Các chuyên gia và đại diện các hiệp hội tại hội thảo đóng góp ý kiến về việc lựa chọn phương án tính giá điện, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng với đơn vị tư vấn tổ chức tại Hà Nội ngày 22/9, đã bác bỏ phương án một giá điện. Phương án tính giá điện bậc thang được ủng hộ trên cơ sở điều chỉnh lại số bậc và khoảng cách giá giữa các bậc.
EVN được cho là đã rất khôn ngoan khi đưa ra “đề bài” mà theo đó, cho dù bất cứ phương án nào được chọn, thì giá điện bình quân cũng tăng khoảng 7,7% so với mức hiện nay.
Lý do chính mà các chuyên gia, đặc biệt là đại diện Hiệp hội người tiêu dùng, bác bỏ phương án đồng giá, là nhằm bảo vệ những người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và khuyến khích việc tiết kiệm điện. Nhìn thoáng qua, có vẻ đó là những lý do hết sức hợp lý. Tuy nhiên, lui lại một chút để chọn một góc nhìn khác, có thể thấy rằng tính toán này chưa hợp lý.
EVN đã liên tục có lãi trong ba năm qua và vẫn muốn làm dày thêm biên lợi nhuận của mình. |
Nếu lựa chọn phương án giá điện sinh hoạt bậc thang, những gia đình sử dụng nhiều điện hơn sẽ phải trả thêm một khoản tiền, để cho EVN sử dụng nhằm mục đích thực hiện an sinh xã hội hay bảo vệ người nghèo. Đây là điều hết sức bất hợp lý, vì những người sử dụng nhiều điện hơn – mà chưa hẳn là những người giàu – phải thực hiện một trách nhiệm xã hội vốn thuộc về Nhà nước.
Lẽ ra, nếu muốn duy trì một mức giá thấp cho người nghèo, Chính phủ phải trực tiếp đứng ra đảm trách, bằng việc bù lỗ cho EVN. Hoặc nếu sử dụng EVN như một doanh nghiệp Nhà nước đảm trách nhiệm vụ xã hội này bằng việc thu giá thấp, Chính phủ cũng có thể cân đối lại cho EVN qua chính sách thuế.
Còn lý do áp dụng phương án giá lũy tiến nhằm khuyến khích tiết kiệm điện cũng chỉ là “một cách nói lấy được”. Ai cũng biết, điện sinh hoạt chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng điện quốc gia (theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long trên Nông thôn Ngày nay, điện sinh hoạt chỉ chiếm 11% tổng sản lượng điện). Dù có khuyến khích tiết kiệm thì cũng không tạo ra được hiệu quả thật sự đáng kể.
Chính một số ngành công nghiệp năng như xi-măng, sắt thép… mới là những thủ phạm ngốn điện quy mô lớn, và cần phải áp dụng triệt để các biện pháp tiết kiệm điện. Về phía người tiêu dùng, có lẽ không ai dại gì lãng phí điện theo kiểu xả ga – hoặc nếu có cũng chỉ là một thiểu số - khi giá điện chỉ giảm chút ít để rồi phải tốn thêm nhiều tiền.
Thiết nghĩ, với mức giá điện hiện nay đang có lãi như các lãnh đạo EVN đã thừa nhận, nên áp dụng phương án đồng giá theo mức giá bình quân đã tính toán, và có giải pháp do Chính phủ hay EVN thực hiện, nhằm bù đắp cho người nghèo. Hoặc, chỉ nên áp dụng hai mức giá, gồm một mức giá “bao cấp” cho người nghèo sử dụng dưới 100 kWh mỗi tháng, và phần còn lại áp dụng mức giá kinh doanh thống nhất cho khỏi rối rắm, phức tạp.
Vấn đề còn lại duy nhất là đề xuất tăng giá điện được EVN khéo léo đưa vào trong các phương án tính giá điện liệu có chấp nhận được không. EVN đã liên tục có lãi trong ba năm qua, và – bất chấp các yếu tố đầu vào đã giảm, ngoại trừ chi phí tăng không đáng kể về tỷ giá – doanh nghiệp Nhà nước này vẫn muốn có được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, để làm dày thêm biên lợi nhuận của mình. Hay là, so với mức điều chỉnh tỷ giá vài phần trăm từ đầu năm, thì mức tăng giá điện 7,7% là một con số không đáng kể?