Hiện nay, các nhà văn nữ dần khẳng định được vị thế của mình trên văn đàn thế giới. Đó không còn là câu chuyện của một vài nền văn học riêng lẻ mang tính quốc gia nữa.
Phái đẹp với sự nhạy cảm và tinh tế cùng lối tư duy mới mẻ, luôn muốn khẳng định mình đã mang tới một bức tranh xã hội hoàn toàn khác, đa chiều và sâu sắc trong văn chương.
Là quốc gia có diện tích nhỏ, song nền văn học Ireland là một cái tên không hề bé trong “bản đồ văn chương” thế giới. Đất nước xinh đẹp và yên bình này là quê hương của những tác gia nổi tiếng như: Jame Joyce, William Butler Yeats, Seamus Heaney hay mới đây là William Trevor.
Đa phần, nhắc tới nền văn học Ireland, người ta vẫn nhớ tới những cái tên của phái mạnh.
Hai cuốn sách của văn học Ireland mơi xuất bản tại Việt Nam. |
Mãi tới giai đoạn thập nên 1950 tới 1970 của thế kỉ XX, các nhà văn nữ của đất nước được mệnh danh là “viên ngọc xinh đẹp” giữa đại dương mới dần khẳng định vị thế của mình trên văn đàn.
Nổi bật nhất có lẽ là những cái tên như Elizabeth Bowen, Edna O’Brien, Eavan Boland… Vậy còn những nhà văn nữ đương đại của Ireland thì sao? Họ đang viết gì và Ireland hiện đại được cảm nhận như thế nào dưới ngòi bút của họ?
Mới đây NXB Phụ nữ phối hợp với Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm "Những cây bút nữ và hình bóng phụ nữ trong văn chương Ireland đương đại”.
Đây cũng là dịp giới thiệu đến đông đảo độc giả hai cuốn tiểu thuyết ăn khách của các nhà văn nữ đương đại nổi tiếng là Phố Academy (Mary Costello) và Tuần lễ náu mình (Maeve Binchy).
Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, dịch giả Nguyễn Nhật Tuấn, dịch giả Hà Nguyễn, nhà nghiên cứu văn học, TS. Quyên Nguyễn và Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXN Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng.
Maeve Binchy và Mary Costello - tác giả hai cuốn tiểu thuyết mới phát hành ở Việt Nam. |
Đều lấy chủ đề là cuộc sống của người phụ nữ, hai cuốn tiểu thuyết mang hai góc nhìn rất riêng. Phố Academy là cuộc vật lộn của người mẹ đơn thân, sống cuộc đời của những người nhập cư trên đất Mỹ, đầy khó khăn và cạm bẫy.
Còn Tuần lễ náu mình lại là cuộc phiêu lưu đi tìm cái mới, thoát khỏi những sự ràng buộc của gia đình của một cô gái trẻ.
Theo các diễn giả trong buổi tọa đàm, hai tác giả nữ đã khéo léo lồng ghép câu chuyện của một đất nước trong câu chuyện của từng cá nhân. Từ lâu, người Ireland đã mong thoát khỏi cái bóng của nước Anh và đi tìm cho mình một bản sắc riêng.
Nước Mỹ dường như là chân trời mới đối với họ, nhưng cuộc sống trên đất Mỹ dường như vẫn không dễ dàng.
Các vấn nạn xã hội mà người phụ nữ phải gánh chịu và đôi khi không dám lên tiếng tố cáo như cưỡng bức, bị lạm dụng tình dục, đối xử bất công cũng được phơi bày trong sáng tác của các nhà văn nữ Ireland.
Chúng ta sẽ nhìn thấy một Ireland mới, tràn ngập hơi thở hiện đại trong các sáng tác của các nhà văn nữ đương đại giàu cá tính.
Từ trước đến nay, ở nhiều nền văn học trên thế giới, các nhà văn nữ thường không nhận được một cái nhìn công tâm như đối với các đồng nghiệp là nam giới. Với ngòi bút sắc sảo cùng cái nhìn cởi mở, các nhà văn nữ Ireland đang dần khẳng định vị trí của mình trên văn đàn.