Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một ngày với nghề 'đứt tay, đổ máu' ở Bình Dương

Có một xóm nghèo ở Bình Dương chuyên làm nghề thường xuyên bị đứt tay, đổ máu. Họ ngày ngày đi hàng chục cây số gom nhặt kính vỡ về gia công lại. Chuyện đứt tay, chảy máu xảy ra như cơm bữa.

Họ là những người lao động nghèo, hầu hết từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh,… đến ngụ cư ở ấp Tân Hiệp, Tân Bình, Dĩ An (Bình Dương). Con đường đất nhỏ đầy những bao kính xếp la liệt, vương vãi nhiều mảnh kính vỡ hình thành gần chục năm nay. Được mọi người gọi với cái tên xóm "nhặt kính".

Xóm nhặt kính chỉ sôi nổi khi trời nắng. Kính vụn “trải thảm” dưới đất. Những người đàn ông chở kính từ nhiều nơi về, gom vào bao chất lên xe. Còn phụ nữ miệt mài đập, hốt, cắt, lau chùi... kính vỡ tạo nên những tiếng chan chát, loảng xoảng nghe rợn người. Hầu hết họ đều không có đồ bảo hộ, nếu có cũng chỉ là đôi ủng, chiếc bao tay đã rách rưới.

Xóm nhặt kính có khoảng 20 hộ theo nghề này. Mỗi kg kính vụn bán được 500 đồng. Kính còn nguyên được cắt vuông vắn, rửa sạch thì có giá hơn. Một ngày làm việc mỗi người kiếm trung bình 100.000 đồng. Kính sau khi được phân loại thì bán cho các xe thu mua từ Sài Gòn xuống.

Vừa ăn xong trái bắp cho bữa sáng muộn, anh Trần Văn Ân (26 tuổi, quê Nghệ An) cùng anh trai Trần Văn Lương thu gom các bao tải kính chất lên xe ba gác. Chìa ngón tay còn dính băng y tế do mới đứt, anh Ân nói vui: “Ăn trái bắp thôi đề bù tiền bông y tế. Chuyện đứt tay là bình thường, riết rồi quen nên ai cũng có sẹo. Nghề này cực, hay đổ máu nhưng xin việc khác khó quá, làm cái này có bạn bè đồng hương cũng vui. Thu nhập bấp bênh nhưng không bị ràng buộc, mệt thì nghỉ”.

Đầu của dân đập kính được che bởi chiếc nón lá cũ hoặc nón bảo hiểm. Giữa ngổn ngang kính vỡ, nhọn, bén, họ vẫn ngày ngày miệt mài làm việc mưu sinh.

Xóm nhặt kính nằm trong một con đường nhỏ, có bãi đất trống được tận dụng làm nơi thu gom.
Những người dân nghèo, chủ yếu ở miền Trung, về đây làm nghề này đã gần chục năm.
Những ngày trời nắng, xóm mới có nhiều người làm. Kính bể được thu gom từ bãi rác, công trình xây dựng...
Phụ nữ thường làm các công đoạn như đập vụn kính.
Những tấm kính còn vuông vắn được chùi rửa sạch sẽ.
Cạo sạch, cắt gọn lại để bán được giá.
Chị Thái Thanh Tiên (24 tuổi, quê Nghệ An) đang lau kính. Chị cùng bạn bè đồng hương vào miền Nam kiếm việc và theo nghề này đã được 3 năm.
Nam giới chuyên đi thu gom kính, có ngày họ phải chạy hàng chục cây số.
Dụng cụ bảo hộ sơ sài. Trong ảnh là chiếc bao tay đã cũ, rách của anh Trần Văn Đức (quê Nghệ An).
Người nào chu đáo thì bảo hộ đôi chân bằng ủng, còn không thì chỉ mang giày dép bình thường.
Do đặc thù công việc, nên chuyện đứt tay xảy ra thường xuyên, người nào cũng có vết sẹo.
Bữa ăn sáng muộn với bắp luộc của anh Trần Văn Ân (26 tuổi, quê Nghệ An). Một ngày làm việc trung bình anh kiếm được 100.000 đồng.
Cạnh các bãi kính là dãy phòng trọ của những người "sống nhờ kính vỡ".
Mưu sinh với nghề thum gom kính cơ cực, nguy hiểm nhưng họ vẫn bám nghề và mong chờ một cuộc sống tươi mới hơn.

 

NHƯ QUỲNH

Bạn có thể quan tâm