Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một 'ông Tây' ở Việt Nam

Truyện ngụ ngôn của La Fontaine được lưu truyền khắp thế giới, “ông Tây” này cũng đến với văn chương Việt Nam qua nhiều bản dịch khác nhau.

Tranh minh họa La Fontaine. Ảnh: Institut de France.

Ấn bản đầy đủ nhất Ngụ ngôn La Fontaine, một trong những món quà đầy ý nghĩa để đón xuân được công ty Đông A và nhà xuất bản Văn học phát hành vào dịp tết Nhâm Dần. Con đường để truyện ngụ ngôn của La Fontaine, một "ông Tây", đi vào đời sống văn chương Việt Nam, đã trải qua hơn trăm năm.

Jean de La Fontaine sinh tại thị trấn Château-Thierry, tỉnh Aisne miền Bắc nước Pháp năm 1621, mất tại Paris năm 1695. Cha làm nghề kiểm lâm, ngay từ nhỏ La Fontaine đã có điều kiện sống giữa thiên nhiên, gần gũi với chim muông, thú rừng hoang dã cùng cỏ cây hoa lá, những thứ sau này sẽ trở thành nhân vật trong nhiều tác phẩm của ông.

La Fontaine học luật nhưng lại mê văn chương, sáng tác nhiều thể loại kể cả tiểu thuyết, nhưng nổi danh hơn cả với những bài thơ ngụ ngôn mà trăm năm sau người đời vẫn còn nhắc đến với tên gọi Thơ ngụ ngôn La Fontaine. La Fontaine làm thơ từ thuở mới hai mươi hai tuổi, sau được một Mạnh Thường Quân nước Pháp là Fouquet hàng năm cấp cho 1.000 livres chỉ với mỗi một nhiệm vụ là… làm thơ, ba tháng lĩnh tiền một lần, vịnh một bài thơ làm biên lai.

Được bảo đảm bảo về tài chính như thế nên trong suốt hai mươi lăm năm, từ 1668 đến 1693, La Fontaine có điều kiện sáng tác những bài thơ ngụ ngôn được đánh giá là “dị thường”, viết ra cứ như bỡn mà sâu sắc khôn cùng. Trong khoảng thời gian này, La Fontaine sáng tác tổng cộng khoảng 250 truyện ngụ ngôn.

Những truyện ngụ ngôn của La Fontaine được lưu truyền khắp nơi trên thế giới và cùng với bước chân chinh phục của người Pháp, “ông Tây” này cũng đến với văn chương Việt Nam qua nhiều bản dịch khác nhau.

sach tet anh 1

Bản dịch Thơ ngụ ngôn La Fontaine của Trương Minh Ký

Nhiều người nhầm lẫn cho rằng Nguyễn Văn Vĩnh, nhà báo, dịch giả, người tham gia làm nhiều tờ báo quốc ngữ hồi đầu thế kỷ XX là người đầu tiên dịch và xuất bản thơ La Fontaine ở Việt Nam. Thật ra trước ông Vĩnh khá lâu, ngay trong buổi bình minh của chữ quốc ngữ đã có một người khác dịch và xuất bản thơ La Fontaine ở Nam kỳ, là ông Trương Minh Ký.

Trương Minh Ký, sinh năm 1855, tự Thế Tải, hiệu Mai Nham, học trò của Trương Vĩnh Ký, chủ bút người Việt đầu tiên của Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam ra đời năm 1865. Năm 1881, Trương Minh Ký tham gia Ban biên tập Gia Định báo, (có tư liệu nói Trương Minh Ký là chủ bút Gia Định báo trong thời gian dài từ 1881 đến 1896). Trương Minh Ký đã dịch đăng nhiều bài thơ của La Fontaine trên tờ Gia Định báo dưới dạng văn xuôi, chẳng hạn hai truyện cực ngắn văn xuôi nhan đề là Tên chăn bòThằng ăn trộm với con heo đăng trên Gia Định báo số ra ngày 1/12/1881.

Năm 1884, Trương Minh Ký tập hợp những bài dịch thơ của La Fontaine trên Gia Định báo thành một tập có tên Truyện Phan Sa diễn ra quốc ngữ (truyện Pháp dịch sang chữ quốc ngữ), còn cái tên Thơ ngụ ngôn La Fontaine vẫn để nguyên tiếng Pháp, Nhà hàng C. Guilland et Martinon đứng ra xuất bản.

