Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả công tác bầu cử ĐBQH khoá XV, bầu cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đến nay, tổng số hồ sơ người ứng cử ĐBQH khóa XV do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chuyển đến để Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội phối hợp lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm nơi cư trú là 171 hồ sơ.
Số hồ sơ người ứng cử ĐBQH của Hà Nội là 72 hồ sơ. Tuy nhiên, tính đến ngày 2/4, 6 người có đơn xin rút và một người bị cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra.
Về trình độ, 25/72 người ứng cử ĐBQH tại Hà Nội có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ (35%), trình độ thạc sĩ là 20 người (28%) còn lại là đại học. Trong số người ứng cử ĐBQH, số nữ giới là 24 người (33%), số người không phải đảng viên là 19 người (26%).
Tổng số hồ sơ người ứng cử ĐBQH khóa XV của thành phố Hà Nội là 72 hồ sơ. Ảnh minh họa: Mattran.org.vn. |
Số hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI là 188 hồ sơ, 11 người có đơn xin rút tính đến ngày 2/4. Ở cấp huyện, số hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND là 2.060 người (41 người đã xin rút), cấp xã là 21.399 người (121 người đã xin rút).
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết việc thực hiện quy trình các bước bầu cử ĐBQH khoá XV, bầu cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đều thực hiện đúng quy trình, tiến độ.
Theo tổng hợp từ cơ quan Thường trực Ủy ban Bầu cử thành phố, tổng số người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã được lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm nơi cư trú là 19.261 người.
Dự kiến, từ ngày 14 đến 16/4, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND là một giai đoạn quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được tiến hành thông qua 5 bước:
Bước 1: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Bước 2: Tổ chức giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người của các đơn vị hành chính cấp dưới, của thôn, tổ dân phố để đưa vào danh sách ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Bước 3: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Bước 4: Lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử.
Bước 5: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Hà Nội được bầu 29 ĐBQH và 95 đại biểu HĐND TP. Ngày bầu cử toàn quốc là chủ nhật 23/5.