Hiện nay đã có đủ bằng chứng nhân học để chỉ ra rằng những ham muốn cơ bản hay tối thượng của mọi người không khác biệt nhiều như những mong muốn có ý thức hàng ngày của họ. Lý do chính cho điều này là hai nền văn hóa khác nhau có thể đưa ra hai cách hoàn toàn khác nhau để thỏa mãn một ham muốn cụ thể, ví dụ, lòng tự trọng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Arina Krasnikova/Pexels. |
Ở một xã hội, một người có được lòng tự trọng bằng cách trở thành một thợ săn giỏi, nhưng ở xã hội khác người ta có được lòng tự trọng bằng cách trở thành một thầy lang giỏi hoặc một chiến binh dũng cảm, hoặc một người giỏi chế ngự cảm xúc, v.v...
Có thể khi đó, nếu chúng ta nghĩ về những mục đích tối thượng, thì ham muốn trở thành thợ săn giỏi của cá nhân này sẽ có cùng động lực và cùng mục đích cơ bản giống như mong muốn trở thành thầy lang giỏi của cá nhân khác.
Khi đó, chúng ta có thể khẳng định rằng sẽ hữu ích hơn cho các nhà tâm lý học khi đặt hai ham muốn có ý thức dường như khác biệt này vào cùng một thể loại, hơn là đặt chúng vào các thể loại khác nhau dựa trên cơ sở hành vi thuần túy.
Rõ ràng là bản thân các mục đích thì phổ quát hơn nhiều so với những con đường để đạt được chúng, vì những con đường này được xác định cục bộ trong nền văn hóa cụ thể. Con người giống nhau hơn so với những gì ban đầu ta tưởng.
Đa động lực
Qua nghiên cứu về tâm lý bệnh học, chúng ta đã biết rằng một ham muốn có ý thức hoặc một hành vi được thúc đẩy có một đặc thù khác liên quan đến cái mà chúng ta vừa thảo luận, tức là nó có thể đóng vai trò như một kênh dẫn, để các mục đích khác có thể tự thể hiện qua đó.
Có vài cách để thể hiện điều này. Ví dụ, ai cũng biết rằng hành vi tình dục và ham muốn tình dục có ý thức có thể cực kỳ phức tạp trong các mục đích tiềm ẩn, vô thức của chúng. Ở một cá nhân, ham muốn tình dục có thể thực ra là mong muốn chứng minh tính nam của bản thân. Ở những cá nhân khác, nó có thể đại diện cho ham muốn gây ấn tượng, hoặc ham muốn được gần gũi, thân thiện, an toàn, yêu thương hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của những điều này.
Về mặt ý thức, ham muốn tình dục của tất cả những cá nhân này có thể có cùng một nội dung, và có lẽ tất cả họ đều sẽ mắc sai lầm khi nghĩ rằng mình chỉ tìm kiếm sự thỏa mãn tình dục.
Nhưng giờ đây chúng ta biết rằng điều đó không chính xác, ta sẽ cần hiểu những người này để giải quyết nguyên nhân gốc ẩn giấu đằng sau cái ham muốn và hành vi tình dục của họ, chứ không phải những gì họ nghĩ một cách có ý thức rằng chúng đại diện (Điều này cũng đúng cho cả hành vi chuẩn bị làm gì đó (preparatory behavior) hay hành vi tiêu thụ (consumatory behavior)).
Một bằng chứng khác ủng hộ quan điểm này là việc người ta đã phát hiện ra rằng một triệu chứng tâm lý bệnh học đơn lẻ có thể đồng thời biểu thị cho nhiều ham muốn khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Một cánh tay bị liệt do chứng hysteria có thể đại diện cho việc thỏa mãn đồng thời những ham muốn trả thù, thương hại, yêu thương và tôn trọng.
Nếu xem xét ham muốn có ý thức ở ví dụ đầu tiên, hay triệu chứng hiển hiện ở ví dụ thứ hai theo kiểu hành vi thuần túy, thì nghĩa là chúng ta đã loại bỏ khả năng hiểu biết tổng thể về hành vi và về trạng thái động lực của cá nhân. Cần nhấn mạnh rằng, nếu một hành động hay một mong muốn có ý thức chỉ có duy nhất một động lực, thì đó là bất thường chứ không phải là bình thường.