Với chiều rộng gần 4,4 km, nếu va chạm với Trái đất, Florence sẽ tàn phá một phần đáng kể hành tinh của chúng ta, ước tính làm chết 1,5 tỷ người, các nhà khoa học cho biết.
May mắn là viễn cảnh đó đã không xảy ra. Sáng 1/9 (theo giờ Washington D.C.), tiểu hành tinh Florence (còn có tên 1981 ET3) bay ngang qua Trái đất ở khoảng cách khoảng 7 triệu km, gấp 18 lần khoảng cách giữa Trái Đất và mặt trăng.
Nó từng đạt đến khoảng cách gần như vậy so với Trái Đất vào năm 1890 và phải đợi đến năm 2500 sự kiện này mới lặp lại.
Tiểu hành tinh Florence bay cách Trái đất khoảng 7 triệu km vào sáng 1/9. Đồ họa: NASA. |
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã sử dụng cùng lúc nhiều công nghệ khác nhau để theo dõi tiểu hành tinh Florence khi nó bay ngang qua Trái Đất. Trong đó, một radar đặt trên mặt đất có thể chụp được những bức ảnh cận cảnh Florence với độ chi tiết dưới 10 m. NASA hiện chưa công bố các hình ảnh liên quan.
Florence được các nhà thiên văn phát hiện trên bầu trời Australia vào năm 1981. Nó lớn gấp nhiều lần thiên thạch từng lao vào bầu khí quyển của Trái Đất vào năm 2013 và phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga năm 2013 làm cửa kính vỡ hàng loạt khiến hàng nghìn người bị thương.
"Florence là tiểu hành tinh lớn nhất đi ngang qua hành tinh của chúng ta kể từ khi chương trình theo dõi và phát hiện các thiên thể gần Trái đất của NASA được khởi động", BBC dẫn lời ông Paul Chodas thuộc Trung tâm nghiên cứu Vật thể gần Trái đất của NASA.