Hai năm sau, Trương Minh Ký tái bản có bổ sung thành bản Truyện Phan Sa diễn ra quốc ngữ, bản in của Nhà hàng Rey et Curiol ra đời năm 1886.

Bản Thơ ngụ ngôn La Fontaine dưới tiêu đề Truyện Phan Sa diễn ra quốc ngữ có bổ sung năm 1886 của Trương Minh Ký dày 77 trang nội dung, tập hợp 150 truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Đây là một số lượng rất lớn truyện thơ ngụ ngôn của nhà thơ Pháp nhưng chỉ có một ít trong số đó được Trương Minh Ký dịch sang dạng văn vần, còn lại phần lớn ở dạng văn xuôi (riêng hai truyện Con ve với con kiến, Con quạ với con chồn, Trương Minh Ký dịch cả văn vần và văn xuôi).

Có thể coi đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của văn chương phương Tây vào việt Nam qua con đường văn học dịch và ấn bản này là một trong những vưu vật của giới sưu tập sách xưa. Chính nhờ tập Truyện Phan Sa diễn ra quốc ngữ (Thơ ngụ ngôn La Fontaine) này cùng một số ấn phẩm khác nữa mà Trương Minh Ký được coi là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam dịch văn học phương Tây sang chữ quốc ngữ.

Thế giới của La Fontaine

Dịch thuật là sở trường của Nguyễn Văn Vĩnh và ông đã đóng vai trò chủ yếu trong việc dịch các tác phẩm văn chương của Pháp sang chữ quốc ngữ đăng trên Đông Dương tạp chí. Từ Đông Dương tạp chí số 80 đến số 89, Nguyễn Văn Vĩnh cho đăng nhiều kỳ vở kịch Giả đạo đức (La Tartuffe) của văn hào Pháp Molière do chính ông dịch, trình bày chia làm hai cột, một bên chữ Pháp một bên chữ quốc ngữ; từ Đông Dương tạp chí số 114 đăng nhiều kỳ tác phẩm Miếng da lừa (La Peau de Chagrin) của Honoré de Balzac...

Các tác phẩm kinh điển phương Tây khác như Gil bas de Santillane của Lesage, Mai Nương Lệ Cốt của Abbé Prévest, Truyện ba người ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas, Qui li ve du ký của Jonathan Swift, Tê lê mặc phiêu lưu ký của Fénelon, Rabelais của Emil Vayrac, Thơ ngụ ngôn La Fontaine... cũng lần lượt được Nguyễn Văn Vĩnh giới thiệu đến người đọc một cách có hệ thống, gieo cho họ niềm tin rằng chữ quốc ngữ hoàn toàn có thể chuyển tải được những vẻ đẹp văn chương đích thực.

sach tet anh 2

Thơ ngụ ngôn La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch có thêm những bức tranh minh họa đặc sắc của Mạnh Quỳnh.

Nguyễn Văn Vĩnh đã bỏ công dịch nhiều tác phẩm đồ sộ của văn chương phương Tây sang chữ quốc ngữ để người Việt Nam có thể đọc, thưởng thức những giá trị kinh điển đẹp đẽ của văn hóa nhân loại. Có thể kể đến bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo (mà Nguyễn Văn Vĩnh dịch là Những kẻ khốn nạn) tổng cộng 48 cuốn đóng thành 4 tập dày hơn 5.000 trang do Trung Bắc tân văn lần lượt xuất bản trong bốn năm, từ 1925 đến 1928; Truyện ba người ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas 4 tập hơn 1.200 trang do Trung Bắc tân văn ra năm 1927…

Tuy vậy, một mảng sách dịch cực kỳ đặc biệt trong di sản đồ sộ của Nguyễn Văn Vĩnh là những cuốn sách mỏng dành cho thiếu nhi.

Trong số đó có một tuyệt phẩm xuất bản trước năm 1945, đi cùng với những minh họa tuyệt tác của họa sĩ Mạnh Quỳnh, cuốn Thơ ngụ ngôn La Fontaine, do cơ sở xuất bản Alexandre de Rhodes (còn được biết với tên Đắc Lộ thư xã), xuất bản vào năm 1943.

Khi làm Đăng cổ tùng báo năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh đã bắt đầu dịch một số bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine đăng trên tờ này như Con sói và con chiên (cừu) con, Truyện quạ, cáo, Chuyện con ve và con kiến, Chuyện con nhái muốn to bằng con bò, Ếch cầu vua...

