Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mua bán nợ: Bao giờ theo giá thị trường?

Theo nhiều chuyên gia, với vốn điều lệ hiện nay của VAMC chỉ là 500 tỷ đồng, khả năng mua bán nợ theo giá thị trường là rất khó khăn.

Theo Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 (Nghị quyết 01/NQ-CP), Chính phủ định hướng tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong đó, thực hiện việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với vốn điều lệ hiện nay của VAMC chỉ là 500 tỷ đồng, khả năng mua bán nợ theo giá thị trường là rất khó khăn.

“Hết nạc vạc đến xương”

Mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% là có cơ sở bởi nếu nhìn vào con số thống kê. Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu các tổ chức tín dụng đến hết tháng 9/2014 giảm còn 3,9%. Giai đoạn 2012-2014, các ngân hàng đã tự xử lý được 54% nợ xấu. Với vai trò “đặc biệt” của mình, tính từ khi VAMC bắt đầu mua nợ đến cuối năm 2014 đã đạt được khoảng 125.000 - 130.000 tỷ đồng nợ gốc, với giá mua xấp xỉ 105.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2014 VAMC đã mua khoảng 90.000-95.000 tỷ đồng nợ xấu với giá mua là trên 70.000 tỷ đồng. Trong khi đó, kế hoạch năm 2014, VAMC đưa ra là mua khoảng 70.000 tỷ đồng nợ gốc.

Không chỉ vượt chỉ tiêu mua nợ mà kết quả thu hồi nợ, bán tài sản, bán nợ cũng vượt kế hoạch đặt ra. Theo đó, mục tiêu đặt ra đầu năm thu hồi khoảng 2.500 tỷ đồng nợ. Tuy nhiên, tính đến nay, VAMC đã thu hồi được 4.161 tỷ đồng, chưa tính đến khoản đấu giá thành công món nợ của Agribank hơn 300 tỷ đồng đang chờ chuyển tiền về.

Biểu đồ tỷ lệ nợ xấu qua các năm.
Biểu đồ tỷ lệ nợ xấu qua các năm.

Và để thực hiện mục tiêu nợ xấu đến hết 2015 về dưới 3% trong năm 2015 VAMC sẽ mua khoảng từ 70.000-100.000 tỷ đồng và bán nợ tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với mức đã đạt được của năm 2014, tức là khoảng 80.000-10.000 tỷ đồng.

Một con số đầy thách thức bởi những “món ngon” dường như đã được VAMC lựa chọn trước. Bản thân ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV VAMC đã từng thừa nhận rằng: việc phối kết hợp với các tổ chức tín dụng thẩm định, đánh giá phương án kinh doanh của từng doanh nghiệp thường rất lâu. Và thực tế các tài sản bảo đảm có tới 80-90% là bất động sản dù không “ôi thiu” nhưng những dư địa từ chính sách đối với thị trường Bất động sản cũng không còn nhiều. Với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc phát mãi tài sản để thu hồi nợ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, giá cả không thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu của Chính phủ là phải tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của VAM và thực hiện việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường thực sự là một thách thức… Bởi với vốn điều lệ hiện của VAMC chỉ là 500 tỷ đồng, khả năng mua bán nợ theo giá thị trường là rất khó khăn.

Theo TS Trần Du Lịch, khi Nhà nước quyết định thành lập VAMC tức muốn dùng sức mạnh của chính quyền trong việc xử lý nợ. Tuy nhiên, hiện nay VAMC chưa thực hiện được chức năng của mình, một phần do Nhà nước lập ra một định chế tài chính nhưng không có thực lực tài chính, bởi với vốn điều lệ 500 tỷ đồng VAMC rất khó thực hiện nhiệm vụ được giao.

Do đó, để có khoản tiền gọi là “tiền tươi thóc thật” để mua nợ phải tăng thực lực tài chính, tức vốn điều lệ cho VAMC, không thể mua bằng trái phiếu đặc biệt như hiện nay được. Với khoản tiền đó, VAMC có thể trả trực tiếp cho ngân hàng bán nợ theo tỷ lệ nhất định, hoặc những khoản nợ xấu VAMC có thể mua đứt được thì định giá và dùng tiền mua đứt để bán lại theo giá thị trường.

Tuy nhiên, nếu bơm thêm vốn cho VAMC để thực hiện “cơ chế thị trường” theo kiểu “tiền tươi thóc thật” sẽ không phù hợp với mục tiêu ban đầu. Bởi VAMC được thiết kế ra chỉ để mua bán nợ theo giá trị sổ sách (còn lại sau khi trừ đi chi phí dự phòng) và bằng trái phiếu đặc biệt. Đây là một “sáng kiến” riêng của Việt Nam. Nay nếu vì một lý do khác buộc phải “bơm” thêm tiền từ ngân sách để hoạt động theo “thị trường” thì việc này chỉ là một giải pháp tình thế - khó tạo ra một thị trường cạnh tranh thực sự. Bởi đáng lẽ ra VAMC chỉ làm sứ mệnh “chim mồi” khuyến khích sự ra đời và tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân vào thị trường mua bán nợ xấu.

Làm đẹp thị trường nợ xấu

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV VAMC cho rằng: Khó khăn lớn nhất của VAMC vẫn là thu hồi nợ và đấu giá tài sản. Giải quyết được những khó khăn này sẽ là mấu chốt trong việc xử lý nợ xấu.

