Mua cá chép Nhật Bản bạc triệu tiễn Táo quân
Thay cho cá chép nội hoặc đồ hàng mã, một số gia đình tại Hà Nội mua hàng ngoại với giá lên tới hàng triệu đồng, rồi thả phóng sinh để tiễn ông Công, ông Táo.
Khu phố Hàng Đậu, Hoàn Kiếm được coi là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán cá nhất ở Hà Nội. Đi đến cửa hàng nào cũng thấy bày bán những con cá cảnh với đủ loại màu sắc, trong đó không thể thiếu được trong những ngày này là những con cá chép.
Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều ngày 2/2 (ngày 22/1 âm lịch – PV) tại phố Hàng Đậu, cửa hàng bán cá nào cũng có khoảng từ vài chục đến vài trăm con cá chép để phục vụ cho nhu cầu của người dân trong ngày ông Công, ông Táo về “chầu trời”.
Chị Nguyễn Thị Lan, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Đậu cho biết: Những con cá chép này được nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản. Chúng được nhiều khách hàng ưa chuộng vì mẫu mã “sang”. Những con cá chép có xuất sứ từ Trung Quốc và Nhật Bản này thường có màu vàng hoặc chấm trắng vàng, tạo nên sự nổi bật khác hẳn với những loại cá chéo bình thường.
“Khi sinh ra chúng có màu khác bây giờ, nhờ có bàn tay con người dùng lazer xăm lên thân con cá hoặc dùng bột màu nhuộm cho cá nên chúng mới có màu sắc sang trọng, cuốn hút như thế này. Với mỗi đôi cá chép Trung Quốc có giá từ 350.000 – 600.000 đồng còn cá chép Nhật Bản có giá từ 1.500.000 – 3.500.000 đồng”, chị Lan nói.
Cá chép Nhật Bản được chị Lan bán với giá từ 1.500.000 - 3.500.000 đồng/đôi. |
Chị Lan cho biết thêm: Mỗi ngày cửa hàng của chị bán được khoảng từ 3 -5 đôi cá chép Trung Quốc và từ 2 – 3 đôi cá chép Nhật Bản. Nguyên từ việc bán cá chép phục vụ cho ngày lễ ông Công, ông Táo hàng ngày cửa hàng phải thu về khoảng 10 triệu đồng. “Năm nào tôi cũng bỏ tiền triệu chỉ để con cá chép để thả sông để cầu cho gia đình luôn đầy đủ trong năm mới. Cá chép Nhật to, khỏe nhìn lại đẹp hơn nên chắc Ngọc Hoàng sẽ có cảm tình hơn...”, chị Nguyễn Thị Mỹ, ở Đống Đa - Hà Nôi nói.
Theo lý giải của chị Mỹ, tuy biết việc thả cá chép trong ngày lễ ông Công ông Táo chỉ là tín ngưỡng tâm linh nhưng nếu như làm “đầy đủ; chu tất” thì sẽ “yên tâm hơn”. Chị Mỹ tâm sự thêm: “Không chỉ có cá chép mà việc trang hoàng lại nhà cửa đón xuân của gia đình tôi cũng phải chu tất hơn. Mặc dù năm nay làm ăn khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng mua chậu hoa mai, hoặc đào bích thật to để trưng bày trong nhà cầu cho một năm mới sung túc vì cả năm vất vả nên đây là dịp để cho tinh thần được thoải mái”.
Tại khu phố Hàng Đậu là hình ảnh vắng vẻ tại các cửa hàng bán cá chép “đồng” (loại cá chép truyền truyền thống, sống ở sông ngòi – PV) phục vụ cho ngày Tết ông Công ông Táo. Trong khi đó, làng cá cảnh Yên Phụ những ngày trước 23 tháng Chạp không khí bắt đầu trở nên nhộn nhịp. Những mẻ cá chép đỏ, chép trắng, chép voi… được người dân ở đây nuôi để phục vụ cho ngày tết ông Công ông Táo đã bắt đầu được bán.
Trên các tuyến phố Hoàng Hoa Thám, Thụy Khê, Đội Cấn… các cửa hàng cũng đã bắt đầu treo biển bán cá phóng sinh. Một chủ hàng trên phố Hoàng Hoa Thám cho hay, giá mỗi con cá chép đỏ bán tại cửa hàng là 15.000 đồng, nếu khách mua nhiều sẽ bớt giá còn 25.000 đồng/ ba con. Cá chép vẩy rồng, chép trắng Sài Gòn có giá đắt hơn, từ 40.000 đồng – 250.000 đồng/ cặp
Thả cá chép là tục lệ không thể thiếu trong ngày Tết ông Công, ông Táo. |
Ông Hoàn, một chủ nuôi cá cảnh ở Yên Phụ cho biết, năm nay mặc dù kinh tế khó khăn nhưng tập tục phóng sinh cá chép vẫn không bị xóa bỏ. Tuy nhiên, số lượng người đến mua giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. “So với mọi năm thì năm nay khách hàng đến với gian hàng bán cá nhà ông không đông như những năm trước. Khách hàng đa phần họ đến xem rồi đi. Người mua thì cũng phải phân vân rất lâu rồi mới quyết định”, ông Hoàn nói.
Theo Đất Việt