Những ngôi sao dẫn đầu xu hướng như Bella Hadid, Kylie Jenner bắt đầu lăng xê mẫu váy ướt, khoe vẻ gợi cảm. Nhưng xu hướng này đến từ đâu và tại sao mọi người lại muốn trông như thể họ vừa bị đẩy xuống vực?
Thực tế, phong cách này có nền tảng phong phú thông suốt lịch sử thời trang. Những chiếc váy ướt được coi là cách thể hiện sự gợi cảm và hấp dẫn nên phụ nữ sẽ bỏ qua tính thiếu thiết thực hay nguy cơ sức khỏe để đạt được hiệu quả ôm sát cơ thể, theo Crfashionbook.
Mốt từ hơn 200 năm trước
Trong khi áo nịt ngực thường được coi là xu hướng nguy hiểm nhất của thế kỷ 18, những chiếc váy ướt át cũng vậy. Váy muslin làm bằng vải mỏng như giấy từng được phụ nữ Pháp ưa chuộng. Trước khi khoác lên mình bộ váy này, họ phải ngâm mình vào nước lạnh để vải bám vào cơ thể, khoe đường cong và đồ lót.
Váy muslin ở thế kỷ 18 được so sánh với sự chết chóc. Ảnh: Marasim. |
Tuy nhiên, thời tiết lạnh kết hợp với cơ thể luôn bị ướt khiến phụ nữ thời này thường xuyên mắc bệnh viêm phổi. Một số người tin rằng căn bệnh này đã dẫn đến sự bùng phát dịch cúm vào năm 1803. Do đó, vẻ ngoài ướt át không có lợi cho danh tiếng của thời trang lúc bấy giờ.
Đến những năm 1960, vẻ ngoài ướt át đã trôi theo hướng hoàn toàn khác. Nó tập trung ở tóc nam giới. Kiểu tóc chải ngược óng mượt và sáng bóng được tạo bởi các sản phẩm gel gốc dầu gắn liền với những người đàn ông sành điệu.
Phụ nữ cũng không nằm ngoài xu hướng này khi chuộng quần áo PVC. Các thiết kế có độ sáng bóng này đã được chứng minh là mặt hàng chủ lực trong những năm 1960 và 1970. Loại vải này được lựa chọn cho những người như Pierre Cardin, André Courrèges và Paco Rabanne. Mary Quant - nhà thiết kế người Anh là người tiên phong của PVC - đã tạo ra dòng sản phẩm đầu tiên bằng chất liệu này vào năm 1963, đặt tên cho nó là "bộ sưu tập ướt".
Trong những năm 1980, John Galliano tung ra bộ sưu tập "Fallen Angels" và khởi động lại xu hướng muslin ướt đã mất vào năm 1986. Ông trực tiếp gọi các nạn nhân thời trang thế kỷ 18 là "thiên thần sa ngã", tái tạo lại vẻ ngoài của họ với độ chân thực. Những người mẫu mặc chiếc váy dài bằng vải muslin trắng bị ướt đẫm trong nước, làm nổi bật cơ thể trần bên dưới lớp quần áo.
Bộ sưu tập "Thiên thần sa ngã" của John Galliano. Ảnh: JG. |
Alexander McQueen đã tự mình tìm hiểu về vẻ ngoài ướt át vào những năm 1990, ra mắt bộ sưu tập "Untitled" - thứ ông gọi là "cơn mưa vàng". Kết thúc buổi trình diễn, McQueen đã tạo ra một cơn mưa giả dội xuống những người mẫu mặc đồ trắng. Trong khi các thiết kế của ông không gây tranh cãi như váy ướt ở thế kỷ 18, buổi trình diễn này bị coi là rất cấm kỵ, đặc biệt là trong mắt các nhà đầu tư.
Trong thời gian "trị vì" tại Gucci vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, Tom Ford đã gây chú ý với cách giải thích của mình về vẻ ngoài ướt át. Thực tế, Ford đã chuẩn bị công thức riêng để phun cho các người mẫu ở hậu trường. Tại buổi trình diễn Xuân - Hè 2001 cho Gucci, Ford nổi tiếng khi tạo ra hình ảnh Kate Moss say nắng bằng công thức bí ẩn của mình.
