Đại hội đảng Cộng hòa (RNC) diễn ra từ ngày 18 đến 21/7 tại thành phố Cleveland, bang Ohio, được đánh giá là kỳ đại hội hỗn loạn chưa từng có của đảng này. Những tranh cãi, chỉ trích và gây chia rẽ đều xuất phát từ "hiện tượng" trong mùa bầu cử năm nay: tỷ phú Donald Trump.
Từ một ứng viên bị chế giễu khi bắt đầu tranh cử vào năm ngoái, ông trùm bất động sản khiến cả nước Mỹ ngỡ ngàng khi đánh bại 15-16 chính trị gia chuyên nghiệp để chính thức trở thành đại diện chính thức của đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng.
Donald Trump và ứng viên phó tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng tại ngày bế mạc đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ngày 22/7. Ảnh: Reuters |
Hỗn loạn giữa phe chống và ủng hộ Trump
Từ trước khi RNC diễn ra, phong trào phản đối Trump đã diễn ra nhiều ngày liền bên ngoài trung tâm hội nghị ở Cleveland. Tuy nhiên, diễn biến kịch tính đã xảy ra ngay vào ngày ngày đầu tiên của đại hội.
Bên trong hội trường trở nên hỗn loạn với màn khẩu chiến giữa phe phản đối và ủng hộ Trump. Diễn biến này phá vỡ dự định ra mắt êm thắm với tư cách ứng viên tổng thống chính thức của ông, cũng như kế hoạch nỗ lực khẳng định bản thân có thể kết nối các cử tri cùng đồng lòng.
Những đảng viên Cộng hòa phản đối Trump vì họ không muốn đặt vai trò lãnh đạo vào một người đàn ông có tư tưởng phân biệt chủng tộc, kỳ thị nữ giới và bài xích Hồi giáo, người nhập cư. Chen lẫn với người phản đối là những nhóm ủng hộ của Trump. Đây là một trong những lần hiếm hoi sự bất đồng giữa các nhóm xảy ra ngay tại trung tâm hội nghị tổ chức đại hội của một đảng. Theo CNN, các nhân viên trong chiến dịch tranh cử của Trump tỏ ra ngỡ ngàng, vất vả tìm cách dàn xếp sự hỗn loạn này.
Trước ngày Trump được đề cử chính thức hôm 20/7, New York Times cho biết 721 đại biểu trong một cuộc bỏ phiếu điểm danh đã thể hiện ủng hộ với những ứng viên khác chứ không phải là vị tỷ phú. Đây là dấu hiệu bất đồng nghiêm trọng nhất của đảng Cộng hòa kể từ năm 1976, khi đảng này cũng xảy ra chia rẽ quanh cuộc đối đầu giữa ông Gerald Ford và Ronald Reagan.
Biểu tình phản đối Donald Trump diễn ra liên tục quanh nơi tổ chức đại hội của đảng Cộng hòa. Ảnh: Reuters |
Nhiều tên tuổi nổi bật của phe Cộng hòa đã vắng mặt tại RNC lần này. Đó là 2 cựu ứng viên tổng thống chính thức của đảng là John McCain (2008) và Mitt Romney (2012). Cả 2 ông đều gay gắt tuyên bố không ủng hộ Trump trở thành đại diện của đảng.
Hai vị tổng thống gần nhất của đảng Cộng hòa là "Bush cha" và "Bush con", cùng ông Jeb Bush vốn là bại tướng dưới tay Trump cũng không dự đại hội đảng lần này. Một đối thủ khác bị Trump đánh bại, ông John Kasich, cũng tẩy chay đại hội dù ông này là thống đốc bang Ohio.
Chỉ một số ít gương mặt nổi bật của đảng Cộng hòa như các thống đốc Chris Christie và Scott Walker xuất hiện để thể hiện ủng hộ Trump. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, cũng là chủ tọa của đại hội, khi phát biểu chỉ nhắc đến Trump 2 lần.
Tuy nhiên, như vậy đã là nhiều so với Thượng nghị sĩ Ted Cruz, người gây ra "bão dư luận" khi không tuyên bố ủng hộ Trump tại đại hội.
"Sự trả thù" bất ngờ từ Ted Cruz
Được bố trí phát biểu vào ngày thứ 2, ngay trước ứng viên phó tổng thống mà Trump đã chọn, sự xuất hiện của Cruz được kỳ vọng sẽ mang lại sự ủng hộ lớn đối với vị tỷ phú trong đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, trong khi đám đông cuồng nhiệt bên dưới khán đài đồng thanh hô vang "'Bỏ phiếu cho Trump', hãy nói như vậy" thì ông Cruz vẫn làm ngơ, cho rằng đây là "sự phấn khích của các đại biểu từ New York".
Vẻ mặt biến sắc của Donald Trump khi Thượng nghị sĩ Ted Cruz kết thúc bài phát biểu mà không tuyên bố ủng hộ ông. Ảnh: Reuters |
Theo báo New York Times, khi Cruz phát biểu, ông trùm bất động sản đã xuất hiện ở khu cuối hội trường. Gương mặt vị tỷ phú biến sắc và lạnh băng, thể hiện sự giận dữ rõ rệt. Kết thúc bài phát biểu, Cruz rời sân khấu trong khi đội ngũ an ninh phải hộ tống vợ ông rời hội trường. Một phụ nữ hét lên khi Cruz bước ra hành lang: "Kẻ phản bội".
Nói về thể hiện bất ngờ của ông Cruz, Thống đốc Christie nói với CNN rằng "ông ta là kẻ ích kỷ". Còn Trump thì viết trên Twitter: "Cruz đã không giữ lời hứa (sẽ tuyên bố ủng hộ tôi). Ông ấy đã bị phản đối trên sân khấu. Chuyện cũng không có gì quan trọng". Bài phát biểu của Cruz nhanh chóng trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều trên mạng xã hội.
Một trợ lý giấu tên của Cruz nói với Reuters rằng sếp của ông đã lường trước những phản ứng khi không tuyên bố ủng hộ Trump. Tuy nhiên, điều này không quá khó để hiểu, khi vị tỷ phú bất động sản từng tấn công quyết liệt gia đình ông Cruz trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Không chỉ công kích vợ của Cruz, Trump thậm chí còn cho rằng bố của vị thượng nghị sĩ liên quan đến âm mưu ám sát cố tổng thống John F. Kennedy. Những màn tấn công lẫn nhau như vậy là một trong nhiều lý do khiến Cruz khó có thể làm hòa với Trump, so với những đối thủ còn lại.