Ảnh minh họa: Hoàng Linh. |
Đi từ ngoài vào, quán bên tay phải, hai mặt tiền ngõ Con Mắt và hẻm Ông Chủ Đất (Nguyễn Văn Thêm): cà phê Ngự Uyển.
Những quán cà phê nổi tiếng Ông Tạ như Thăng Long, Dakbla, Gió... trên đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân), Hoàng Gia đường Mai Khôi (nay là Chử Đồng Tử), Đỉnh Thiêng trong khu cư xá trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai)... đã không còn từ lâu. Riêng Ngự Uyển tới giờ vẫn “kiên cường” trụ lại, dù bên ngã tư đường nhưng lại bình yên như tự thuở nào - suốt hơn nửa thế kỷ. Bình yên như cây nhãn cổ thụ trong sân quán trồng từ hồi mở quán tới giờ...
Giờ ngựa xe qua lại đông hơn nhưng thật kỳ lạ khi bước vào đây lại như một thế giới khác: yên bình, chậm rãi - bất chấp bên ngoài. Rất lạ. Không vắng nhưng cũng không đông, vừa đủ để không chìm trong quá khứ lại không cuốn theo nhịp đời bên ngoài luôn tấp nập. Có vẻ như cảnh quan nhẹ nhõm như-tự-thuở-nào của quán khiến ai qua lại cũng không nỡ ồn ào...
Ông chủ mở quán thuở xưa, thập niên 1970 tên Trịnh Quang Tường, sinh năm 1913. Thập niên 1940, ông mở hãng sản xuất xì-gà ở Hà Nội, lấy tên Facideo, viết tắt từ Fabriquer cigares d’extrême orient (Xưởng/hãng xì gà Viễn Đông). Hồi đó, người Pháp và người ngoại quốc thường hút xì-gà nên hãng chỉ làm xì-gà bán toàn Đông Dương chứ không sản xuất thuốc lá. Cơ sở của hãng ở Bạch Mai, khá lớn với hàng trăm công nhân, có Tây đen gác cổng và tài xế người Pháp.
Cao ráo, đẹp trai, sang trọng, lịch sự, lúc nào cũng com-lê (complet) veston và luôn nở nụ cười. Kiểu này gái theo phải biết. Thực tế là có ngay một cô ở Hà Nội theo chàng về dinh khi chàng đã có hai bà. Bà đầu tiên là dân Bình Định. Bà thứ hai là người Hong Kong, sang Hà Nội thăm chị có tiệm thuốc bắc ở đó rồi thành thân với ông qua bàn tay sắp xếp của bà cả. Từ đó, bà một lòng một dạ với chồng, không về Hong Kong nữa, nói sõi tiếng Việt, không ai biết là người Hong Kong. Các con bà ngoài câu “ngộ ái nị” còn lại không biết nửa chữ tiếng Tàu, ăn uống, trửng giỡn chẳng khác con nít Việt.
Hãng sản xuất xì-gà Facideo ở Hà Nội của ông Trịnh Quang Tường trước năm 1952. Ảnh: NVCC. |
Cuối những năm chiến tranh Việt - Pháp, có lẽ không tin lắm về chiến thắng của quân đội Pháp, nhiều nhà buôn, dân thường Pháp và nước ngoài rút dần về nước. Hà Nội hầu như toàn lính Pháp. Ông dẹp hãng, vô Sài Gòn mở một trường trung học dạy chương trình Pháp lấy tên là Võ Tánh ở số 52 đường Võ Tánh (hiện là đường Nguyễn Trãi, quận 1). Một cô con gái của ông sanh ở đây (năm 1952) là Mỹ Lan.
Năm 1955, quân đội của nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm đánh nhau với lính Bình Xuyên. Súng nổ trên đường Trần Hưng Đạo, sát bên Nguyễn Trãi. Ông bán nhà này, ôm của cải, tiền bạc ra Đà Nẵng mở hãng nước mắm, đến năm 1956 lại dọn ra Nha Trang. Hãng nước mắm vẫn còn ở Đà Nẵng. Ông thuận tay trái nên tính tình hơi khác người và quả số đào hoa: ba vợ, mười hai con, cùng sống đầm ấm, chung tay gầy dựng gia đình.