Nhiều ý kiến về việc giải quyết các đơn thư tố cáo nặc danh được đưa ra tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) sáng 14/3.
Trình bày tờ trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết vấn đề giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh có 2 loại ý kiến. Nhóm thứ nhất cho rằng quy định của Đảng và Luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa người tố cáo.
Theo ông Sáu, những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được khoảng 87% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó gần 60% là tố cáo sai và 28% tố cáo có đúng, có sai.
Vì vậy, Luật Tố cáo quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người này.
"Do đó, dự thảo Luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh” – ông Sáu nói rõ.
Thứ 2, thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó, dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Nhiều người vì thế không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt. Ảnh: Quochoi.vn |
"Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình. Sau khi nghiên cứu, Chính phủ đồng tình với loại ý kiến thứ nhất", Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng những đơn thư tố cáo nặc danh có nội dung rất cụ thể thì phải có trách nhiệm xử lý.
"Đơn nặc danh nhưng có địa chỉ cụ thể, nội dung rõ ràng thì phải xem xét lại cán bộ lãnh đạo của đơn vị đó, trong công tác kiểm tra thường xuyên phải tăng cường... Người dân đã chuyển đơn cho mình, nhận rồi vứt sọt rác thì không có trách nhiệm. Tôi đề nghị đơn nào có thông tin thì phải giải quyết", bà Ngân nói.
Chia sẻ với những khó khăn, áp lực của đội ngũ đi giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, cũng chỉ ra thực trạng một số cán bộ tiêu cực tinh vi, trên cả tài của thanh tra, kiểm tra, luật gì cũng lách được.
"Trong thời đại này, nếu giải quyết đơn thư nặc danh thì loạn đất nước, vì thế không nên quy định việc này trong luật, chỉ nên xem xét những đơn tố cáo chính thống. Trường hợp nguy hiểm, đặc biệt thì xem xét, có chứng cứ, có dấu hiệu thì làm tiếp", ông Việt nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng góp ý: "Trong khi chưa có phương án bảo vệ người tố cáo thì ít người dám đích danh tố cáo vì sợ bị trù dập, vì thế cần có cơ chế bảo vệ để khuyến khích người tố cáo. Còn đúng là nếu tiếp nhận tố cáo nặc danh thì rất phức tạp”.