Năm 1916, Nguyễn Văn Vĩnh tập hợp một số bài thơ đã dịch này in thành một tập, lấy nhan đề là Thơ ngụ ngôn của La Fontaine tiên sanh (sinh), do nhà F. H. Schneider tại Sài Gòn xuất bản. Đây là bản dịch Thơ ngụ ngôn La Fontaine đầu tiên của Nguyễn Văn Vĩnh được in thành sách. Cuốn Thơ ngụ ngôn của La Fontaine tiên sinh nhanh chóng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của người đọc, đến năm 1928 được nhà Trung Bắc tân văn ở Hà Nội cho tái bản.

Đến năm 1943, cơ sở xuất bản Alexandre de Rhodes tiếp tục tái bản dịch phẩm này của Nguyễn Văn Vĩnh, đổi thành Thơ ngụ ngôn La Fontaine, tiêu đề bằng tiếng Pháp hai hàng chữ to ngoài bìa choán hết phía trên dòng tên chữ quốc ngữ khiêm nhường ở phía dưới.

Thời La Fontaine còn sống, ngay từ lần phát hành sách đầu tiên, truyện ngụ ngôn của ông đã quyến rũ người đọc không chỉ bởi nội dung thâm trầm, cách thể hiện dí dỏm, bỡn cợt mà sâu sắc, mà còn hấp dẫn bởi những bức tranh khắc toát lên vẻ trào phúng, hóm hỉnh, giúp người đọc thêm ghi nhớ tính chất ngụ ngôn của các câu chuyện.

Kể từ đó, truyền thống vẽ tranh cho truyện ngụ ngôn La Fontaine đã bắt đầu và kéo dài qua nhiều thế kỷ.

Ấn bản Thơ ngụ ngôn La Fontaine năm 1943 do Nguyễn Văn Vĩnh dịch có sự tham gia của họa sĩ Mạnh Quỳnh, người vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1942.

Tập Thơ ngụ ngôn La Fontaine có minh họa năm 1943 in 15.000 cuốn giấy thường, 150 cuốn trên giấy Đại La Impérial đánh số từ 1 đến 150 và 8 cuốn trên giấy Thăng Long Impérial đánh số từ I đến VIII.

Sau trang bìa lót là Mấy lời của dịch giả, Nguyễn Văn Vĩnh viết: “Tập dịch-văn này tôi làm ra kể đã lâu năm lắm rồi, khi còn ít tuổi, chưa làm văn vần bao giờ, mà đọc qua thơ La Fontaine cũng phải cảm-hứng, chấp chảnh nên vần, tuy lắm câu văn còn lấc-cấc lắm, nhưng các bạn độc-giả, cũng nhiều ông xét quá rộng cho là dụng công dịch lấy đúng. Đúng đây là đúng cái tinh-thần, chứ không có nề gì những chữ “hổ” đổi làm “sư-tử”, “cái gậy” đổi ra “con chó”, khiến cho những người thắc-mắc được một cuộc vui, ngồi soi-bói từng câu từng chữ, mà kể được ra có ba bốn chỗ dịch lầm. Những chỗ sai lầm đó, trong bản in này cũng xin cứ để nguyên không dám chữa. Lại in thêm cả nguyên-văn tiếng Pháp ra cho ai nấy có thể khảo xét”.

Vậy đây là một tập thơ song ngữ, trang bên trái in tiếng Pháp, trang bên phải chữ quốc ngữ. Toàn tập có tổng cộng 43 bài, so với tập Thơ ngụ ngôn La Fontaine của Trương Minh Ký thì ít hơn tới hơn một phần ba, nhưng toàn bộ đều được dịch từ thơ sang thơ.

Cả một thế giới những con vật trong thơ La Fontaine được tái hiện qua bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh: ve, kiến, cá, chó rừng, chó giữ nhà, chó sói, lừa, sư tử, nhái, bò, cò, gà, thỏ, rùa, gà trống, hồ ly (cáo), sáo, công, lợn, dê, cừu, chuột nhắt, mèo, la, muỗi, gấu, cọp, gà tây, sò, ếch… Gần như đủ hết những muông thú sống quanh con người.

Nguyễn Văn Vĩnh dịch La Fontaine mở đường cho thơ mới

Cùng Thơ ngụ ngôn La Fontaine nhưng Trương Minh Ký cuối thế kỷ XIX dịch hầu hết đều chuyển sang thể thơ lục bát, khi đến Nguyễn Văn Vĩnh đầu thế kỷ XX đã chuyển sang thể thơ tự do hơn, mang hơi hướm cách tân cho những đổi mới quyết liệt trong phong trào Thơ mới sau này.

