MU phản đối Super League. |
"Quan điểm của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi vẫn hoàn toàn cam kết tham gia các giải đấu của UEFA và hợp tác tích cực với UEFA, Premier League để tiếp tục phát triển môn thể thao vua ở châu Âu”, MU thông báo.
Bayern Munich cũng đứng ngoài dự án do Barcelona, Real Madrid và Juventus khởi xướng: "Cánh cửa tới Super League của chúng tôi vẫn đóng. Một giải đấu được tổ chức bất ngờ sẽ gây ảnh hưởng đến trật tự của giải trong nước và tình hình bóng đá của toàn châu Âu".
Ngay từ đầu, Bayern hay Dortmund sớm từ chối lời mời dự Super League. Tại Đức, mô hình hoạt động của các CLB đều phải tuân thủ luật 50+1. Người Đức rất tự hào về luật 50+1 bởi nó giúp giải bóng đá của họ đề kháng với cuộc "xâm lăng" của các ông chủ giàu có đến từ Mỹ, các quốc gia châu Á hay Trung Đông.
AS Roma cũng nhanh chóng lên tiếng phản đối Super League. Tương tự, Premier League khẳng định không công nhận bất kỳ khái niệm nào liên quan tới Super League.
Ngoài ra, PSG từ đầu cũng nói không với dự án Super League. Khác với các CLB Đức, đội bóng thủ đô Paris có mối liên hệ chặt chẽ với cả UEFA và FIFA nên không muốn dính líu tới Super League.
Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vừa xử Super League thắng trong cuộc kiện tụng với UEFA và FIFA. Theo phán quyết được công bố chiều 21/12 (giờ Hà Nội) từ ECJ, UEFA và FIFA không có quyền xử phạt hay ngăn cấm các CLB châu Âu tham dự Super League.
Đây được xem là chiến thắng lớn của các CLB vẫn nuôi ý định sáng lập ESL. Juve, Barca và Real là 3 CLB chủ chốt trong dự án ESL, bất chấp những lời đe dọa trừng phạt từ UEFA hai năm qua.
Tuy nhiên, rào cản của Super League vẫn đến từ chính quyền và ban tổ chức các giải đấu trong nước. Các CLB hàng đầu Ngoại hạng Anh không muốn gặp bất kỳ rủi ro nào ở đấu trường trong nước.
Những cuốn sách đáng đọc về Ngoại hạng Anh
Mục Thể thao xin giới thiệu tủ sách về Ngoại hạng Anh, cung cấp cho độc giả thông tin về những biểu tượng của giải đấu, các chức vô địch, và những khoảnh khắc đáng nhớ của giải đấu hấp dẫn nhất thế giới.