"Thuở bé, tôi luôn cảm thấy xấu hổ về xuất thân và điều kiện sống của mình. Tôi tự ti với căn nhà lụp xụp, tồi tàn; ngượng ngùng vì bà mình không biết đọc hay viết. Tôi chỉ muốn chạy trốn khỏi cuộc sống này" giáo sư Risa Kumamoto (48 tuổi) nói với Straits Times.
Cô được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp burakumin, hay còn gọi là "nhà quê", vốn bị xã hội Nhật Bản kỳ thị nặng nề.
Hiện tại, cô đang giảng dạy tại ĐH Kindai (tỉnh Osaka, Nhật Bản), có tiếng nói ở lĩnh vực nhân quyền và xã hội học. Thế nhưng, ký ức về tuổi thơ cơ cực, bị hắt hủi vẫn luôn ám ảnh cô.
Tầng lớp "nhà quê", thấp kém
Theo Straits Times, sự ghẻ lạnh với lớp người "burakumin" bắt nguồn từ thời Mạc phủ. Cụm từ này được dùng để chỉ những người làm các công việc "dơ bẩn, ô uế" như đồ tể, mai táng, thuộc da, lao công...
Vào thời kỳ đó, con cháu từ các gia đình này phải chịu cảnh sống bần hàn, chui rúc trong khu ổ chuột. Họ phải ăn mặc, vấn tóc theo quy định riêng để phân biệt với các tầng lớp khác.
Nhiều thế kỷ trôi qua, các điều luật, quy định ràng buộc đối với các gia đình nói trên đều được dỡ bỏ. Song, định kiến xã hội vẫn còn vô cùng gay gắt.
Ở Nhật, định kiến xã hội với các cá nhân, gia đình có người làm nghề mai táng, đồ tể, thu gom rác... vẫn còn nặng nề. Ảnh: The Independent. |
Số liệu chính thức từ chính phủ Nhật Bản năm 1993 chỉ ra có 4.442 cộng đồng burakumin tồn tại trên toàn nước Nhật, với khoảng 900.000 công dân.
Tuy nhiên, Liên đoàn Giải phóng Buraku (BLL) khẳng định con số thực tế có thể lên đến gần 3 triệu người.
Những người có xuất thân burakumin hay làm các công việc liên quan tới cái chết, động vật thường sống trong những căn nhà tồi tàn, hiếm được học hành tới chốn hay có công việc ổn định.
Dù đã rời bỏ quê hương, cố gắng rũ sạch mác "người nhà quê, xuất thân thấp hèn", họ vẫn bị chế nhạo bằng những biệt danh như "cặn bã, giòi bọ", bị phá hoại nhà cửa hay thậm chí dọa giết bởi các cá nhân cực đoan.
Giáo sư Kumamoto kể thời còn đi học, cô không bao giờ mời bạn bè về nhà chơi. Mỗi lần tan trường, cô đều xuống bến xe bus cách xa nơi mình sống, đi bộ một quãng đường dài về nhà vì sợ dị nghị.
Thuở nhỏ, giáo sư Kumamoto (bé gái bên trái) từng ghét bỏ, phủ nhận xuất thân gia đình vì xấu hổ, sợ kỳ thị. Ảnh: Risa Kumamoto. |
"Tôi không muốn bạn bè biết rằng gia đình tôi là 'nhà quê'", giáo sư Kumamoto nói với Straits Times.
Trước đó, cha mẹ nữ giáo sư ly hôn khi cô lên 6 tuổi vì định kiến xã hội.
"Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình burakumin ở tỉnh Fukuoka, còn cha tôi là người thường. Cuộc hôn nhân của họ gặp vô vàn rào cản, rồi đổ vỡ theo thời gian".
Lên đại học, như bao thiếu nữ khác, Kumamoto có một mối tình sinh viên. Song, bạn trai cô luôn khuyên người yêu nên giấu danh tính.
"Anh ấy nói tôi là 'người tốt', nhưng tốt nhất vẫn nên giữ bí mật về gia đình mình".
Ông Taro Murasaki (59 tuổi) cũng có những trải nghiệm tương tự. Sau khi nối nghiệp cha để điều hành công viên giải trí Osaru Land và huấn luyện khỉ, ông tiếp tục bị chỉ trích, ghẻ lạnh vì "làm công việc dơ bẩn, thấp kém".
