Sau 15 năm quan sát, các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Los Angeles (Mỹ) cho biết một ngày trên Kim tinh (thời gian hành tinh quay một vòng quanh trục) bằng khoảng 243,0026 ngày, xấp xỉ 2/3 độ dài một năm thiên văn trên Trái Đất.
Nguyên nhân một ngày trên Kim tinh dài đến từ tốc độ quay của hành tinh khá chậm, hướng quay ngược so với Trái Đất và nhiều hành tinh khác.
Một ngày trên Kim tinh dài gần bằng 2/3 một năm thiên văn của Trái Đất. Ảnh: NASA. |
Theo Digital Trends, các nhà khoa học đã sử dụng radar bắn sóng vô tuyến đến hành tinh rồi phân tích thời điểm sóng dội về Trái Đất. Không chỉ thời gian một ngày, họ còn tính được trục Kim tinh nghiêng 2,6392 độ, lõi dày khoảng 3.500 km, tương đương lõi Trái Đất.
"Chúng tôi biến Kim tinh thành quả cầu disco khổng lồ, 'chiếu sáng' nó bằng đèn pin siêu mạnh (sáng hơn 100.000 lần đèn pin thông thường). Bằng cách theo dõi ánh sáng phản xạ từ 'quả cầu', chúng tôi có thể đưa ra các thuộc tính của hành tinh", Jean-Luc Margot, Giáo sư về Trái Đất, khoa học hành tinh và không gian, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Là hành tinh gần Trái Đất nhất trong Hệ Mặt Trời, tuy nhiên lớp khí quyển dày đặc, che phủ bề mặt khiến chúng ta chưa thể nghiên cứu nhiều về Kim tinh. Một số câu hỏi về Kim tinh chưa có lời giải đáp, trong đó bao gồm độ dài ngày.
“Kim tinh là hàng xóm của Trái Đất, nhưng một số đặc điểm cơ bản vẫn chưa được biết đến”, Margot chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu cho biết tốc độ quay của Kim tinh thay đổi theo thời gian, với sự chênh lệch trong độ dài ngày có thể lên đến 20 phút. Do đó, việc tính toán chính xác độ dài một ngày trên Kim tinh là điều không dễ dàng.
Đám mây khí quyển dày, kỳ lạ của Kim tinh có thể là nguyên nhân khiến độ dài ngày thay đổi. Tốc độ quay của khí quyển trên Kim tinh nhanh hơn, có thể ảnh hưởng đến chuyển động quay của hành tinh.