Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một quỹ từ Đài Loan rót thêm 1.800 tỷ vào cổ phiếu Việt Nam

Kể từ khi IPO vào tháng 3, Fubon FTSE Vietnam ETF đã mua vào hàng loạt cổ phiếu các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị giải ngân ước tính hơn 1.800 tỷ đồng.

Theo dữ liệu tạm tính trên Bloomberg đến 23/4, tổng tài sản của Fubon FTSE VN30 ETF đạt 7,5 tỷ tân đài tệ, tương đương 6.160 tỷ đồng. Con số tăng khoảng 1.800 tỷ đồng so với thời điểm quỹ này hoàn tất chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) huy động số tiền tương đương khoảng 4.300 tỷ đồng vào hồi nửa cuối tháng 3.

Trong kế hoạch IPO, Fubon FTSE Vietnam ETF dự tính huy động tối đa 10 tỷ tân đài tệ, tương đương hơn 8.000 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng hơn 1 tháng qua, quỹ đã đẩy mạnh giải ngân mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Fubon FTSE Vietnam ETF thuộc tập đoàn tài chính lớn thứ hai tại Đài Loan - Fubon Financial Holdings. Đây là quỹ đầu tiên đến từ xứ Đài lấy FTSE Vietnam 30 làm tham chiếu, tập trung rổ 30 cổ phiếu vốn hóa lớn của Việt Nam. Tính đến 23/4, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ là VIC của Vingroup, HPG của Hòa Phát và VHM của Vinhomes.

Tỷ trọng phân bổ của Fubon FTSE VN30 Vietnam ETF tính đến cuối tháng 3

NhãnVICHPGVHMVNMMSNVRENVLVCBVJCACBKhác
Tỷ trọng danh mục % 11.1110.069.729.619.296.955.555.293.892.7525.78

Tháng 8 năm ngoái, một quỹ Đài Loan khác là CBTC Vietnam Equity cũng huy động lượng vốn lên tới 4.000 tỷ đồng để rót vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Quỹ này dưới sự tư vấn của quỹ “lão làng” trên thị trường chứng khoán Việt - Dragon Capital lấy ETF VFMVN Diamond, để làm tham chiếu đầu tư.

Trong vài năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút các ETFs trong và ngoài nước tham gia ngày một nhiều hơn. Năm ngoái, công ty quản lý quỹ SSIAM ra mắt 2 ETF là ETF SSIAM VNFIN LEAD, ETF SSIAM VN30; công ty quản lý quỹ Việt Nam VFM ra mắt VFMVN DIAMOND ETF; quản lỹ quỹ từ Hàn Quốc là Mirae Asset cũng ra mắt quỹ Vietnam FM VN30 ETF.

Tổng giá trị huy động được qua các tổ chức ước trên 10.000 tỷ đồng. Qua đó, các ETFs trở thành kênh gián tiếp dẫn vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giao dịch các quỹ ETF dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị giao dịch toàn thị trường nhưng cũng là một trong những chỉ báo liên quan đến dòng tiền cho thị trường.

Theo số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, năm 2020, các nhà đầu tư ngoại đã bán ròng hơn 19.700 tỷ đồng. Tổng giao dịch mua bán của khối ngoại chiếm khoảng 25% giao dịch toàn thị trường. Tuy nhiên các ETFs mua ròng cả khối lượng và giá trị với giá trị mua ròng 4.500 tỷ đồng.

Riêng quý I, khối này tiếp tục mua ròng khối lượng cổ phiếu trị giá 4.480 tỷ đồng, trong khi toàn khối bán ròng 18.645 tỷ đồng. Con số mua ròng của ETFs trong quý đầu năm nay cũng gấp nhiều lần mức mua ròng 64 tỷ đồng của năm ngoái.

Các nhà phân tích chỉ ra đầu tư vào quỹ ETF thường được coi là phương án thay thế rẻ hơn và hiệu quả cho các quỹ đầu tư tương hỗ trong bối cảnh thị trường biến động mạnh nhờ ưu thế về danh mục đầu tư đa dạng hóa, chi phí giao dịch thấp và các tùy chọn giao dịch chênh lệch giá.

Ngọc Nhi

Bạn có thể quan tâm