Review
Một mình có buồn không, MV mới nhất của Thiều Bảo Trâm đã phần nào cho thấy điều ấy. Chân dung âm nhạc của nữ ca sĩ đã rõ nét hơn nhiều so với trước. Là khi MV của cô không còn những vũ đạo sôi động nhưng giọng hát và cách thể hiện lại cho thấy những trưởng thành.
Sự thay đổi của Thiều Bảo Trâm
Có lý do để Thiều Bảo Trâm luôn từ chối chia sẻ và công khai tình yêu dù bạn trai của cô là sự hội tụ của định nghĩa về một ngôi sao âm nhạc đích thực. Nữ ca sĩ sinh năm 1994 luôn muốn được báo giới và khán giả nhìn nhận ở góc độ độc lập của một chân dung âm nhạc.
Để làm được điều ấy, Thiều Bảo Trâm không giấu những nỗ lực. Cô thuộc tuýp ca sĩ chịu đầu tư làm sản phẩm mới, hợp tác đa dạng nhạc sĩ, cũng đã đi qua cả những sexy, nóng bỏng, những bộ tóc nhiều màu, những vũ điệu bắt mắt.
Nhưng, Thiều Bảo Trâm vẫn chưa chiều lòng được số đông, chưa có một bản hit đúng nghĩa. Đơn giản là nghe Thiều Bảo Trâm hát không dễ thấy cá tính riêng biệt của cô, hoặc là nhang nhác một ca sĩ Hàn Quốc, hoặc là chưa đủ ấn tượng để đạt thành tích nổi bật trên thị trường.
Cản trở đó chưa hẳn đến từ giọng hát vì so các giọng nữ cùng thế hệ trên thị trường, Thiều Bảo Trâm có chất giọng tốt, ngoại hình xinh đẹp. Cô trẻ trung và thời thượng, chỉ là giọng hát qua năm tháng vẫn thiếu trải nghiệm và trưởng thành.
Thiều Bảo Trâm cho thấy những thay đổi trong sản phẩm mới. |
Với sản phẩm mới nhất - Một mình có buồn không - hạn chế ấy phần nào được khắc phục. Không còn chất nhạc dance sôi động, ca khúc của LyLy là một bản R&B, vẫn đáp ứng được sự tươi trẻ nhưng cũng có đất để Thiều Bảo Trâm thể hiện những tinh tế trong xử lý giọng hát, điều khó gặp ở những sản phẩm trước đó.
Trong một bản pop R&B khá nhẹ nhàng với một cấu trúc tuần tự của các verse (đoạn) xen kẽ cùng chorus (điệp khúc) và một đoạn rap, Thiều Bảo Trâm thể hiện những cảm xúc tình và trưởng thành hơn thường thấy. Nữ ca sĩ đã nhập vai để kể về nỗi lòng của một cô gái cô đơn sau những thương tổn trong quá khứ.
Ca khúc đúng phong cách nhạc của Lyly, buồn mà không bị lụy, dễ thương những vẫn có những chiêm nghiệm. Bản phối của producer Rhymastic cũng khá hiện đại, khiến ca khúc vốn có lyrics hơi hướm buồn nhưng nền nhạc lại mang đến những tươi sáng.
Ngoài cách thể hiện chứa đựng nhiều thay đổi của Thiều Bảo Trâm, sự góp giọng của Lou Hoàng cũng đáng được khen. Cách rap melody (giai điệu) của anh mang đến cảm giác rất thoải mái. Phần thể hiện như phút an ủi từ chàng trai cho sự cô đơn của cô gái đã trở thành điểm nhấn cho câu chuyện âm nhạc trong ca khúc.
Nhẹ nhàng và ý nghĩa dù hơi... trẻ con
Phục vụ cho câu chuyện âm nhạc, phần hình ảnh của MV Một mình có buồn không dài gần 7 phút, kể về câu chuyện của cô gái tên Hải An, 22 tuổi với tính cách ngông cuồng, bướng bỉnh và nóng nảy. Song ẩn bên trong lại là một cô gái tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Hải An buộc phải xây dựng vỏ bọc mạnh mẽ để tự bảo vệ cuộc sống của mình vì mồ côi cha mẹ, một mình nuôi em gái. Kịch bản do Nhật Duy là tác giả, Quản Phương Thanh đóng vai trò đạo diễn.
MV được xây dựng nhẹ nhàng, thông điệp ý nghĩa, không drama. |
Thiều Bảo Trâm diễn chưa ra chất mạnh mẽ của Hải An, một vài phân cảnh hơi gượng gạo, nhất là trong những biểu cảm đòi hỏi sự đương đầu với hành động bắt nạt của nhóm “nữ quái”.
Song, cũng phải ghi nhận là ở MV này, Thiều Bảo Trâm cho thấy một diện mạo khác. Trông cô “quê” và mộc mạc hơn những sang chảnh, sexy thường thấy nhưng lại ấn tượng hơn.
Điểm nhấn trong câu chuyện của MV là nhân vật Trần Phong (Hoàng Trung đóng) - một chàng trai ấm áp, đến và đi theo cách rất vô tình. Chàng trai thực ra chính là hiện thân từ “cỏ bốn lá”. Đó là “món quà kỳ diệu” mà bà lão chủ tiệm may gửi đến cho Hải An thông qua chiếc khăn, chiếc khăn ấy có thêu hình cỏ bốn lá, vốn như biểu tượng của may mắn.
Món quà kèm với lời dặn dò của bà lão: “Đừng bỏ lỡ những yêu thương nha con”. Phong sau đó đã xuất hiện, hết lòng hết dạ giúp đỡ Hải An, luôn ở bên cô trong những giây phút khó khăn. Phong đã giúp Hải An chạy trốn khỏi nhóm “nữ quái” và luôn muốn cô tránh xa những trận đối đầu.
Nhưng khi phát hiện ra nhóm nữ quái đến tận nhà bắt nạt em gái mình, Hải An chọn cách đi trả thù. Phong cố níu tay Hải An vì quan niệm “Bạo lực không thể giải quyết bằng bạo lực”. Câu nói thực ra hơi gượng nhưng cho thấy thông điệp rõ ràng từ cỏ bốn lá, vốn là hình hài khác của Phong.
MV kết buồn khi Hải An thua cuộc trước nhóm nữ quái và cũng mất luôn Phong - người quan tâm cô thật lòng. Thực ra, Phong đã biến mất ngay khi Hải An buông tay anh để chọn lựa một trận chiến với nhóm “nữ quái”.
Cỏ bốn lá trên chiếc khăn thêu chỉ còn lại ba lá, như một mối tình mất đi, một sự yêu thương mất đi. Những kỷ niệm đẹp của cả hai chỉ còn là hồi tưởng, cỏ bốn lá và Phong đều không trở lại, Hải An gục khóc.
Kịch bản MV khá nhẹ nhàng với những thước hình được quay ở Đà Lạt và truyền tải thông điệp ý nghĩa: Không nên đáp trả năng lượng tiêu cực bằng năng lượng tiêu cực.
Điểm hấp dẫn nhất của kịch bản là hình ảnh chàng trai là hóa thân của cỏ bốn lá. Song, điểm hạn chế là chất liệu "nhóm nữ quái" đã phổ biến ở phim ảnh. Ngoài ra, những tình tiết mâu thuẫn giữa Hải An và nhóm "nữ quái" hơi trẻ con, không hợp lý ở cuộc sống của một cô gái 22 tuổi.