Hungary đang trở thành vật cản lớn nhất trong nỗ lực thông qua gói trừng phạt thứ 6 mà Liên minh châu Âu muốn thông qua, với tâm điểm là lệnh trừng phạt dầu thô xuất khẩu của Nga. Budapest vẫn kiên quyết từ chối thông qua gói trừng phạt, vốn cần sự đồng thuận của cả 27 thành viên, dù đã được EU nhượng bộ và trao cho ngoại lệ.
Vì sao Hungary kiên quyết đối đầu?
Ban đầu, khi dự thảo đề xuất gói trừng phạt thứ 6 được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra, chính phủ Hungary tuyên bố dầu mỏ và khí đốt là giới hạn đỏ, khẳng định sẽ không ủng hộ bất cứ lệnh trừng phạt nào nhắm tới hai mặt hàng xuất khẩu này của Nga.
Chính phủ Hungary tuyên bố 85% khí đốt và 60% dầu thô nước này tiêu thụ đến từ Nga.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, chính trị gia dân túy cánh hữu, được coi là một trong các đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở châu Âu.
Ông Orban từng miễn cưỡng ủng hộ các gói trừng phạt trước đó của EU chống lại Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu than. Nhưng Thủ tướng Orban biện luận rằng những lệnh trừng phạt như thế gây tổn hại cho EU chẳng kém gì Nga.
Từ khi nắm quyền năm 2010, Thủ tướng Orban đã theo đuổi các chính sách mà cuối cùng càng khiến Hungary lệ thuộc nặng nề hơn vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Nhà lãnh đạo tuyên bố vị trí địa lý đặc thù và cơ sở hạ tầng năng lượng của Hungary khiến nước này không thể quay lưng với dầu thô của Nga.
Thủ tướng Viktor Orban của Hungary là một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters. |
"Cấm vận than cũng được thôi, bởi nó không quá ảnh hưởng tới Hungary. Nhưng giờ chúng ta đang tiến tới giới hạn đỏ, một giới hạn kép, bởi lệnh cấm vận dầu thô và khí đốt Nga sẽ tàn phá Hungary", ông Orban tuyên bố hồi đầu tháng 5.
Hungary là quốc gia không tiếp giáp biển, vì vậy nước này không có hải cảng để nhận dầu thô chuyển bằng tàu biển. Bởi thế, Hungary phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống đường ống dẫn dầu từ Nga.
Thêm nữa, để thu hút lá phiếu của cử tri, chính quyền Thủ tướng Orban theo đuổi chương trình giảm phí điện nước. Mấu chốt của chương trình này là nguồn nhiên liệu hóa thạch giá rẻ mà Nga bán cho Hungary.
Dưới sức ép của các đồng minh, Thủ tướng Orban ngày 16/5 cho biết chính phủ ông sẽ không ngăn cản gói trừng phạt mới của EU nhắm vào Nga miễn là chúng không đe dọa an ninh năng lượng của Hungary, theo AP.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này cần khoảng 20 tỷ USD để "hiện đại hóa toàn diện cơ sở hạ tầng năng lượng" đủ để loại bỏ dầu thô nhập khẩu từ Nga.
"Hungary có lý do chính đáng để trông chờ kế hoạch trợ giúp từ EU", ông Szijjarto nói, kêu gọi các nước EU đưa ra kế hoạch hỗ trợ.
Khả năng nhượng bộ?
Ngoài Hungary, một số nước không có biển trong EU cũng phụ thuộc nặng nề vào dầu thô của Nga như Slovakia và Cộng hòa Czech.
Với đề xuất mới nhất, EU đồng ý đưa 3 quốc gia nói trên vào danh sách ngoại lệ. Theo đó, các nước thành viên sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu thô của Nga từ cuối năm 2022. Hungary và Slovakia được gia hạn đến cuối năm 2024. Trong khi đó, thời hạn của Czech là tháng 6/2024, theo Guardian.
Lúc này, Slovakia và Czech đã tỏ thái độ sẵn sàng chấp nhận đề xuất nói trên. Tuy nhiên, Hungary tiếp tục duy trì lập trường phản đối gói trừng phạt trừ khi có một kế hoạch hỗ trợ tài chính mà trị giá có thể lên đến hàng chục tỷ USD.
Budapest tuyên bố nước này cần 5 năm cùng hàng chục tỷ USD để cải tạo nhà máy lọc dầu Szazhalombatta để xử lý các loại dầu thô khác. Lúc này, cơ sở Szazhalombatta chỉ lọc được dầu của Nga.
Giới chức Hungary cũng yêu cầu nước láng giềng Croatia tăng cường công suất khai thác ở Địa Trung Hải để bảo đảm nguồn cung dầu thô thay thế.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters. |
Việc ngăn cản thông qua gói trừng phạt Nga có thể là công cụ mà Hungary đang sử dụng để gây sức ép lên EU, bởi hai bên đang có một cuộc xung đột khác không liên quan tới chiến sự ở Ukraine, theo AP.
Trước đó, EU đã giữ lại 8 tỷ USD quỹ hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19 dành cho Hungary. EU cáo buộc chính phủ Hungary không thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng thích hợp.
Ngoài ra, EU cũng đã khởi động quy trình nhằm đóng băng nhiều hình thức hỗ trợ khác bởi Hungary vi phạm hàng loạt nguyên tắc thượng tôn pháp luật của khối.
Hungary bị EU cáo buộc đang bóp nghẹt các giá trị chung của khối như cơ quan hành pháp siết chặt phi lý kiểm soát đối với hệ thống tư pháp vốn phải duy trì vị thế độc lập. EU cũng cáo buộc Budapest hạn chế các quyền cơ bản.
Chính phủ của Thủ tướng Orban không công nhận các cáo buộc, cho rằng việc EU đóng băng hỗ trợ cho Hungary là hành vi chính trị hóa.
Nhưng nền kinh tế Hungary lúc này đang "quay cuồng" trong cơn bão lạm phát tăng cao cùng thâm thủng ngân sách tồi tệ, Budapest sẽ cần hỗ trợ tài chính từ EU để phục hồi nền kinh tế.
Với việc Hungary duy trì quan điểm cứng rắn trong vấn đề trừng phạt Nga, nhiều khả năng EU sẽ phải lấy các khoản hỗ trợ đang bị đóng băng làm con bài thương lượng cùng Budapest.