Người mẫu với vẻ ngoài ướt át trong các thiết kế của Alexander McQueen. Ảnh: AM. |
Khi mặc váy ướt không còn sợ ướt
Trải qua nhiều mùa mốt, xu hướng mặc đồ ướt chỉ thay đổi qua những cách thiết kế khác nhau, chúng không biến mất. Tùy sự thể hiện của mỗi người, những chiếc váy ướt lại mang đến cái nhìn khác biệt.
Đến thời hiện đại, Kim Kardashian được xem như nữ hoàng của vẻ ngoài ướt át. Cô đã gây chú ý với 3 lần xuất hiện, tại VMAs, sau đó đến trang bìa tạp chí và đáng chú ý nhất là Met Gala 2019.
Kim Kardashian tại Met Gala 2019. Ảnh: Neilson Barnard. |
Chiếc váy Thierry Mugler cao cấp được sản xuất đặc biệt dành cho Kim kết hợp với mái tóc và làn da ướt giúp cô được truyền thông nhắc đến nhiều nhất vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Kim cho biết cô đã khốn khổ khi mặc thiết kế này.
Sau đó, tóc ướt được lăng xê ở mọi chương trình trao giải, video nhạc pop hay sàn diễn thời trang. Các siêu mẫu như Gigi Hadid, Kendall Jenner, Kaia Gerber cùng ngôi sao nhạc pop Miley Cyrus và Selena Gomez cũng diện chúng.
Tại sàn diễn cho Xuân - Hè 2021 ở Milan (Italy), Versace đã tổ chức show theo chủ đề dưới nước mang tên "Versacepolis". Các người mẫu để tóc ngâm dính vào khuôn mặt, tạo vẻ thẩm mỹ tự nhiên. Các nhà thiết kế khác bao gồm Coperni, Acne Studio và Sportmax đã giới thiệu vẻ đẹp ướt át trong nhiều tuần lễ thời trang.
Tuy nhiên, xu hướng ướt được nhận xét chỉ phù hợp với sàn diễn và video ca nhạc, không được ủng hộ nếu ai đó muốn mặc ra đường. Điều này thôi thúc các tên tuổi mới tự tìm hướng đi cho mình để duy trì vẻ ngoài gợi cảm trong thời trang.
Gần đây, nhà thiết kế mới nổi Di Petsa đã tạo ra câu chuyện mới mẻ về vẻ ngoài ướt át. Trong khi xu hướng ban đầu của thế kỷ 18 chủ yếu dựa trên gốc rễ lệch lạc và thu hút ánh nhìn của nam giới, Petsa có một định nghĩa mới - tự sinh. Thay vì sử dụng những chiếc váy trắng ướt át làm biểu tượng tình dục, bộ sưu tập mới nhất "Wetness" cho phép phụ nữ nắm lấy mọi thứ - máu, mồ hôi, nước mắt, tình mẫu tử.
Các thiết kế của Di Petsa đã thu hút sự chú ý của nhiều tạp chí lẫn nhân vật công chúng, nổi tiếng nhất là Kylie Jenner và Nicki Minaj. Nhìn qua, các thiết kế chỉ đơn giản là những chiếc váy trắng nhúng trong nước. Tuy nhiên, cô cho biết quá trình làm nó rất phức tạp và không bao gồm nước thật.
Những thiết kế như bị ướt của Di Petsa được dàn sao nổi tiếng ưa chuộng. Ảnh: Vogue, Bella Hadid. |
Nhờ đó, nhà thiết kế này được tung hô như người tái tạo xu hướng ướt át và khiến chúng mang tính ứng dụng cao. Sau khi phát triển kỹ thuật dệt độc đáo mô phỏng bề ngoài ướt, Petsa đã tạo ra thiết kế hoàn toàn khô và có thể mặc được.
Trong suốt lịch sử thời trang, vẻ ngoài ướt át gây nhiều tai tiếng nhưng các chuyên gia không thể phủ nhận nó chịu được thử thách của thời gian. Nếu phiên bản ở thế kỷ 18 gắn liền với cái chết, các thiết kế ướt trong thế kỷ 21 lại được minh họa cho sự tái sinh.