Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mua bán công khai san hô đen quý ở đảo Lý Sơn

San hô đen nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới được uốn thành bonsai, chế tác thành nhẫn, vòng đeo tay, dây chuyền... bày bán công khai ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Dù Chính phủ đã ban hành Nghị định cấm khai thác san hô đen từ năm 2006 nhưng ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sản vật quý này được bày bán tràn lan. 

Mua ban cong khai san ho den quy anh 1
Cây san hô đen được gia công, chế tác thành đồ trang sức. Ảnh: Minh Hoàng.

Ông Nguyễn Thành (ngụ xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) cho biết, san hô đen có màu đen tuyền, óng ánh, đốt không cháy. Thời xưa, loại san hô này chỉ dành cho các bậc vua chúa, quý tộc, còn được gọi là King’s coral (san hô của vua). Thời gian gần đây, người dân có trào lưu mua nhẫn, vòng, dây chuyền được chế tác từ san hô đen đính kèm vàng, bạc làm đồ trang sức. 

Theo y học cổ truyền, san hô đen vị ngọt, tính bình, có công dụng giải nhiệt, tiêu độc, làm sáng mắt, an thần và chống co giật. Còn theo kinh nghiệm dân gian, người ta thường đốt những nhánh san hô đen rồi hít lấy khói để chữa viêm mũi và mài lấy bột chữa bệnh trĩ. Thực tế đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh công dụng chữa bệnh của san hô đen.

"Vài năm trước, ngư dân Lý Sơn hành nghề lặn ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa mỗi khi trở về thường chở theo hàng trăm ký san hô đen. Giờ đây, anh em địa phương hành nghề thỉnh thoảng cũng khai thác loài cây quí hiếm này", ông Thành nói. 

Anh Hà (ngụ xã An Vĩnh) cho biết loài sản vật quý này có 4 loại: Cây dáng tùng, đuôi chồn (màu vàng), đuôi phụng (màu trắng) với giá 5 triệu đồng/kg. Còn san hô đen giống loài dương liễu (sống dưới nước màu đỏ) có giá 2,5 triệu đồng.

"San hô đen sống ở tầng biển sâu từ 30 đến 50 m nên phải lặn bình hơi, dùng xà beng, búa, đục mất nhiều giờ mới đưa được lên tàu. Mỗi cây loại lớn thường nặng từ 4 đến 15 kg, ra khơi gặp loại này xem như trúng lớn", anh thổ lộ. 

Mua ban cong khai san ho den quy anh 2
Cây san hô đen nhiều chi được ngư dân Lý Sơn tạo dáng bonsai có giá bán hơn 10 triệu đồng. Ảnh: M.Hoàng.

Trước nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, thời gian gần đây, một số người dân ở đảo Lý Sơn chuyển sang nghề thu mua, chế tác san hô đen thành bonsai, đồ trang sức. Anh Vương (ngụ xã An Hải) kể, tùy theo gốc san hô có nhiều hay ít nhánh có thể mua với giá từ 5 đến 30 triệu đồng.

"Gốc nào có nhiều chi đẹp thì tạo thế bonsai với giá bán hàng chục triệu đồng. Những cây không thể làm kiểng thì cưa nhánh, cắt thành từng đoạn khoảng 5 cm (giá 300.000 đồng) bán cho các tiệm kim hoàn chế tác thành đồ trang sức, mỹ nghệ", anh Vương chia sẻ. 

Một chủ tiệm kim hoàn ở huyện đảo Lý Sơn khoe, ở địa phương này ai cũng thích đeo nhẫn san hô đen. Đặc biệt, loại nhẫn được khắc hình rồng đính vàng, bạc giá cao nhưng rất nhiều người ưa chuộng. 

"Trung bình hàng tháng, 4 tiệm kim hoàn ở TP Quảng Ngãi và Đà Nẵng yêu cầu tôi cung cấp cả trăm chiếc nhẫn cùng vòng, lách, dây chuyền được chế tác từ san hô đen", chủ tiệm kim hoàn tiết lộ. 

Mua ban cong khai san ho den quy anh 3
Bày bán đồ trang sức được chế tác từ san hô đen công khai ở huyện đảo Lý Sơn. nh: Minh Hoàng.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn xác nhận, lâu nay ngư dân vẫn còn lén lút khai thác san hô đen khi hành nghề đánh bắt thủy sản xa bờ.

"Chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra, nếu có rộ lên tình trạng khai thác, mua bán san hô đen thì cơ quan chức năng vào cuộc ngay", vị chủ tịch huyện nói. 

Viện Hải dương học Việt Nam cảnh báo, nguồn san hô đứng trước thách thức sống còn, mỗi năm mất hơn 50 tấn. Nếu tình trạng này tiếp diễn, 15 năm nữa san hô sẽ không còn trong vùng biển Việt Nam. Hệ sinh thái này bị mất, vùng biển Việt Nam nguy cơ không còn tôm cá. 

San hô đen tên khoa học Antipathidae hay còn gọi Hải Lưu nằm trong danh sách sinh vật biển quý hiếm, cấm khai thác, sử dụng trên toàn cầu theo danh mục bảo vệ của Liên minh bảo tồn quốc tế IUCN.


Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm