nhưng chủ nghĩa vi quốc gia đã trở thành yếu tố hấp dẫn những nhà đầu tư mê du lịch.
Trong quá khứ, công quốc Sealand nằm ngoài khơi bờ biển nước Anh, được tuyên bố là một quốc gia độc lập bởi những người chủ mới của nó vào năm 1967, là một ví dụ nổi tiếng về vi quốc gia. Nó trở thành nguồn cảm hứng trực tiếp cho công quốc Islandia.
Một nước khác là cộng hòa Uzupis, một khu phố ở Vilnius, Lithuania, có hiến pháp riêng và cũng đã tuyên bố độc lập.
“Nhiều người có mơ ước tạo đất nước cho riêng mình, đặc biệt là trong một thế giới hậu Trump, hậu Brexit, Covid-19. Nếu một nhóm người bình thường có thể thực hiện điều này, đó sẽ là một tín hiệu tốt”, Mayer nói.
Các nhà đầu tư, du khách đến Coffee Caye tự động trở thành công dân của Islandia và được cấp hộ chiếu mới. Những ai có nhu cầu có thể dễ dàng mua quyền công dân hoặc các chức danh như lãnh chúa, phu nhân với một khoản phí nhỏ.
Hòn đảo nằm ngoài khơi vùng Caribbean, có diện tích khiêm tốn. |
Nỗi lo "giữ cho hòn đảo nổi trên mặt nước"
Các nhà đầu tư đến từ 25 quốc gia khác nhau, với các ngành nghề khác nhau, từ chỉ huy đoàn tàu đến giám đốc điều hành.
"Tại sao tôi có thể bỏ qua cơ hội đầu tư này. Tôi có thể nói với bạn bè rằng tôi sở hữu một hòn đảo”, Stephen Rice, một nhà đầu tư, bày tỏ.
Rice tham gia dự án ngay từ đầu. Người này nói rằng dự án sẽ không khiến mình trở nên giàu có, nhưng chi phí cổ phần cũng sẽ không làm anh phá sản.
Đối với Rice, việc đầu tư chủ yếu là để vui vẻ và thực hiện ước mơ sở hữu hoặc đồng sở hữu một hòn đảo.
Các nhà đầu tư như Rice có thể đến thăm hòn đảo với chi phí thấp và họ cũng sẽ nhận được phần trăm lợi nhuận có thể kiếm được trong tương lai hoặc nếu hòn đảo được bán.
Kế hoạch trước mắt là tái tạo rạn san hô xung quanh, phát triển một khu cắm trại sang chảnh và lắp đặt các container vận chuyển thành chỗ ở cơ bản.
Các chủ đầu tư chủ đích biến hòn đảo thành một địa điểm du lịch thu hút cả khách du lịch với người dân địa phương từ các khu vực xung quanh, với nhà hàng, quán bar, thuyền kayak và dịch vụ lặn biển.
Nhóm nhà đầu tư, khách du lịch trong chuyến tham quan đầu tiên đến Coffee Caye. |
Tuy nhiên, xây dựng quốc gia có nhiều thách thức.
Mayer thừa nhận rằng trong chuyến đi khảo sát trước đó đến hòn đảo, họ đã để lại một lá cờ và một con dấu hộ chiếu Islandia. Cả hai đều đã biến mất sau đó, làm xáo trộn kế hoạch cho một buổi lễ chào cờ.
Dù được phép đề ra các quy định riêng, như không sử dụng nhựa một lần trên hòn đảo, Coffee Caye vẫn phải chịu tuân theo luật pháp và đường biên giới với Belize.
Các nhà đầu tư tiềm năng vẫn có những câu hỏi cần đặt ra về tính rủi ro, bao gồm cả lo ngại về bão và mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến hòn đảo.
Velvet Dallesandro, người tham gia chuyến tham quan vì thấy hấp dẫn trước lời đề nghị đầu, sau cùng quyết định không bỏ tiền vào.
“Micronation là ý tưởng mới lạ nhưng với biến đổi khí hậu, đó sẽ là một cuộc chiến liên tục để giữ cho hòn đảo tồn tại trên mặt nước”, cô nói.
Oscar D. Romero, đại lý bất động sản ở Belize, người đã giới thiệu Coffee Caye cho nhóm Let's Buy an Island, cho hay các nhà đầu tư cần "cân bằng giữa môi trường và tăng trưởng kinh tế”.
Romero giải thích rằng họ sẽ cần cấp giấy phép môi trường và sự thông qua của chính phủ cho bất kỳ sự phát triển nào, bao gồm cả việc bảo tồn rừng ngập mặn và rạn san hô.