Nghệ sĩ Pháp Xavier Marabout tưởng tượng ra những cảnh Tintin phiêu lưu trong những bức tranh của Edward Hopper.
Những người thừa kế của Hergé (tác giả Những cuộc phiêu lưu của Tintin) đã kiện nghệ sĩ này “lợi dụng Tintin" bằng cách đưa anh ta vào một không gian quá gợi cảm, đặc biệt trong bối cảnh tác giả Hergé đã không bao giờ vẽ biếm họa phụ nữ.
Một bức tranh trong bộ Hergé-Hopper. Tranh: Art-marabout. |
Công ty Moulinsart, đại diện cho những người thừa kế của Hergé, đã kiện Xavier Marabout vì "xâm phạm" và "vi phạm quyền nhân thân".
Năm 2013, Xavier Marabout bắt đầu thực hiện loạt tranh mang tên Hergé-Hopper. Trong những tác phẩm này, ông đã hợp nhất các yếu tố trong tranh của tác giả người Bỉ và những bức tranh hiện thực của nghệ sĩ người Mỹ Edward Hopper .
Trên hầu hết bức tranh, có thể thấy Tintin luôn đồng hành cùng phụ nữ, tại khách sạn, trên xe môtô hoặc dưới cầu Queensboro ở New York...
Xavier Marabout phủ nhận cáo buộc, ông nói nghệ thuật của mình là “tách các vũ trụ nghệ thuật xa xôi để kết hợp chúng lại với nhau” theo phong cách “nhại lại”. Nghệ sĩ này cũng cho rằng cách kết hợp tranh của Hergé với Hopper không phải là sao chép, mà chỉ sử dụng khía cạnh mãn nhãn của Hopper để tưởng tượng một cuộc sống phong phú, lãng mạn của Tintin.
Công ty Moulinsart không đồng ý với giải thích đó, cáo buộc Xavier Marabout tái tạo thế giới của Tintin mà không có sự đồng ý. Họ cho rằng việc lợi dụng danh tiếng của một nhân vật để đưa anh ta vào bối cảnh không phù hợp không liên quan gì đến sự hài hước.
Nhân vật truyện tranh Tintin của tác giả Hergé. |
Sinh thời, tác giả Hergé hiếm khi đưa nhân vật phụ nữ vào truyện tranh Tintin. Họa sĩ Bỉ từng nói: “Tôi yêu phụ nữ quá nhiều để tạo ra những bức tranh biếm họa về họ”. Ông cũng giải thích khi nhân vật nữ xuất hiện, đó là đại diện cho tình mẫu tử, hiếm khi có thể trở thành chi tiết hài hước trong truyện tranh.
Những cuộc phiêu lưu của Tintin là bộ truyện tranh nhiều tập do họa sĩ người Bỉ Georges Remi (1907-1983) sáng tác dưới bút danh Hergé. Đây là một trong những bộ truyện tranh châu Âu nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Cho đến năm 2007, Tintin đã được xuất bản bằng 70 thứ tiếng với hơn 200 triệu bản được bán ra.