Ngày 22/5, hai ngày sau khi xảy ra vụ 2 người đàn ông tử vong trên sông Sài Gòn do điều khiển môtô nước va chạm với sà lan, Công an TP Thủ Đức vẫn đang phối hợp với Phòng CSGT Đường thủy Công an TP.HCM và các đơn vị liên quan điều tra vụ việc. Trong đó, lực lượng chức năng sẽ làm rõ về việc đăng ký phương tiện, giấy chứng nhận điều khiển phương tiện của người gây tai nạn.
"Kẻ thù" của sà lan, tàu cao tốc
Theo tìm hiểu của phóng viên, mấy năm gần đây nở rộ phong trào người dân tự ý điều khiển môtô nước giải trí trên sông Sài Gòn. Theo các chuyên gia giao thông, những chiếc môtô nước này ngày càng trở thành "mối hiểm họa bất ngờ" khi liên tục náo loạn trên dòng sông này.
Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (đơn vị cung cấp dịch vụ tàu cao tốc trên sông Sài Gòn), nhiều lần tá hỏa bởi những chiếc môtô nước này bất ngờ xuất hiện trước phương tiện của ông. Ông Hải cho biết sông Sài Gòn có mật độ giao thông rất lớn, nhất là sau khi tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi, việc lưu thông của tàu, thuyền thuận lợi hơn. Những chiếc môtô nước chạy tốc độ cao với kích thước nhỏ nên dễ bị khuất tầm nhìn, chính là "kẻ thù" của các phương tiện đang lưu thông trên dòng sông này như sà lan, tàu cao tốc.
Theo ông Hải, tình trạng người dân điều khiển môtô nước trên sông Sài Gòn bắt đầu phổ biến trong khoảng 5 năm trở lại đây. Những người chơi bộ môn môtô nước còn thường xuyên biểu diễn điều khiển phương tiện này với tốc độ cao và quay video để đăng lên mạng xã hội, thách đố lẫn nhau.
"Ngoài chạy trên sông Sài Gòn, họ còn rủ nhau ra những khúc sông đẹp ở Cần Giờ để biểu diễn, vui chơi. Việc này vừa gây mất an toàn giao thông vừa xả rác làm ô nhiễm môi trường", ông Hải nói.
Ngoài môtô nước, theo ông Hải, trên sông Sài Gòn còn có nhiều trào lưu, loại hình thể thao tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn. Đó là phong trào chèo thuyền SUP hay việc các nhóm bạn trẻ thường xuyên thách đố nhau bơi bộ qua sông Sài Gòn.
Hiện trường vụ tai nạn môtô nước ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Phạm Dũng. |
Muốn hoạt động thì phải đăng ký
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ Phòng CSGT Đường thủy Công an TP.HCM cho biết khu vực xảy ra tai nạn là tuyến đường thủy nội địa. Việc tổ chức lưu thông môtô nước để vui chơi, giải trí hiện nay đều là tự phát, do chủ phương tiện hoặc đơn vị quản lý du lịch tự quản. Theo quy định, khi hoạt động trong vùng nước được cơ quan chức năng cho phép, loại phương tiện này phải được đăng ký, người điều khiển phải có giấy chứng nhận lái phương tiện. Quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra giấy tờ liên quan, nếu có vi phạm thì sẽ nhắc nhở hoặc lập biên bản xử phạt.
Còn theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, việc tổ chức quản lý hoạt động phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước thực hiện theo Nghị định 48 của Chính phủ, ban hành năm 2019 và cụ thể hóa bằng Quyết định 19/2020 quy định việc tổ chức hoạt động của phương tiện này trên địa bàn TP.HCM, có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.
Theo đó, những phương tiện gồm tàu, thuyền hoặc vật cấu trúc nổi phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước sức chở dưới 5 người và hoạt động trong vùng nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc công bố. Trong đó, phương tiện phải được đăng kiểm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được Bộ GTVT ban hành. Người lái phương tiện từ 15 tuổi trở lên, có giấy chứng nhận lái phương tiện nếu công suất máy trên 5 sức ngựa.
Riêng vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải được cơ quan cấp phép. Trong đó, nếu là vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia sẽ do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp phép. Trên tuyến đường thủy nội địa địa phương do Sở GTVT và trên vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải do Cục Hàng hải Việt Nam cấp.
Được biết, từ ngày Quyết định 19 có hiệu lực đến nay, chưa có địa phương, tổ chức nào đăng ký vùng nước hoạt động trên địa bàn TP HCM. Sở GTVT khuyến cáo người dân điều khiển phương tiện vui chơi, giải trí cần tuân thủ các quy định như phải đăng ký, đăng kiểm phương tiện và phải hoạt động trên vùng nước an toàn được cấp phép.
Quy hoạch vùng nước cho các hoạt động giải trí
Theo ông Trần Song Hải, để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, tránh xảy ra những vụ tai nạn tương tự thì các cơ quan chức năng phải rà soát lại và ra quy định theo chuẩn quốc tế. "Cần quy định khu nào cho phép chơi môtô nước, khu nào cho phép chơi SUP, tránh tình trạng lưu thông tự phát như hiện nay", ông Hải đề xuất.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, thì cho rằng môtô nước không phải là phương tiện dùng để đi lại mà chủ yếu phục vụ cho các hoạt động vui chơi, giải trí. Do đó, cần quy hoạch vùng mặt nước riêng biệt cho phương tiện này vì đây cũng là một nhu cầu giải trí hoàn toàn chính đáng của người dân. "Khi đã có vùng hoạt động rồi thì vùng nước ấy sẽ được kiểm soát, khép kín và không trộn lẫn vào những luồng, tuyến hành trình của các phương tiện thủy nội địa khác", ông Toản nói.