Câu chữ của anh không chút hoa mỹ, cứ kể tỉ mẩn, nhẩn nha như đang ngồi dưới gốc cây cùng chúng bạn mà ôn lại chuyện cũ. Mỗi người góp mặt một chút trong cái bóng cây ký ức ấy. Những gương mặt hôm nay mà hôm qua đã từng gắn bó. Sau nhiều năm mới gặp gỡ, mà cứ ngồi vẽ lại cùng nhau những khuôn hình của quá khứ, chậm rãi, hoài cảm và đầy những tha thẩn.
Ở đó có những đứa trẻ một thời trốn ngủ trưa đưa nhau đi tắm sông (Trở về với sông); Có những đêm nắm ngắm trăng, đếm sao trên chiếc chõng tre cọt kẹt của bà (Chõng tre); Có những đứa trẻ giấu thị trong túi quần, để hương thơm bay khắp xóm (Thị thơm giữa phố); Là những chiếc kem đổi giữa buổi trưa hè (Kem đổi); Là khu vườn rộn ràng những cây trái, đầy tiếng chim ca, đầy ước vọng tưởng tượng của những đứa con nít (Khu vườn tuổi nhỏ).... Vùng ký ức mát rượi giàu có ấy, Hồ Huy Sơn đã thân mến mà trao tặng cho rất nhiều người cùng thưởng thức.
Anh dùng ngòi bút của mình để kể lại, để nhắc nhớ mình, và trân quý hơn chính là đem “phát tán” những vùng mơ ký ức ấy cho rất nhiều những người đã lớn, đã từng đi qua “những mùa vàng”, để nhắc nhớ họ về một thuở yên bình thơ mộng.
Ký ức đã được thăng hoa trong từng trang viết của Hồ Huy Sơn. Ký ức mà anh đã chia bày trên trang sách của Đi qua những mùa vàng, cũng giống như một tán cây mà bóng mát rất lớn, làm mát rượi tâm hồn những kẻ bước vào trú ngụ. Và cứ thế, lại cộng hưởng với biết bao nhiêu vùng ký ức của những người đến, đọc, thưởng thức, và chia sẻ, để tạo thành một vùng ký ức bao la, mát lành. Ấy thế mà ký ức sống động khiến tâm hồn ta chợt tìm thấy an nhiên vô cùng.
Tập sách Đi qua những mùa vàng của tác giả Hồ Huy Sơn. |
Trong tập sách của mình, Hồ Huy Sơn còn lưu cất rất nhiều những thương yêu lấp lánh dành cho người mẹ của mình. Trên trang viết nào của anh cũng thấp thoáng cái dáng gầy gầy tảo tần của mẹ. Dáng hình người mẹ của tác giả, hay cũng là dáng hình của biết bao những bà mẹ ở nhiều miền quê nghèo trên mảnh đất Việt này.
Người mẹ không biết nói cho anh những lời âu yếm, vỗ về, nhưng chính là người đã tạo dựng cho anh cả một “mùa vàng” bội thu, bằng những chăm nom vụng về, mộc mạc, có lẽ cũng là người có giọng hát ví giặm hay nhất trong lòng tác giả. Mẹ ở đó, là những vun trồng êm ái nhất, để anh có thể cất mình bay lên bầu trời cao rộng kia...
Trong Mùa đông nhớ mẹ, Hồ Huy Sơn viết “Giọng mẹ không thể sánh với những nghệ sĩ như Hồng Lựu, Hồng Năm nhưng với anh em mình đó là cả một gia tài vô giá cho đến khi lớn lên”. Cũng hẳn là bởi cái “gia tài” ấy nên đi đâu cũng ấm áp. Nhưng mỗi mùa giá lạnh về, dù đã lớn khôn, vẫn chỉ thèm “chạy về và sà vào lòng mẹ”. Đứa con nào cũng khao khát sự ấm áp ấy phải không... Cái Hồ Huy Sơn khiến độc giả rung động, cũng từ sự giản dị ấm cúng ấy mà thành.
Những điều Hồ Huy Sơn viết gần gũi đến độ tưởng như đang được dẫn lối quay về tuổi thơ của chính mình mà tắm mát vui vầy trong ấy. Những điều nhỏ bé vốn đứa trẻ nào cũng từng trải qua, nhưng rồi khi lớn lên, khi tâm trí bộn bề, vùng kí ức ấy tưởng như đã trôi rất xa, nhiều người đã quên, hoặc nhiều người còn nhớ mơ hồ, và thực ít người có thể viết, có thể kể rõ ràng, nên thơ đến thế về tuổi thơ của mình. Ấy là cái đáng trân quý biết bao. Nhờ có những cuốn sách như Đi qua những mùa vàng, mới có thể cất lên tâm tình của biết bao người chất chứa mà không biết cách tỏ bày.
Có thể xem những dòng Sơn viết là tản văn, hoặc bạn cứ xem đó là những dòng thư của một người bạn, bởi nó gần gũi, chân tình và chất chứa một tình cảm tha thiết lưu luyến. Thế nên, cứ nhẩn nha đọc, nhẩn nha ngâm ngợi và chạy nhảy trong vùng ký ức của mình, để được tận hưởng những êm đềm vốn thực ít ỏi trong đời sống hiện đại hôm nay.