Sáng 1/3, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết từ năm 2015, chính sách BHYT được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều điểm mới theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó có quy định về thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Theo bà Tiến, việc thông tuyến không làm gia tăng số lượt khám chữa bệnh (KCB) chung và trong nhiều năm, từ năm 2009 đến năm 2015, quỹ BHYT luôn có kết dư. Nhưng năm 2016, số thu BHYT cho KCB ước là 64.242 tỷ đồng và số chi ước là 69.410 tỷ đồng (ước bội chi là 5.130 tỷ đồng).
Nguyên nhân bội chi chủ yếu là điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong KCB, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi và một phần do thông tuyến.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Y tế cho hay đến nay vẫn chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi KCB nhiều lần. Nhiều nơi còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết; dịch vụ y tế và năng lực của cơ sở KCB chưa đáp ứng được hết nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh…
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo nữ Bộ trưởng, một số bệnh viện tư nhân có xu hướng xin xuống hạng (từ hạng I, II xuống hạng III hạng IV) để được xếp tương đương với bệnh viện huyện, mục đích là được áp dụng cơ chế thông tuyến.
“Thậm chí vì là một doanh nghiệp nên các cơ sở này có thể áp dụng các hình thức khác nhau như tặng quà, hỗ trợ phần chi phí cùng chi trả của người bệnh, hỗ trợ tiền đi lại. Thậm chí là về tận địa phương đưa đón người bệnh để 'thu hút' người có thẻ BHYT đến KCB”, bà Tiến nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế và Tổng giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh nói về rất nhiều những “biểu hiện lạ”, những “số liệu gây ngạc nhiên” sau khi áp dụng quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT như nhiều bệnh viện tuyến tỉnh xin được… xuống hạng, có bệnh nhân khám bệnh hơn 300 lần trong 3 tháng.
Nữ Tổng giám đốc cũng nêu một loạt hiện tượng lạ khác diễn ra thời gian qua như trong năm 2016, một số bệnh viện tuyến tỉnh đã xin xuống hạng để được xếp vào tuyến huyện nhằm được áp dụng quy định thông tuyến.
Ngoài ra, thông tuyến cũng dẫn đến tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT gia tăng từ phía cơ sở KCB như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang, thuốc...người bệnh BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thị Minh chỉ ra những con số bất thường trong khám chữa bệnh. Ảnh: Quochoi.vn |
“Thống kê tháng 6-7/2016 cho thấy có tới 1,2 triệu người đi khám bệnh 2 lần trong 1 tháng, có 3 triệu người đi khám bệnh bằng hàng tuần. Có người bệnh đi khám, lấy thuốc tới hàng trăm lần trong vài tháng. Một bệnh nhân ở An Giang trong quý IV/2016 khám bệnh 160 lần tại 20 bệnh viện khác nhau…Đó là những con số rất bất thường”, bà Minh nói.
Bà Minh cũng xác nhận những lợi ích lớn của thông tuyến bảo hiểm với người bệnh như thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế. Người bệnh được hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra không ít những hạn chế từ khi thông tuyến như y tế tuyến xã đã gần như bị… bỏ rơi, dẫn đến lãng phí nguồn lực của Nhà nước đầu tư vào y tế cơ sở.