Kiếm đâu ra số tiền để trả cho chi phí chữa chạy của Anh Khoa không hề đơn giản với một gia đình nghèo. Với Anh Khoa cũng vậy, chỉ vì bị phạm lỗi thô bạo, cầu thủ này đang đứng trước chấn thương không biết ngày nào mới trở lại sân cỏ.
Anh Khoa cũng như Quế Ngọc Hải đều sinh trưởng trong những gia đình chẳng dư giả gì nên ngoài việc nuôi sống bản thân, những đồng tiền kiếm được từ bóng đá cũng giải quyết được bài toán về kinh tế cho cả gia đình.
Sau pha bóng thô bạo này người ta mới biết được rằng Quế Ngọc Hải mới chỉ có mức thu nhập trên 10 triệu/1 tháng, chưa từng được hưởng phí chuyển nhượng như các cầu thủ đàn anh. Trong khi Anh Khoa cũng là cầu thủ trẻ, mới đá ở V.League, là trụ cột cho cả gia đình.
Giờ thì không chỉ Khoa lao đao mà Hải cũng "nghẹn ngào" bởi án phạt phải chi trả toàn bộ kinh phí chữa chạy cho "nạn nhân". Nếu Anh Khoa được đưa sang Singapore, chi phí có thể lên tới vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng. Nếu CLB không hỗ trợ, không hiểu Hải sẽ lấy đâu ra tiền để thực thi đúng bản án mà Ban kỷ luật VFF đã đưa ra?
Vốn thấu hiểu cầu thủ của mình hơn ai hết nên các CĐV xứ Nghệ cũng bắt đầu kêu gọi quyên góp để ủng hộ Anh Khoa cũng như giúp cho Quế Ngọc Hải bớt đi phần nào gánh nặng. Quế Ngọc Hải cũng cho biết sẽ bán đấu giá áo của đội tuyển để lấy tiền gửi cho Anh Khoa.
Những nỗ lực đó, tuy hơi muộn nhưng còn hơn không và đây là lần đầu tiên người ta thấy được rằng một cầu thủ xứ Nghệ mắc lỗi nhưng lại biết "ăn năn", không giống cái cách của đàn anh Huy Hoàng, Đình Đồng.
Trước đây, đàn anh và là hình tượng của bóng đá xứ Nghệ, HLV Nguyễn Hữu Thắng, thời còn là cầu thủ từng "nổi" bởi những pha bóng ghê rợn và nhiều tiểu xảo. Đến thời Huy Hoàng cũng để lại dấu ấn về những pha đá "láo" không kém đàn anh.
Mới năm ngoái thôi, Đình Đồng còn đạp gãy chân của Anh Hùng... Sinh trưởng trong một môi trường như thế, chẳng trách Quế Ngọc Hải hay bất cứ cầu thủ trẻ nào lại không nhiễm... bệnh.
Người ta kể lại rằng ngay từ khi còn là cầu thủ trẻ, các đàn em SLNA đã được nghe kể về những chiến tích lẫy lừng trên sân cỏ của đàn anh đến độ đội khách cứ đến sân Vinh là run. Run đến mức như HLV Lê Huỳnh Đức năm ngoái phải xin trọng tài xử thua 0-3 để bảo toàn tính mạng cho các cầu thủ.
Cứ nghe và cứ thấy, họ dần quen và "nhiễm" lối đá xấu lúc nào không biết. Thế nên Quế Ngọc Hải, từ một cầu thủ trẻ không tì vết bỗng "lên cơn" đạp gãy chân đối phương.
Thôi thì giới chuyên môn có thể lý giải rằng pha bóng đó là do lỗi ham bóng quá đà. Có thể đúng như vậy nhưng có một điều chắc chắn là sau khi Anh Khoa bị ngã, Hải đã ý thức được pha bóng của mình tai hại như thế nào. Nhưng người ta thấy Hải vẫn "bình chân như vại", không thèm ngoái lại nhìn "nạn nhân" và coi mọi việc như nghiễm nhiên nó phải thế!
Cái sảy nảy cái ung, từ phút giây vô tình đó, Hải phải nhận nhiều lời chê trách. Quả là với một cầu thủ trẻ, tương lai đang rạng ngời như thế, bỗng dưng phải nhận vô số "búa rìu" dư luận, cũng khó lòng mà không khủng hoảng. Thế nhưng người ta thương thì thương Hải thật nhưng cũng không vì thế mà không trách anh sao lỡ vô tình với "đôi chân" kiếm cơm của đồng nghiệp?
Nói vậy thôi, người ta trách Hải một thì trách môi trường bóng đá sản sinh ra Hải mười. Nếu từ khi chỉ là một mầm non mới nhú, Hải không phải chứng kiến, không nghe, không thấy từ các thầy đến các anh đều đá "láo" thì đâu đến nỗi.
Giống như 1 tờ giấy trắng, người ta vẽ vào đó bầu trời lung linh thì khi lớn lên cầu thủ đó sẽ như những ngôi sao sáng và ngược lại khi người ta tô vào đó đêm đen, thì cầu thủ đó rồi cũng theo lối đó mà đi. Năm nào SLNA cũng "dính" án phạt vì lỗi thô bạo để rồi mùa sau lại tiếp tục tái diễn. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước trong màn kịch diễn đi diễn lại liên tiếp ấy.
Người ta sẽ thắc mắc rằng sao cùng một cầu thủ ấy nhưng khi ở trong nước khác, khi ra nước ngoài khác. Như Huy Hoàng nổi tiếng là đá rắn nhưng khi khoác áo đội tuyển quốc gia, Hoàng có đá què chân ai đâu?
Báo chí Anh từng sững sờ vì pha bóng của Quế Ngọc Hải chỉ bị trọng tài rút thẻ vàng. Điều đó phần nào nói lên nguyên nhân của những pha đá nguội trong nước. Sự không nghiêm khắc của đội ngũ cầm cân, nảy mực đã phần nào dung dưỡng cho lối đá ẩu, đá "rừng" của các cầu thủ Việt. Và cái sai sót đó của giới trọng tài cũng nằm trong cái chung là "lỗi hệ thống" của bóng đá Việt Nam.
Các chuyên gia bóng đá Việt Nam từng lo ngại rằng khi các cầu thủ đã quen thói đá "bậy" ở sân nhà rồi, khi đã nhiễm vào máu, lên đội tuyển rồi họ cũng thế. Và lối chơi của ông Miura mấy trận vừa qua lại càng làm cho những lo lắng ấy có cơ sở trở thành hiện thực.
Bóng đá Việt Nam đã mang tiếng "lỗi hệ thống" ở sân chơi quốc nội rồi thì thôi đừng mang tiếng ở cấp đội tuyển nữa. Bởi nếu "lỗi hệ thống" từ CLB đến đội tuyển, thì chúng ta còn gì để hy vọng nữa?