Ông Murasaki kể nhiều người từ chối xưng hô lịch sự hay gọi tên, thay vào đó là ám chỉ ông bằng từ "aiitsu" (tạm dịch: người đó).
Akiyuki Kataoka (72 tuổi), Phó chủ tịch BLL, trả lời Straits Times rằng rất nhiều cá nhân chọn cách che giấu danh tính, quê quán với con cái, xóm giềng, đồng nghiệp, bạn bè để tránh bị ghẻ lạnh, kỳ thị.
Mặt khác, một số chính sách về nhà ở, y tế và giáo dục nhằm hỗ trợ cộng đồng burakumin do chính phủ đề ra bị coi như hành động thúc đẩy phân biệt đối xử với nhóm thiểu số này.
"Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao 'những người đó' xứng đáng được đối xử đặc biệt", Phó chủ tịch Kataoka nói.
Đối mặt với định kiến
Sau khi đi Canada du học vào những năm 1990, giáo sư Kumamoto nhận ra rằng xuất thân từ gia đình burakumin của mình không phải điều đáng xấu hổ.
Cô dần thay đổi quan điểm nhờ quá trình tiếp xúc, trao đổi với người dân bản địa, người nhập cư và cộng đồng LGBT.
"Họ có lịch sử đấu tranh chống lại phân biệt đối xử suốt nhiều thập kỷ, thế kỷ. Tôi nhận ra bản thân phải đối mặt với tình trạng kỳ thị, thay vì chạy trốn danh tính của mình", giáo sư chia sẻ.
Khảo sát do chính phủ Nhật Bản thực hiện năm 2017 cho thấy chỉ 11,8% công dân tin rằng sự ghẻ lạnh với những người làm nghề mai táng, đồ tể, nhân viên vệ sinh... đã chấm dứt.
Nhà lập pháp Tsuyoshi Yamaguchi khẳng định chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực chấm dứt vấn nạn kỳ thị với các cá nhân, gia đình burakumin. Ảnh: Straits Times. |
Song, 40,1% người tham gia chứng kiến tình trạng kỳ thị xảy ra trong hôn nhân và 23,5% ở thị trường lao động.
Một nghiên cứu khác do chính quyền thành phố Tokyo thực hiện năm 2014 chỉ ra 26,6% sẽ phản đối con cái, người thân kết hôn với thành viên các gia đình burakumin.
Năm 2016, Đảng Dân chủ Tự do thông qua một đạo luật nhằm xóa bỏ nạn phân biệt đối xử với những cá nhân thuộc nhóm thiểu số này.
Văn bản pháp lý trên thừa nhận sự tồn tại của tình trạng kỳ thị các cá nhân, gia đình làm các nghề nghiệp liên quan tới mai táng, động vật... trong bối cảnh làn sóng thù ghét có xu hướng lan rộng trên mạng xã hội.
Thế nhưng, nhà lập pháp Tsuyoshi Yamaguchi cho biết đạo luật trên "chưa đủ sức răn đe" và chưa có các biện pháp xử phạt thích đáng cho hành vi vi phạm.
"Nhóm người bị gọi là 'nhà quê' vẫn chịu phân biệt đối xử khi kết hôn hay xin việc. Chúng tôi cần nỗ lực hơn nữa để đưa ra các điều luật, chính sách hiệu quả hơn", ông nói với Straits Times.
Với Yuki Miyazaki, một công nhân tại lò mổ, điều này đem lại hy vọng về tương lai không còn sự ghẻ lạnh.
"Một số người nói rằng ghét bỏ chúng tôi là 'quyền tự do ngôn luận' của họ, thật vô lý. Tôi tự hào về công việc của mình, nhưng buộc phải dè chừng để bảo vệ an toàn cho hai con", anh nói.
20 năm qua, Miyazaki gắn bó với công việc bán thịt tại chợ Shibaura, Tokyo. Dù là một người thợ lành nghề, anh luôn nhận về những ánh mắt kỳ thị, soi mói vì công việc của mình.
Chia sẻ với Straits Times, Miyazaki kêu gọi cộng đồng cần thay đổi nhận thức về burakumin.
"Có người nghĩ rằng vấn nạn này sẽ tự biến mất nếu chúng ta im lặng, lờ đi. Tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng xã hội cần hiểu chính xác về lịch sử và thực tế để xóa bỏ định kiến này".