Một loạt liên minh dàn trận bủa vây Trung Quốc
Trước một Trung Quốc lớn mạnh hơn và hung hăng hơn, nhiều liên minh đã được dựng lên. Có thể nói, chưa bao giờ trong mấy chục năm trở lại đây, Trung Quốc lại rơi vào tình thế khó khăn và khó xử như hiện nay.
Ảnh minh họa. |
Khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, nhà lãnh đạo của Trung Quốc khi đó - ông Đặng Tiểu Bình đã đưa ra chính sách nổi tiếng có tên “Thao quang dưỡng hối” với các đặc điểm: “Bình tĩnh quan sát; Lập trường vững chắc; Bình tĩnh đối phó; Che giấu khả năng và chờ đợi thời thế; Duy trì ẩn mình, và không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu”.
Trung Quốc đã có một thời gian dài thực hiện thành công chính sách “ẩn mình chờ thời” mà cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình của nước này đưa ra. Theo đó, Bắc Kinh sẵn sàng dẹp bỏ các tranh chấp lãnh thổ sang một bên để theo đuổi mục tiêu phát triển. Năm 1979, Bắc Kinh từng đưa ra một đề xuất chính thức với Tokyo trong việc cùng khai thác phát triển tài nguyên ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Nhờ những bước đi hòa dịu, mềm mỏng trên, Trung Quốc đã có một môi trường hòa bình, thuận lợi để phát triển mạnh mẽ không ngừng. Tuy nhiên, 3 thập kỷ sau đó, với sức mạnh và ảnh hưởng gia tăng, thay vì thể hiện vai trò một cường quốc có trách nhiệm trên chính trường quốc tế, Trung Quốc lại lao vào những cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông bằng những bước đi, chính sách hung hăng và đầy hiếu chiến.
Với cách hành xử như trên, Trung Quốc đã bị “bủa vây” bởi một loạt liên minh dựng lên nhằm đối phó với họ.
Australia - Philippines
Hồi tháng 7 năm ngoái, Thượng viện Philippines đã thông qua một hiệp ước cho phép binh lính Australia được vào nước này để tham gia tập luyện trong các cuộc tập trận chiến đấu với lực lượng Philippines. Hiệp ước này đã từng bị các thượng nghị sĩ Philippines cản trở suốt nhiều năm qua. Vậy vì lý do gì mà họ lại dễ dàng thông qua hiệp ước liên minh quân sự với Australia trong năm vừa qua? Câu trả lời rất đơn giản, hiệp ước trên ra đời trong bối cảnh Manila ngày càng quan ngại sâu sắc về Trung Quốc. Trong khi đó, bản thân Australia – một nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng không yên tâm trước một Trung Quốc ngày càng lấn lướt mạnh mẽ trên trường quốc tế như vậy.
Trong suốt năm 2012, Philippines đã có cuộc đối đầu căng thẳng và quyết liệt với Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trong cuộc đối đầu này, Trung Quốc với tư cách nước mạnh hơn và lớn hơn đã có nhiều bước đi nhằm uy hiếp, thị uy Philippines. Trong bối cảnh này, Manila đã tăng cường tìm kiếm mối quan hệ liên minh, liên kết với các nước mạnh hơn trong và ngoài khu vực. Và Australia là một trong những đối tác mà họ lựa chọn.
Thượng nghị sĩ Loren Legarda – người ủng hộ tích cực cho hiệp ước quân sự Philippines - Australia, cho biết, bà quyết định ủng hộ hiệp ước đã bị trì hoãn 4 năm nay với Australia vì lo ngại những môi đe dọa an ninh mà Philippines đang phải đối mặt.
Thượng nghị sĩ Eduardo Angara cũng cho biết, ông ủng hộ hiệp ước quân sự với Australia bởi Philippines cần “một mạng lưới bạn bè bảo vệ” trong bối cảnh nước này đang phải “đối mặt với mối đe dọa từ một nước rất mạnh và nước đó đang đòi chủ quyền lãnh thổ sang đến tận cửa ngõ lãnh thổ của chúng ta”.
Mỹ - Australia
Trong những ngày đầu tháng 4, Mỹ đã bắt đầu triển khai việc đưa lính thủy đánh bộ đến Australia theo một thỏa thuận mà hai nước này đã đạt được hồi cuối năm 2011. Khoảng 200 lính thủy đánh bộ Mỹ đã đến Australia để thực hiện nhiệm vụ trong vòng 6 tháng. Đây là đợt triển khai quân đầu tiên trong số 2.500 binh lính sẽ được cử đến căn cứ Darwin như một phần của kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Cảng nhiệt đới Darwin nằm cách Indonesia khoảng 800 km. Với sự hiện diện ở cảng Darwin, lính thủy đánh bộ Mỹ có thể phản ứng nhanh chóng với bất kỳ vấn đề an ninh và nhân đạo nào ở khu vực Đông Nam Á – nơi đang có một loạt cuộc tranh chấp nóng bỏng về chủ quyền ở Biển Đông.
