Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mưa 500 mm, miền Bắc đang đối mặt đợt lũ kỷ lục

Từ đêm 31/7, rãnh áp thấp gây ra đợt mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh di chuyển sâu vào đất liền. Khắp miền Bắc mưa 200-300 mm, có nơi lên tới 500-600 mm.

Vì sao nằm ven biển nhưng Quảng Ninh vẫn bị lũ lụt?

Mưa kỷ lục trong vòng 50 năm cùng với việc sạt lở đất làm tắc nghẽn các dòng chảy, nên Quảng Ninh đã chìm trong nước, có nơi sâu gần 2 m.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, đợt mưa lũ lịch sử sẽ không chỉ diễn ra ở Quảng Ninh mà sắp mở rộng ra toàn Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong những ngày tới.

Các địa phương mưa lớn là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang và vùng núi phía Bắc. Mưa xảy ra nhiều vào chiều và đêm. Nguy cơ ngập lụt, lũ quét, trượt lở đất bao trùm miền Bắc.

Ngày 29/7, vùng mưa đã dịch chuyển về phía tây (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn) với lượng lên tới 100 mm chỉ trong buổi sáng. Đến đêm 30/7, lượng mưa ở khu vực này có thể đạt 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.

Đêm 31/7 cho tới 4/8, hình thế gây mưa đi vào đất liền, dịch chuyển dần về phía tây, gây mưa vừa, mưa to ở khắp miền núi, trung du phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, thậm chí cả Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa khoảng 200-300 mm, có nơi tới 500-600 mm. Trong khi đó, lượng mưa đo được trong trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008 trung bình 500-600 mm.

Mưa lớn tại Quảng Ninh đã khiến 17 người thiệt mạng. Ảnh: Hoàng Anh.
Mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh đã khiến 17 người thiệt mạng. Ảnh: Hoàng Anh - Mạnh Thắng.

Trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình từ đêm 31/7 sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu 3-7m, hạ lưu là 2-4 m. Đặc biệt, mực nước sông Kỳ Cùng, sông Thái Bình, Bằng Giang ở thượng lưu có thể lên mức báo động 2-3.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, mưa lớn đã kéo dài nhiều ngày làm lớp đất đá bão hòa nước. Sạt lở đất có nguy rất cơ cao xảy ra ở các khu vực có độ dốc lớn, thảm thực vật mỏng, các nơi bị cắt xẻ taluy, các bãi bồi cửa sông, suối tại tỉnh các phía Đông Bắc, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh.

Ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông, suối, ngập lụt ở đô thị có khả năng xuất hiện ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

“Trong kịch bản xấu nhất, hầu khắp Bắc Bộ sẽ mưa vừa, mưa to từ đêm 31/7 đến hết ngày 2/8. Tổng cộng lượng 200 - 400 mm, nguy cơ về lũ và sạt lở đất hiện hữu ngày càng cao, thậm chí còn nguy hiểm hơn trận lũ và sạt lở đất năm 1986” - tiến sĩ Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tuợng thủy văn Trung ương cho biết.

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Phó viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cũng cảnh báo, sau đợt mưa lớn vào đêm 31/8 và rạng sáng 1/8, các khối trượt lở lớn có thể bị kích hoạt tại Quảng Ninh, gây sạt lở trên diện rộng tại tỉnh này.

Ông Bùi Minh Tăng - nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, đợt mưa sắp tới sẽ có lượng mưa lớn hơn trận mưa lịch sử 2008, lũ tại sông Kỳ Cùng gây ngập cả tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn và trận lụt lịch sử tại Hà Nội vào tháng 11/2008. Nguy cơ sạt lở đất và lụt sẽ bao phủ nhiều nơi tại Bắc Bộ.

Trong khi đó, theo báo Tiền phong, ngày 29/7, sau ba ngày mưa tầm tã, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra úng lụt, ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Cơ sở Y tế huyện Chi Lăng bị nước bủa vây. Ảnh: Tiền phong.

 

Ở thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng), mưa to tạo nên những dòng chảy lớn từ trên các triền núi đá Kai Kinh làm sạt lở nhiều cung đường tỉnh lộ ở khu vực đèo Bén, đèo Rộ; nước tràn xuống khu phố, bủa vây nhà dân cùng các cơ sở y tế, bưu điện. Tại thành phố Lạng Sơn, huyện Đình Lập, Lộc Bình, Bình Gia cũng xảy ra ngập úng cục bộ ở nhiều nơi, nhất là địa bàn sát đồi, sông suối. 

Chiều tối 29/7, nước sông Kỳ Cùng dâng cao từng giờ; UBND tỉnh Lạng Sơn đã phát đi công lệnh khẩn, yêu cầu các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang và người dân nâng cao cảnh giác, phòng chống bão lũ hiệu quả nhất.

Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với vùng xoáy thấp trên khu vực ven bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng, nên từ ngày 28/7 đến ngày 29/7 ở Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to diện rộng, riêng ở Quảng Ninh tiếp tục có mưa to đến rất to.

Tổng lượng mưa từ ngày 25 đến chiều 29/7 ở Quảng Ninh là 500-800 mm, một số nơi mưa đặc biệt lớn như Cửa Ông 982 mm, Cô Tô 890 mm, Móng Cái 890 mm. Đặc biệt tại trạm Cửa Ông tính từ đầu đợt mưa 26/7 đến 7h ngày 30/7, tổng lượng mưa là 1.172 mm. 

Đây là lượng mưa kỷ lục 50 năm qua ở Quảng Ninh.

Đợt lụt lịch sử đã cướp đi sinh mạng của 17 người, gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Ninh. 

Quảng Ninh ngập sâu 2 m, 17 người tử vong

Mưa lớn đã làm nhiều nơi tại Quảng Ninh chìm dưới 2 m nước, 17 người chết và 6 người mất tích, thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Công Khanh

Bạn có thể quan tâm