Tháng 6/2019, Jonathan Ive (Jony Ive), cựu Phó chủ tịch Apple và được mệnh danh là “huyền thoại thiết kế của Apple”, đã quyết định nghỉ việc tại tập đoàn. Tuy nhiên, công ty của ông sau đó, có tên LoveFrom, vẫn tiếp tục là cố vấn thiết kế cho các sản phẩm Apple.
Khi đó, CEO Tim Cook khẳng định Jony Ive sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án của Apple "trong nhiều năm tới". Sau 3 năm, thời hạn đó dường như đã tới khi New York Times, dẫn lời các nguồn tin nội bộ, cho biết Ive và Apple đã chính thức chia tay.
Thỏa thuận "trói chân" Jony Ive
Lúc Ive từ chức và thành lập công ty thiết kế LoveFrom của riêng mình vào năm 2019, Táo khuyết đã ngay lập tức ký thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 100 triệu USD với ông. Điều này đã biến Apple trở thành đối tác chính của LoveFrom.
Theo nguồn tin nội bộ, hợp đồng này cấm Jony Ive không được tham gia vào các hoạt động thiết kế cạnh tranh với Apple, đồng thời các nhà thiết kế phải liên tục báo cáo tiến độ sản xuất sản phẩm của mình cho hãng như bộ kính AR sắp sửa ra mắt trong năm tới.
Thế nhưng, vài tuần trở lại đây, khi hợp đồng dần hết hiệu lực, hai bên đã quyết định không tiếp tục gia hạn nữa. Nhiều thành viên lãnh đạo của Apple tỏ ra lo ngại về số tiền mà hãng phải trả cho cựu Phó chủ tịch Apple và tình trạng nhân viên đổ xô sang làm việc cho công ty riêng của ông.
Về phần mình, Jony Ive muốn tự do lựa chọn khách hàng của mình mà không cần phải thông qua Apple.
Ive bắt đầu làm việc tại Apple từ năm 1992 và tạo ra hàng loạt sản phẩm mang tính biểu tượng như iMac, iPod, iPhone, iPad, MacBook. Có thể nói, ông là người định hình phong cách thẩm mỹ xuyên suốt trong các sản phẩm của Apple.
Song hành với thành công của Apple, Jony Ive đã trở thành huyền thoại trong giới thiết kế công nghệ và được nhà đồng sáng lập Steve Jobs xem như “đối tác tinh thần" của mình.
"Ông ấy không chỉ là một nhà thiết kế bình thường. Ông ấy có quyền lực điều hành lớn hơn bất cứ ai khác tại Apple, trừ tôi", cố CEO Steve Jobs chia sẻ về Ive trong cuốn sách tiểu sử.
Những bất đồng dưới thời Tim Cook
Nhưng đến thời Tim Cook, sự bất đồng của Ive với định hướng phát triển của tập đoàn đã lớn dần qua từng ngày. Các đồng nghiệp cho biết Giám đốc thiết kế luôn thất vọng về sự phình to của công ty, chê bai chủ nghĩa quân bình của Tim Cook và than thở với việc chuyển trọng tâm từ sản xuất thiết bị sang phát triển dịch vụ.
Bên cạnh đó, khi không có người đồng hành Steve Jobs, Ive phải gánh vác phần lớn trách nhiệm về thiết kế sản phẩm và hoạt động tiếp thị. Trong khi đó, một số người thân cận với Ive cho biết ông đã cảm thấy mệt mỏi khi phải cạnh tranh để được thăng chức và dần trở nên quá tải khi phải quản lý một đội ngũ nhân sự hàng trăm người.
Đỉnh điểm là vào tháng 7/2019, ngay sau khi Ive rời đi, CEO Tim Cook đã gọi những thất vọng của Ive tại Apple là vô lý và nói rằng chính cựu Giám đốc thiết kế đã bóp méo các mối quan hệ cũng như quyết định về mặt thiết kế.
Ông cho rằng những quyết sách của mình đã được các nhà đầu tư tán đồng và thu về 1.500 tỷ USD vốn hóa thị trường cho Táo khuyết chỉ trong vòng 2 năm.
Sau khi Ive rời đi, nhân sự cấp cao tại Apple đã phải trải qua một cuộc cải tổ quy mô lớn. Jeff Williams, giám đốc điều hành và nhà đồng sáng tạo đồng hồ Apple Watch, đã được chọn làm người kế nhiệm Ive tại Apple.
Cùng với đó là Evans Hankey, Phó chủ tịch phụ trách mỹ thuật công nghiệp và Alan Dye, Phó chủ tịch mảng thiết kế giao diện người dùng. Trong khi đó, Greg Joswiak, Phó Chủ tịch Phụ trách mảng Marketing, sẽ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo bộ phận tiếp thị sản phẩm của Apple.
Theo New York Times, công ty thiết kế LoveFrom của Jony Ive sẽ tiếp tục làm việc với nhiều đối tác khác nhau trong đó có AirBnB và Ferrari. Cựu Phó chủ tịch Apple cũng sẽ thực hiện những dự án cá nhân với tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì biến đổi khí hậu có tên Sustainable Markets Initiative.
Apple hụt hơi trên thị trường máy tính
Theo IDC, Apple có lượng máy tính xuất xưởng quý II/20222 giảm 22.5% so với cùng kỳ, tụt xuống vị trí thứ 5 trong ngành.
Dự án 8 năm chưa thành hình của Apple
Sau 8 năm, dự án phát triển xe tự lái của Apple gặp trở ngại khi mục tiêu và nhân sự liên tục thay đổi.
Một công ty Nhật khiến Apple, Samsung đau đầu
Nguyên liệu thô cho dây chuyền sản xuất chip bán dẫn đột ngột tăng cao, có thể kéo giá thành linh kiện dành cho iPhone và những smartphone khác lên theo.