Theo các nhà phân tích, dù số quân Mỹ triển khai đến Australia là nhỏ nhưng nó sẽ giúp Mỹ có nhiều lựa chọn hơn ở châu Á bởi nước này đã có được một loạt các căn cứ ở các nước châu Á khác gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và thiết lập được mối quan hệ chiến lược với Singapore và Philippines.
Mỹ cũng đang nỗ lực tìm cách thuyết phục Australia cho phép triển khai một tàu sân bay thiện chiến của nước này ở trên lãnh thổ Australia.
Nếu Australia đồng ý với kế hoạch trên thì Mỹ sẽ có hai nhóm tàu sân bay tấn công hùng mạnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện giờ, Mỹ đang triển khai một nhóm tàu sân bay ở cảng Yokosuka, Nhật Bản.
Rõ ràng, liên minh Mỹ - Australia là một mối lo ngại lớn đối với Trung Quốc. Australia vốn là một đồng minh thân thiết và vững chắc của Mỹ. Đây là nước duy nhất chiến đấu bên cạnh Mỹ trong tất cả các cuộc xung đột lớn kể từ đầu thế kỷ 20 đến giờ.
Mỹ - Nhật - Australia
Song song với nỗ lực thắt chặt quan hệ đồng minh Mỹ-Australia, Mỹ cũng tìm cách thiết lập liên minh với cả Nhật và Australia làm đối trọng với Trung Quốc. Hồi tháng 2 năm ngoái, 3 nước này đã tổ chức một cuộc tập trận rầm rộ trên bầu trời Tây Thái Bình Dương với mục tiêu là nhằm đối phó với Trung Quốc và các mối đe dọa tiềm năng khác.
Cuộc tập trận Cope North được tổ chức hàng năm nhằm mục đích huấn luyện cho các lực lượng Không quân Mỹ, Nhật Bản và Australia có thể chiến đấu bên cạnh nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng quân sự. Cuộc tập trận này cũng được cho là lời nhắc nhở rõ ràng với Bắc Kinh rằng, liên minh của Mỹ trong khu vực châu Á rất mạnh và vững chắc.
Liên minh trên đang tiếp tục được mở rộng hơn nữa khi Mỹ quyết định mời thêm các nước như New Zealand và Philippines tham gia vào các cuộc tập trận định kỳ Cope North.
Mỹ, Ấn và Nhật
Cuối năm ngoái, các quan chức cấp cao của 3 cường quốc hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc đối thoại 3 bên lần thứ 3 với nội dung trọng tâm là vấn đề an ninh hàng hải và định hình cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các quan chức 3 nước Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản đã bàn về vấn đề củng cố mối quan hệ hợp tác trong hoạt động chống khủng bố và an ninh hàng hải.
Ngoài các chủ đề nói trên, các nguồn tin bí mật và đáng tin cậy tiết lộ, dù Bắc Kinh không được nhắc đến một cách công khai nhưng Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã thảo luận về an ninh hàng hải xét đến thái độ ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Trung Quốc đang trở thành mối lo ngại của cả Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Ấn Độ lo Trung Quốc đang nhăm nhe tiến vào Ấn Độ Dương. Trong khi Mỹ không hài lòng với những hoạt động thể hiện sức mạnh của Trung Quốc ở các vùng biển quốc tế quan trọng như Biển Đông.
Mỹ - Nhật, Mỹ - Philippines, Nhật - Philippines
Ngoài các liên minh nói trên, năm 2012 chứng kiến các liên minh Mỹ - Nhật, Mỹ - Philippines được củng cố một cách mạnh mẽ khác thường. Tất cả đều xuất phát từ sự lo ngại của các nước đối với Trung Quốc.
Liên minh Mỹ-Philippines được tăng cường thông qua việc Washington đẩy mạnh các hoạt động giúp Manila hiện đại hóa và phát triển khả năng quân sự nhằm đối phó với cuộc đối đầu ngày càng tăng với Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, Mỹ đã và sẽ cung cấp cho Philippines các vũ khí như tàu chiến, máy bay chiến đấu hiện đại, hệ thống radar ven biển… và thậm chí tăng thêm sự hiện diện của lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Philippines lớn hơn mức 600 binh sĩ hiện nay.
Song song với đó, Mỹ cũng tăng cường mối quan hệ liên minh gắn bó, thân thiết với Nhật bằng cách công khai ủng hộ Tokyo trong cuộc tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.
Trong khi đó, Nhật Bản và Philippines trong năm qua cũng đã tìm đến với nhau khi họ chia sẻ một mối quan ngại chung là Trung Quốc. Cả hai đều đang có tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng với Trung Quốc ở trên biển. Vì vậy, hai nước này đã tìm cách thiết lập một liên minh nhằm giúp nhau đối phó với Trung Quốc.
Theo VnMedia