Có thể so sánh trên cùng một bài thơ nguyên gốc của La Fontaine, bài Con ve và con kiến (Trương Minh Ký dịch là Con ve với con kiến), một ngụ ngôn về tính cẩn thận phòng xa.

Bản Trương Minh Ký:

Con ve với con kiến

Con ve, mùa hạ, ngâm nga,

Sang đông, thốn thiếu xót xa trăm phần.

Than van với kiến ở gần:

“Xin giùm ít hột đỡ thân cơ hàn.

Đến mùa bổn lợi lai hoàn,

Dốc lòng ngay thật, không đàng sai ngoa”.

Cho vay gần, đặt nợ xa,

Kiến không nghề ấy hỏi ra tức thì:

“Mùa khô khi ấy làm chi? -

Ve rằng: ca xướng luôn khi đêm ngày -

Kiến rằng nghề hát vui thay!

Nào ra múa thử tài hay bây giờ”.

Khá lo tích cốc phòng cơ,

Phải toan liệu trước, chớ chờ đợi sau.

Bản Nguyễn Văn Vĩnh (từng đăng trên Đông Dương tạp chí năm 1914):

Con ve và con kiến

Ve sầu kêu ve ve,

Suốt mùa hè,

Đến kỳ gió bấc thổi,

Nguồn cơn thật bối rối

Một miếng cũng chẳng còn,

Ruồi bọ không một con.

Vác miệng chịu khúm núm,

Sang chị kiến hàng xóm.

Xin cùng chị cho vay,

Giăm (dăm) ba hạt qua ngày.

- Từ nay sang tháng hạ,

Em lại xin đem trả.

Trước thu, thề Đất Trời!

Xin đủ cả vốn lời.

Tính kiến ghét vay, cậy,

Thói ấy chẳng hề chi.

- Nắng ráo chú làm gì?

Ve rằng:

- Luôn đêm ngày,

Tôi hát, thiệt gì bác,

Kiến rằng:

- Xưa cú hát!

Nay thử múa coi đây.

Đọc bản dịch thơ La Fontaine này của Nguyễn Văn Vĩnh, thấy ông đã vượt thoát ra khỏi lối thơ đăng đối biền ngẫu của văn chương Trung Hoa vốn đã ảnh hưởng đậm đến thi ca Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Có thể nói là từ nhiều năm trước khi Thơ mới xuất hiện với bài Tình già của Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh đã mở đường cho trào lưu này trong thi ca Việt Nam bằng các bản dịch truyện ngụ ngôn của La Fontaine!

Đương nhiên, một khác biệt lớn của ấn phẩm Thơ ngụ ngôn La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch so với bản Trương Minh Ký là bản Nguyễn Văn Vĩnh dịch có thêm những bức tranh minh họa đặc sắc của Mạnh Quỳnh.

Vốn từng là cây vẽ chủ lực của tờ báo nhi đồng đầu tiên ở Việt Nam “Cậu Ấm - Cô Chiêu”, tranh Mạnh Quỳnh mang con mắt trẻ thơ, rất hợp với cuốn sách dịch ngụ ngôn của Nguyễn Văn Vĩnh. Bìa 1 và bìa 4 đều in màu, phỏng theo truyện Con thỏ và con rùa (bìa 1), Con nhái muốn to bằng con bò (bìa 4).

Các nét vẽ của Mạnh Quỳnh ngộ nghĩnh, với những con vật được Việt hóa đáng yêu, đội nón tơi, chít khăn mỏ quạ… Ngay cả những con vật dữ tợn như sư tử, cọp cũng hiện ra qua nét vẽ Mạnh Quỳnh với các chi tiết dễ thương, tạo cảm giác thân thiện với độc giả nhỏ tuổi.

Thơ ngụ ngôn La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch là một món quà trong veo dành cho tuổi thơ.

Sau bản dịch Thơ ngụ ngôn La Fontaine của Nguyễn Văn Vĩnh tái bản năm 1943, còn có ấn bản Thơ ngụ ngôn La Fontaine xuất bản năm 1944, đề Cách Chi phiên dịch, nhà xuất bản Trịnh Như Luân ấn hành vào năm 1944, hoặc Thơ ngụ ngôn La Fontaine do Nguyễn Trinh Vực dịch, cũng Mạnh Quỳnh vẽ minh họa và cơ sở xuất bản Alexandre de Rhodes ấn hành năm 1945.

Yên Ba/NXB Văn học & Đông A

SÁCH HAY