Để tạo lập thị trường mua bán nợ xấu, VAMC buộc phải xây dựng được một danh mục tài sản và giới thiệu danh mục tài sản nợ xấu cần thanh lý đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nhưng do chưa có thị trường mua bán nợ xấu và chưa những quy định pháp lý về mua bán, sở hữu tài sản nợ xấu, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động mua bán không thể nào kỳ vọng sẽ khởi sắc một sớm một chiều. Bởi để hình thành thị trường cần có sự tham gia đông đảo của các bên mua- bán. VAMC sẽ rất khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp để thực hiện bài toán nghiệm kép.

Một trong những điểm nghẽn chính là việc chưa thực sự có cơ chế thị trường để đấu giá các khoản nợ. Nếu các khoản nợ chỉ chuyển từ tay người này sang tay người khác, hình thức này sang hình thức khác thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề nợ xấu xấu hiệu quả và triệt để.

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách - VEPR (Đại học Quốc gia), để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào xử lý nợ xấu thì cơ chế pháp lý cần thiết cho sự vận hành của một thị trường mua bán công cụ nợ phải được gấp rút xây dựng, bao gồm xác định rõ ràng minh bạch quyền tài sản gắn với đất đai, thay đổi quy định pháp luật liên quan đến phát mại, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu…

Hệ thống pháp lý là một trong những vấn đề cấp thiết để hình thành thị trường mua bán nợ xấu. Chẳng hạn, một khoản nợ có công chứng giao dịch đảm bảo rồi, đăng ký đầy đủ thủ tục pháp lý và ngân hàng là người luôn giữ giấy tờ sở hữu chính. Thế nhưng khi cần phải xử lý, thu hồi nợ thì ngân hàng gần như không có bất cứ quyền gì mà hoàn toàn phụ thuộc vào bên chủ tài sản. Nếu họ không hợp tác, ngân hàng sẽ khó thu giữ được tài sản, không phát mại được và phải nhờ đến cơ quan pháp luật.

Song điều đáng nói ở đây, khi đưa ra tòa án chỉ một vụ việc bình thường không có gì phức tạp, mâu thuẫn nhưng thủ tục, quy trình xử lý rất phức tạp, rườm rà. Điều này sẽ làm cho nợ xấu ngày càng trầm trọng. Vì lẽ đó, đáng lẽ với những khoản vay có giấy tờ đầy đủ rồi sẽ phải xử lý nhanh trong vòng vài tháng nhưng chúng ta phải luôn mất vài năm mới xong.

Để hình thành thị trường mua bán nợ xấu theo đúng nghĩa, và để thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới khoản nợ xấu của các tổ chức tính dụng thì điều quan trọng nhất là giá, và khung pháp lý đảm bảo tính minh bạch thuận lợi trong giao dịch. Nếu các điều kiện này được đảm bảo, việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường sẽ tự khắc hình thành. Khi đó, VAMC không cần tăng vốn cũng sẽ hoàn thành “sứ mệnh” của mình.

Mua bán nợ theo giá thị trường sẽ được thực hiện trong năm 2015

"Năm 2015 là năm mà các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Như vậy, các tổ chức tín dụng phải phân loại, đánh giá khách hàng đúng thực chất, chất lượng từng khoản nợ. Do đó, tôi tin chắc là năm 2015, các tổ chức tín dụng sẽ chủ động đặt vấn đề bán nợ cho VAMC nhiều hơn năm 2014. 

Đặc biệt, mua bán nợ theo giá thị trường dứt khoát sẽ được thực hiện trong năm 2015, bởi VAMC đã lên phương án, trình NHNN phê duyệt. VAMC đã xác định, vốn ít vẫn triển khai mua các khoản nợ nhỏ và quan trọng nhất là đúc rút được kinh nghiệm trong quá trình triển khai, chuẩn bị các bước cho việc tăng vốn điều lệ và triển khai việc mua bán nợ theo giá trường.

Bên cạnh đó, VAMC cũng đặt mục tiêu số nợ xấu dự kiến mua trong năm 2016 đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, số nợ xấu xử lý, thu hồi đạt khoảng 20.000-40.000 tỷ đồng".

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV VAMC

VAMC có trách nhiệm cụ thể hóa quy chế mua bán nợ theo cơ chế thị trường

"Trước đây, khi thành lập VAMC, mục tiêu là để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, nên VAMC xử lý nợ xấu theo hướng quản lý nợ xấu và chuyển trái phiếu cho ngân hàng để tạo tính thanh khoản. Nhưng hiện nay nợ xấu phần lớn là bất động sản và thị trường này đang ấm lên. 

Vì vậy yêu cầu xử lý nợ xấu phải theo hướng thị trường. Tôi nghĩ đây là thời điểm khá chin muồi để làm việc này. Nhiều người thắc mắc về vốn điều lệ của VAMC nhưng thực chất VAMC chỉ thực hiện vai trò trung gian trong việc xử lý các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Nói cách khác là với vai trò tổ chức thị trường mua bán nợ. 

Khi đã có Nghị quyết 01, VAMC sẽ phải có trách nhiệm cụ thể hóa quy chế cho việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường đảm bảo sự minh bạch và quyền lợi cho các bên mua và bán".

T.S Trần Hoàng Ngân - Ủy viên UB Kinh tế của Quốc hội

 

Nợ tràn lan do đâu?

Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các tỉnh, thành phố là do từ chủ trương phân cấp quyết định đầu tư về địa phương. Từ đó dẫn tới địa phương chạy đua đầu tư tràn lan.

 

http://dddn.com.vn/tai-chinh-ngan-hang/mua-ban-no-bao-gio-theo-gia-thi-truong--20150109023613360.htm

Theo Phan Nam/Diễn đàn Doanh nghiệp

Bạn có thể quan tâm