Hoạt chất gây ung thư này có tên Valsartan, được dùng để điều chế các loại thuốc chữa bệnh cao huyết áp và suy tim. Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceuticals (ZHP) có trụ sở tại Linhai, miền đông Trung Quốc sản xuất.
Thuốc gây khối u trên gan, thận động vật
Đầu tháng 7, công ty này đã tiến hành thu hồi các thuốc có chứa hoạt chất Valsartan tại 22 quốc gia trên khắp châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.
Hoạt chất Valsartan gây ung thư được dùng để điều chế các loại thuốc chữa bệnh cao huyết áp và suy tim, do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceuticals sản xuất. Ảnh: CNN.
|
Thông báo thu hồi sản phẩm của ZHP được đưa ra sau khi công ty phát hiện N-nitrosodimethylamine (NDMA), tạp chất sinh học thuộc một họ các chất tiềm ẩn khả năng gây ung thư. Công ty Trung Quốc nói rằng họ đã thông báo cho chính quyền ngay khi phát hiện tạp chất gây ung thư trong thuốc.
"Chúng tôi đã công bố thông báo thu hồi vào ngày 13/7, tại Trung Quốc và toàn thế giới. Đồng thời, tất cả nguyên liệu bào chế thuốc cho thị trường Trung Quốc cũng được thu hồi vào ngày 23/7", báo cáo của ZHP niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải hôm 30/7 viết.
Theo CNN, các nghiên cứu trên động vật có sử dụng NDMA cho thấy nó gây ra các khối u trên gan, thận và đường hô hấp của động vật.
Trước đó, ngày 16/7, ZHP cho hay đã thu hồi tất cả sản phẩm chứa Valsartan từ các hiệu thuốc của Mỹ, một thị trường tiềm năng khi mang lại doanh thu 20 triệu USD cho công ty năm 2017.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc đã tiến hành thanh, kiểm tra mọi nhà cung cấp chất Valsartan trên toàn quốc, kể cả ZHP. Phía công ty cung cấp dược phẩm chứa tạp chất gây ung thư cũng khẳng định đã thực hiện các “biện pháp cần thiết” nhằm tuân thủ mọi quy định đã ban hành.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp số đăng ký lưu hành cho 111 thuốc có chứa hoạt chất Valsartan. Trong đó có 23 thuốc có sử dụng nguyên liệu Valsartan do ZHP sản xuất.
Một sản phẩm thuốc chứa hoạt chất Valsartan của Trung Quốc phải thu hồi ở Việt Nam . |
Ngày 25/7, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ngừng ngay việc nhập khẩu, sản xuất, lưu hành, sử dụng và thu hồi 23 thuốc có sử dụng nguyên liệu Valsartan từ Công ty Trung Quốc ZHP.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp tục nhập khẩu, sản xuất, lưu hành 88 thuốc còn lại chứa chất Valsartan không sử dụng nguyên liệu của ZHP, để thay thế cho 23 thuốc bị đình chỉ lưu hành và thu hồi.
Theo Bộ Y tế, việc này nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ nhu cầu điều trị và tránh biến động về giá thuốc.
Liên tiếp sự cố và rủi ro về y tế
CNN đánh giá hoạt chất Valsartan có trong dược phẩm gây ung thư là sự cố thứ hai thuộc lĩnh vực y tế, sức khỏe của Trung Quốc, gây rúng động dư luận nước này chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.
Trước đó, giữa tháng 7, nhà chức trách nước này đã phát hiện hơn 250.000 liều vaccine bạch hầu, ho gà và uốn ván (DPT) không đạt chuẩn, do Công ty Công nghệ sinh học Changchun Changsheng (Trường Xuân Trường Sinh) sản xuất cho Trung tâm Kiểm dịch và Phòng dịch tỉnh Sơn Đông. Đây là cơ sở chăm sóc sức khỏe cấp tỉnh cho 100 triệu người.
Vụ việc diễn ra chỉ sau 5 ngày khi chính công ty này bị phát hiện làm giả giấy tờ sản xuất hơn 110.000 vaccine phòng bệnh dại.
Giữa tháng 7, Trung Quốc đã phát hiện hơn 250.000 liều vaccine bạch hầu, ho gà và uốn ván (DPT) không đạt chuẩn do Công ty Công nghệ sinh học Trường Xuân Trường Sinh sản xuất. Ảnh: AFP. |
Nhà chức trách Trung Quốc mới đây đã tiết lộ chi tiết về cách thức sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng mà công ty Trường Xuân Trường Sinh đã thực hiện nhiều năm qua.
Tại nơi sản xuất vaccine không đạt chuẩn đã sử dụng nguyên liệu hết hạn và tiến hành thí nghiệm trên chuột không đúng thời điểm. Công ty này cũng làm giả dữ liệu sản xuất và hồ sơ liên quan đến những con chuột.
Đến nay, có 15 người đã bị giam giữ, bao gồm chủ tịch công ty - Gao Junfang.
Năm 2016, Trung Quốc cũng phát hiện một đường dây bán hàng triệu liều vaccine được lưu trữ và bảo quản không đúng cách. Năm 2008, hàng nghìn trẻ em nước này đã gặp phải rủi ro sau bê bối về sữa nhiễm độc.