Khi hai con gái vẫn ngon giấc, chị Lê Thị Hồng Hạnh (31 tuổi) vội vã rời nhà để đến Cảng quận 4, TP HCM nhận xe.
Chị bắt đầu một ngày trên tuyến đường Tôn Thất Thuyết - chợ Bến Thành đến khu du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh). Mỗi ngày chị phải điều khiển xe ngược xuôi hơn 10 chuyến, mỗi chuyến là 16 km.
Trong giờ cao điểm, xe buýt phải nhích từng chút một giữa dòng người đông đúc. Khó khăn nhất đối với cánh xe buýt là lúc gặp đèn đỏ. Khi đó, tài xế cẩn thận nhìn gương chiếu hậu, từ từ rà thắng để tránh va chạm với những người đi xe máy phía sau.
Vì thế, theo lời chị Hạnh, ngay sau khi nổ máy, chị phải tập trung cao độ để đảm bảo chuyến xe về đích an toàn. Kết thúc mỗi chuyến, chị có 10 phút để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chuyến tiếp theo.
Cũng giống như những đồng nghiệp nam, chị vẫn phải đóng phạt nếu cho xe về trạm trễ giờ, mỗi phút 15.000 đồng.
Chị Lê Thi Hồng Hạnh đã có 10 năm lái xe buýt. Ảnh: Nhật Trường. |
"Các ngày cuối tuần, ít xe máy hơn mọi ngày, nên lái xe trong những ngày này không vất vả mấy. Nhưng lái xe buýt trong các ngày trong tuần và đặc biệt là giờ cao điểm thì có chút căng thẳng", nữ tài xế xe buýt nói.
Nhiều người nghĩ phụ nữ làm tái xế xe buýt là thiệt thòi, nhưng với Hạnh, khi dấn thân với nghề chị cũng có những thuận lợi riêng của mình. Mỗi khi có va quệt, chị đều nhỏ nhẹ. "Người kia có hung hăng đến mấy khi đến gần thấy mình là phụ nữ là họ bỏ qua liền à", chị chia sẻ.
Hạnh bắt đầu yêu nghề lái xe buýt từ khi còn rất nhỏ. Mỗi lần đi theo ba, chị ước có một ngày mình được ngồi sau tay lái như ba của mình.
Đến nay, không chỉ là 'tay lái lụa', nữ tài xế có 10 năm kinh nghiệm này còn có thể sửa xe, thay bánh. “Thay bánh xe không ăn nhằm gì đâu. Ngày xưa tôi còn đi học sửa xe. Bố tôi từng khuyên, con gái lái xe buýt là quá đủ rồi, đòi học sửa xe bộ muốn làm con trai luôn hả?", Hạnh bộc bạch.
Chị nhớ khi mới bắt đầu lái xe, có một hành khách lớn tuổi khăng khăng không chịu bước lên xe và hỏi có lái xe được không. Sau khi nghe chị và những hành khách khác thuyết phục, cụ già mới chịu lên.
Lên xe chị, nhiều hành khách tỏ vẻ vui mừng. Ông Nguyễn Thành Trí (57 tuổi), một trong những hành khách thường xuyên đi xe của chị Hạnh kể: "Lần đầu bước lên xe buýt, thấy tài xế nữ tôi cũng ngạc nhiên và lo lắng. Nhưng bây giờ tôi thấy hoàn toàn không có sự khác biệt về khả năng lái xe của cô Hạnh và những nam tài xế khác".
Thấy chị vất vả, nhiều hành khách thương khuyên chị nên bỏ nghề và tìm công việc khác thích hợp hơn. Nhưng nữ tài xế xe buýt còn muốn nâng bằng lái để có thể lái xe lớn hơn nữa.
“Ban đầu tôi nghĩ lái xe để phụ giúp gia đình thôi, chứ không nghĩ sẽ theo nghề này. Dần dần, tôi thấy công việc này cũng tốt và cũng có thu nhập tương đối nên không muốn bỏ nữa", nữ tài xế tuyến buýt số 44 chia sẻ.
Điều trăn trở nhất của chị khi làm nghề này là không có nhiều thời gian để chăm sóc hai cô con gái của mình. Do đó, trên xe, nữ tài xế không quên để tấm hình hai con của mình. Đối với chị, ảnh hai đứa con tạo động lực giúp chị quên đi những áp lực, sự nặng nhọc, vất vả của nghề.
Hạnh chia sẻ, ngày nào cũng vậy, chị ra khỏi nhà lúc hơn 4h, khi con chị vẫn còn ngủ và khi trở về lúc hơn 21h, cũng là lúc con đi ngủ. Do đó, mọi việc nhà, người phụ nữ này đều phải nhà ba mẹ lo giúp.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ nhiệm Hợp tác xã xe buýt Đông Nam, cho biết trước đây hợp tác xã có 3 nữ tài xế xe buýt nhưng sau này do hoàn cảnh gia đình và áp lực công việc nên 2 người đã nghỉ. Bây giờ chỉ còn Hạnh.
"Cô Hạnh làm việc thậm chí tốt hơn các nam tài xế. Tôi chưa hề nghe hành khách phàn nàn về thái độ phục vụ của cô ấy", ông Chiểu nhận xét.