Năm ngoái, cả 2 mẫu OnePlus 7 Pro và 7T Pro đều có camera selfie thò thụt. Đến năm nay, ảnh rò rỉ tiết lộ OnePlus 8 Pro sẽ chuyển sang thiết kế đục lỗ trong màn hình.
Thay đổi trên cho thấy OnePlus đã hết mặn mà với camera thò thụt. Không chỉ vậy, đó là sự chấm hết cho một thiết kế từng là xu hướng. Đáng nói khi nó chỉ tồn tại trong khoảng thời gian rất ngắn.
Là smartphone mở đầu trào lưu camera thò thụt, thế nhưng bản kế nhiệm của Oppo Find X đã từ bỏ thiết kế này. Ảnh: Android Authority. |
Bỗng lóe lên rồi vụt tắt
Trước OnePlus, đã có nhiều hãng từ bỏ thiết kế camera thò thụt như Motorola, Realme hay Honor. Oppo Find X và Vivo NEX là 2 mẫu smartphone đầu tiên có camera thò thụt ra mắt vào tháng 6/2018. Sau 2 năm, trong khi bản kế nhiệm Find X2 chuyển sang camera đục lỗ thì ý tưởng Vivo Apex 2020 lại có camera selfie ẩn dưới màn hình.
Hiện chỉ còn Xiaomi sử dụng camera thò thụt với 2 mẫu Redmi K30 Pro và K30 Pro Zoom ra mắt ngày 24/3 vừa qua. Trước đó, bản tiền nhiệm Redmi K20 Pro cũng có thiết kế tương tự.
Nếu từng trên tay những chiếc smartphone với camera thò thụt, bạn sẽ thấy từ bỏ thiết kế này không hẳn là bước tiến lớn. Vậy tại sao camera thò thụt từng được xem là sự đột phá trong làng công nghệ?
Camera thò thụt mang đến những chiếc smartphone màn hình tràn viền mà chúng ta hằng mong ước. Ảnh: Thế Anh. |
Những lợi ích của camera thò thụt
Trước hết, thiết kế này trông rất thú vị. Khi sử dụng smartphone có camera thò thụt, người khác sẽ chú ý bởi nó chưa từng xuất hiện trên điện thoại trong quá khứ. Với hình dạng và kích cỡ linh hoạt, các nhà sản xuất có thể trang bị ống kính lớn hơn, nhiều thành phần quang học hơn cho camera selfie.
Ngoài ra, camera thò thụt rất khó hỏng. Hầu hết sản phẩm được trang bị cảm biến để camera tự động thụt vào nếu tiếp đất, do đó hầu như không gặp vấn đề nghiêm trọng nếu người dùng làm rơi điện thoại. Tất nhiên, các bộ phận chuyển động luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏng hóc, song chưa có báo cáo nào về việc cơ chế này bị hỏng hàng loạt cả.
Lý do lớn khác để camera thò thụt tồn tại là nó giúp smartphone có được màn hình tràn viền thực sự khi không cần lỗ khuyết cho ống kính camera. Nếu không thích chụp "tự sướng", camera sẽ luôn ẩn trong hốc và không khiến bạn khó chịu.
Theo Android Authority, thiết kế này cũng là giải pháp cho vấn đề quyền riêng tư. Smartphone rất dễ bị hack, và kẻ xấu có thể kích hoạt camera selfie bất cứ lúc nào để lấy ảnh cá nhân của bạn. Dù ảnh của bạn có thể không đáng giá, đây vẫn là giải pháp bảo mật đáng chú ý.
Năm 2020, camera thò thụt đã nhường chỗ cho camera đục lỗ. Ảnh: Nhật Minh. |
Chừng đó là chưa đủ
Tuy nhiên mặc cho những ưu điểm trên, camera thò thụt chưa từng được người dùng đón nhận. Hiện nay, camera đục lỗ đã trở thành giải pháp thay thế vừa nhỏ, vừa dễ tích hợp khi không còn thành phần di chuyển nào.
Dù vậy, thiết kế thò thụt hay đục lỗ vẫn chưa phải tương lai mà chúng ta mong muốn. Lỗ khuyết luôn xuất hiện, chiếm một phần không gian màn hình. Biên tập viên trang Android Authority khẳng định nó đã "cướp" đi vẻ đẹp của màn hình smartphone.
Với nhiều người thì selfie là tính năng không thể thiếu. Việc thêm màn hình phụ phía sau lại khá đắt đỏ và phức tạp, do đó đục lỗ trong màn hình là giải pháp khả quan nhất hiện nay khi công nghệ còn giới hạn.
Bước tiến tiếp theo được dự đoán là camera selfie dưới màn hình. Tuy nhiên quá trình phát triển công nghệ này đang gặp nhiều trở ngại nên chưa khả thi vào thời điểm hiện tại.
Có lý do để các nhà sản xuất tìm giải pháp thay thế camera thò thụt, và không gian là nhược điểm lớn nhất.
Không gian dành cho camera thò thụt trong điện thoại là quá lớn. Ảnh: Android Authority. |
Cụ thể, camera thò thụt chiếm quá nhiều không gian trong máy. Trên đây là ảnh chụp cơ chế camera thò thụt của OnePlus 7 Pro. Có một không gian khá lớn dành cho camera và các linh kiện di chuyển.
Khi nhà sản xuất cố gắng nhồi nhét mọi thứ vào một thân hình nhỏ, các giải pháp tối ưu, tiết kiệm không gian nhất sẽ được lựa chọn. Với không gian nhỏ bé ấy, họ có thể tăng dung lượng pin, trang bị thêm ăng-ten giúp máy bắt sóng tốt hơn. Vì vậy, không ngạc nhiên khi các nhà sản xuất muốn lấy lại không gian này.
Ngay cả Lu Weibing, giám đốc thương hiệu Redmi cũng giải thích vấn đề của camera thò thụt như khả năng tản nhiệt, thời lượng pin mà các điện thoại 5G sẽ đòi hỏi. Không chỉ Redmi mà các hãng như OnePlus sẽ phải thay đổi nếu muốn ra smartphone 5G.
Xin lỗi camera thò thụt, nhưng thiết kế này đã hết thời rồi.